Góc nhìn

Từ “nhường đường” đến văn hóa ứng xử

- Thứ Sáu, 20/09/2019, 08:06 - Chia sẻ
Cảnh sát giao thông Hà Nội mới đây đã tiến hành lập biên bản, xử phạt 2,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 3 tháng đối với một nữ tài xế vì đã có hành vi cản trở, không nhường đường cho xe được quyền ưu tiên đang làm nhiệm vụ dẫn một đoàn khách quốc tế từ trung tâm thành phố đi ra hướng sân bay Nội Bài. Trước đó, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang cũng lập biên bản, xử phạt và tước giấy phép lái xe đối với lái xe khách cố tình không nhường đường cho xe cứu hỏa đang trên đường thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp.

Những quyết định trên được dư luận tán đồng bởi sự việc diễn ra trong bối cảnh văn hóa nhường đường ở Việt Nam dường như vẫn là khoảng trống, và hành vi không tự giác nhường đường cho xe ưu tiên xuất hiện ở nhiều nơi nhưng không phải khi nào cũng được xử lý nghiêm minh theo luật định. Thực tế, người tham gia giao thông có lẽ cũng đã quen thuộc với hình ảnh những chiếc xe cứu hỏa, xe cứu thương, xe cảnh sát… hú còi chạy hết tốc lực trên các nẻo đường. Tuy nhiên, có một điều có lẽ ít ai để ý là những chiếc xe ưu tiên này lại chẳng mấy khi được nhường đường.

Điều 20 Luật Giao thông đường bộ quy định, một số phương tiện được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự: xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu... Dẫu Luật Giao thông đường bộ là một trong những bộ luật được tuyên truyền sâu rộng, đều khắp và liên tục nhất nhưng luật là một chuyện, có áp dụng hay không, tuân thủ hay không lại là chuyện khác. Nhiều người hiểu luật, biết nghĩa vụ của mình nhưng vẫn cố tình vi phạm dù biết hành vi đó là nguy hiểm.

Nhường đường cho xe ưu tiên là bắt buộc nhưng khi tham gia giao thông cũng giống như sự nhường nhịn trong cuộc sống lại là văn hóa ứng xử. Có khi chỉ là một lời cảm ơn đã ưu tiên cho đi trước, một câu xin lỗi khi không may va quệt hay dừng đúng vạch nơi ngã tư khi đèn vàng… Không có sự nhường nhịn, ai cũng xô đẩy, chen lấn, nhất là lấn làn, sẽ khiến cho bức tranh giao thông vô cùng xấu xí, mà rốt cuộc, đường đã tắc lại càng tắc, bức tranh giao thông thêm ảm đạm khi những con số về tai nạn giao thông chưa thể dừng lại.

Khi tranh giành tìm kiếm sự có lợi mang đầy tính ích kỉ trở thành thói quen: Chen ngang khi xếp hàng để mua đồ, để đổ xăng trước, để lấy một cái vé trước trở thành văn hóa ứng xử của một bộ phận thì cuộc sống đôi lúc trở nên rối ren, bế tắc. Có lúc đường rộng, xe ít mà vẫn tắc, bởi ai cũng muốn nhanh chân, đi ngược chiều sang hẳn phần đường của chiều ngược lại. Điều này khác hẳn với một số nước tiên tiến trên thế giới, mà rõ nhất là Nhật Bản. Ở đó, khi càng ùn tắc giao thông hoặc có bất cứ sự cố bất thường nào dù khẩn cấp, nguy hiểm đến đâu đi chăng nữa thì mọi người vẫn rất bình tĩnh, trật tự. Cứ theo nguyên tắc, ai đến trước, đi trước, ai đến sau đi sau, thậm chí nhiều người còn nhường nhịn nhau, tuyệt đối không xảy ra chen lấn, xô đẩy.

Truyền thống văn hóa người Việt vốn rất coi trọng việc nhường nhịn, chia sẻ lẫn nhau không chỉ trong cơn hoạn nạn mà còn là câu chuyện đời thường. Nhường nhịn là văn hóa ứng xử văn minh, tự giác theo tôn ti trật tự biết nghĩ cho người xung quanh và cho chính mình nhất là khi tham gia giao thông thì ắt mọi việc sẽ theo chiều hướng tốt. Phải học từ những điều nhỏ như văn hóa nhường đường cho đến văn hóa nhường nhịn, chúng ta mới có thể xây dựng được ý thức tôn trọng pháp luật, thượng tôn pháp luật và tinh thần sống trách nhiệm xây dựng cộng đồng văn hóa, văn minh tiên tiến trong thời đại công nghiệp.

Chi An