Hội đồng Điều tra Hiến pháp Ethiopia

Từ Hiến pháp mô hình Minh Trị đến Hiến pháp 1995

- Thứ Sáu, 25/07/2014, 08:23 - Chia sẻ
Ethiopia là một quốc gia thuộc vùng Sừng Châu Phi. Trước khi Hiến pháp đầu tiên – Hiến pháp 1931 – được ban hành, Ethiopia không có một Hiến pháp thành văn điều chỉnh các vấn đề như cơ chế bảo hiến hay kiềm chế đối trọng. Bản Hiến pháp đầu tiên của nhà nước phong kiến Ethiopia ban hành năm 1931 mô phỏng theo Hiến pháp Minh Trị 1789 của Nhật Bản.

Trước khi có bản hiến pháp đầu tiên này, mối quan hệ quyền lực trong triều đình hoặc quan hệ giữa chính quyền với nhà thờ, vai trò của nhà thờ trong quản trị đất nước đã có một số văn bản pháp luật điều chỉnh, tuy không được gọi là hiến pháp. Truyền thống lâu đời trên 3.000 năm  của Ethiopia thường dẫn chiếu tới cổ luật của nước này có tên gọi là Fitha Ngest – văn bản được các luật gia coi là một sự phát triển rất quan trọng trong truyền thống pháp luật ở Ethiopia. Văn kiện pháp lý này điều chỉnh mối quan hệ giữa chính quyền, nhà thờ và giới quý tộc. Để duy trì trật tự quyền lực thì mối quan hệ chính yếu là mối quan hệ giữa các cơ quan quyền lực nhà nước, nó đóng vai trò chi phối toàn bộ hệ thống quản trị quốc gia.

Tuy nhiên, ở giai đoạn sau đó, các học giả có sự đồng thuận rộng rãi khi cho rằng sự giao lưu với phương Tây và ảnh hưởng của các học giả người Ethiopia được đào tạo ở châu Âu cũng như mối quan hệ ngoại giao ngày càng chặt chẽ với châu Âu trong thời gian trị vì của hoàng đế Haile Selassie là những nhân tố chính khiến người Ethiopia từ bỏ văn kiện truyền thống Fitha Ngest để tiến tới việc ban hành bản hiến pháp thành văn đầu tiên trong lịch sử của mình – Hiến pháp 1931. Song đây là bản hiến pháp do triều đình chủ động đưa ra nên không có gì ngạc nhiên khi nó tập trung quyền lực cho Hoàng đế, và bởi vậy chưa đặt ra vấn đề bảo hiến.

Sau đó, đất nước Ethiopia bị Italy chiếm đóng trong 5 năm (1936 – 1941). Khi giành được độc lập, nhân dân Ethiopia ý thức rõ hơn về nhu cầu hiện đại hóa hệ thống pháp luật quốc gia. Do hệ quả của sự kiện lịch sử này và các yếu tố nội sinh khác, một bản sửa đổi bổ sung hiến pháp được thông qua vào năm 1955. Bản sửa đổi bổ sung này đã quy định sự thay đổi trong hệ thống tổ chức quản trị chính quyền, hướng tới sự hạn chế quyền lực của hoàng đế và tạo không gian mở rộng việc công nhận các quyền và tự do của công dân. Sau đó, Hiến pháp Ethiopia đã trải qua ba lần sửa đổi, bổ sung căn bản vào các năm 1986, 1991 và 1995.

So với các bản hiến pháp trước, Hiến pháp 1995 (Hiến pháp hiện hành) của Ethiopia đã trao thẩm quyền quyết định tính hợp hiến cho Viện thứ hai của Quốc hội. Hiến pháp 1995 đặc biệt lưu tâm đến việc bảo vệ các quyền cơ bản và tự do được thừa nhận rộng rãi theo đúng các công ước quốc tế, nên cần phải có một cơ chế phù hợp để bảo đảm tính hợp hiến của hành vi công quyền. Bởi vậy, các học giả và chính trị gia Ethiopia đã tranh luận rất nhiều về cơ chế bảo đảm sự tuân thủ Hiến pháp và cân nhắc việc trao chức năng giải thích Hiến pháp cho cơ quan nào: cho tư pháp hay cho một cơ quan khác ngoài tư pháp.

Khi phân tích bối cảnh của Ethiopia, các học giả đã cố gắng đi tìm một mô hình đặc biệt và cho rằng cần trao quyền giải thích hiến pháp cho Viện liên bang (tương tự Thượng viện ở các nước khác). Việc trao quyền giải thích Hiến pháp cho Viện liên bang có nghĩa là các tiểu bang được trao nhiều cơ hội hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình trước nguy cơ lạm quyền của chính quyền liên bang. Sở dĩ như vậy vì Viện liên bang có mối liên hệ chặt chẽ hơn với các tiểu bang so với Hạ viện. Viện liên bang (sau đây gọi là Thượng viện) có chức năng bảo vệ lợi ích của các tiểu bang.

Với đặc thù cấu trúc liên bang và các quan điểm nói trên, Điều 62 Hiến pháp (Liên bang) 1995 và Tuyên bố 251/2001 đã trao quyền giải thích hiến pháp cho Thượng viện, theo đó Thượng viện có quyền giải thích hiến pháp và quyết định về tính hợp hiến của hành vi lập pháp và các hành vi công quyền khác. Điều 84 Hiến pháp 1995 và Tuyên bố 250/2001 đã trao cho Hội đồng Điều tra hiến pháp quyền điều tra các tranh chấp hiến pháp và đệ trình các kiến nghị lên Thượng viện.

Tương tự, mỗi bang của Liên bang Ethiopia có Hiến pháp riêng của mình và các bang này cũng trao quyền giải thích Hiến pháp tiểu bang cho Hội đồng dân tộc hay Ủy ban giải thích hiến pháp (ở các bang Afar, Tigray, Amhara, Oromyia, Harari, Benishangul-Gumuz, Gambella). Để hỗ trợ cho các cơ quan này, một Hội đồng Điều tra hiến pháp (của tiểu bang) được thành lập. Như vậy, về tổng thể, việc bảo đảm tuân thủ hiến pháp ở Ethiopia được thiết kế theo hai tầng nấc: liên bang và tiểu bang.