Hội nghị Kinh tế trẻ châu Á 2019

Tư duy mới trong giải quyết các vấn đề kinh tế đương đại

- Thứ Ba, 13/08/2019, 19:51 - Chia sẻ
Từ ngày 12 - 15.8, tại Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội phối hợp với Tổ chức Học giả trẻ Quốc tế (Young Scholars Initiative - YSI) thuộc Viện Nghiên cứu Tư duy Kinh tế mới (INET, Mỹ) tổ chức Hội nghị Kinh tế trẻ châu Á 2019 (YSI Asia Convening 2019). Gần 500 học giả đến từ khắp nơi trên thế giới đã gặp gỡ, trao đổi, thảo luận, phát triển những tư duy mới về kinh tế và truyền cảm hứng về kinh tế học.

Kết nối cộng đồng các nhà kinh tế trẻ

Đây là lần thứ 5 Hội nghị Kinh tế trẻ được tổ chức. Các hội nghị trước đây diễn ra tại Trento (châu Âu), Buenos Aires (Mỹ Latin), Harare (châu Phi) và Los Angeles (Bắc Mỹ). GS. Arjun Jayadev - chuyên gia kinh tế cao cấp của INET cho biết: “YSI là tổ chức quốc tế hướng tới mục tiêu mang lại tư duy kinh tế mới cho thế hệ trẻ. Về cơ bản, chúng ta cần nhận ra sự thay đổi về kinh tế, từ đó tiến tới thay đổi rộng hơn trong tư duy về một thế giới rộng lớn và có ý nghĩa hơn. Về phía mình, chúng tôi mong muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của YSI tại châu Á. Việt Nam là quốc gia năng động và đang phát triển rất nhanh, là nơi để tư duy kinh tế mới được áp dụng một cách thuận lợi. Do đó, chúng tôi chọn Việt Nam để tổ chức hội nghị lần này”.


Gần 500 đại biểu đến từ 25 quốc gia gặp gỡ, trao đổi để tìm ra lời giải cho các vấn đề trọng yếu của thế giới

Hội nghị lần này nằm trong tổng thể hoạt động của INET trên khắp thế giới, với mong muốn mang lại sân chơi cho các học giả, nhà nghiên cứu toàn cầu. Hội nghị có sự tham gia của học giả từ 25 nước, những người đang cố gắng tìm ra lời giải cho các vấn đề trọng yếu của thế giới. “Chúng tôi mong muốn xây dựng cộng đồng những nhà kinh tế, những người sẽ nỗ lực tìm ra câu trả lời cho các vấn đề như bất bình đẳng, nghèo đói, phát triển bền vững…” - GS. Arjun Jayadev nói.

Ươm mầm ý tưởng và tư duy kinh tế mới

Thế giới đang thay đổi từng ngày với cuộc cách mạng số. Cùng với đó, chính trị, kinh tế, văn hóa, quan hệ ngoại giao giữa các nước, đặc biệt là các nước lớn, đang có sự phân cực và biến đổi sâu sắc, tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia châu Á - nơi mà nền kinh tế đang có sự phát triển vượt bậc. Kinh tế học với tư cách là một ngành khoa học khó có thể bắt kịp và đưa ra các giải pháp toàn diện, kịp thời nếu như không có được những tư duy mới và cách tiếp cận mới của những học giả, chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu về kinh tế.

Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Kim Sơn chụp ảnh cùng các học giả tham dự hội nghị
Ảnh: Ngọc Tùng

Việt Nam là quốc gia đang phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế Châu Á và toàn cầu. Những thách thức nêu trên cũng đang hiện hữu sống động tại Việt Nam. Do đó, việc lựa chọn Việt Nam mà cụ thể là ĐHQG Hà Nội là điểm đến để thảo luận những vấn đề kinh tế châu Á trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu là một lựa chọn có ý nghĩa. Nhấn mạnh điều này, Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Kim Sơn hy vọng: “Hội nghị sẽ tạo ra một diễn đàn cởi mở khuyến khích và ươm mầm cho những ý tưởng và tư duy kinh tế mới. Chúng ta cùng kỳ vọng các nhà kinh tế trẻ sẽ đưa ra những ý tưởng, sáng kiến, khuyến nghị mới, thực tế và khả thi, có thể trở thành những dự báo, tri thức và luận cứ khoa học, góp phần giải quyết các vấn đề của kinh tế đương đại, đồng thời đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới

Phát triển và những thách thức

Tại phiên toàn thể đầu tiên của hội nghị GS Jayati Ghosh, chuyên ngành kinh tế phát triển tại ĐH Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) đã trình bày bài thuyết trình chủ đề “Các thế lực kinh tế ở châu Á: Phát triển và những thách thức”. GS Jayati Ghosh đã đưa ra những kết quả nghiên cứu mới nhất về sự phát triển kinh tế của các nước châu Á, đồng thời so sánh với các nước phát triển như Đức hay châu Âu nói chung. Phần thuyết trình của bà gây ấn tượng với những khuyến nghị về định hướng phát triển bền vững cho các nền kinh tế châu Á để đối phó với những lo ngại về sự phát triển thiếu bền vững.

GS. Danny Quah - Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, ĐHQG Singapore, thuyết trình về “Trật tự thế giới mới và sự trỗi dậy của phương Đông”
Ảnh: Ngọc Tùng

Ngay sau phiên toàn thể, các học giả chia nhóm và tiếp tục thảo luận tại các phiên song song. GS. Danny Quah - Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, ĐHQG Singapore, thuyết trình về “Trật tự thế giới mới và sự trỗi dậy của phương Đông”. Ông cho rằng vai trò của ASEAN trong trật tự thế giới mới sẽ vô cùng quan trọng. Trong đó, vấn đề cấp bách đầu tiên là khi đối mặt với căng thẳng kinh tế đang diễn ra trên thế giới thì ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ đón nhận những tác động như thế nào. “Điều quan trọng là ASEAN và Việt Nam cần chủ động đóng góp vào việc tạo nên trật tự thế giới mới. Theo tôi, trật tự thế giới mới nên được chia theo nhu cầu và cung ứng. Chúng ta cần hiểu vị trí của mình như là khách hàng quyền lực, những người đứng ở đường cầu của trật tự thị trường thế giới mới” - GS. Danny Quah nói.

GS Katharina Pistor - ĐH Columbia và ĐH Harvard cho rằng, khoảng cách giàu - nghèo ngày càng tăng không chỉ là vấn đề của Việt Nam hay các quốc gia đang phát triển, mà của bất kỳ quốc gia nào, kể cả các nước phát triển nhất. Khi thu nhập tăng lên, bất bình đẳng thu nhập luôn là vấn đề chính trị và xã hội cần được quan tâm. Bà không chỉ quan tâm tới các phương thức “phân phối lại”, vì thường chúng không được hiệu quả lắm, mà là các phương thức “phân phối trước”. Đấy là cách mà chính quyền đưa ra biện pháp chống lại bất bình đẳng trong thu nhập ngay từ đầu, giúp người dân có được sự hỗ trợ để họ có thể tự làm giàu và các biện pháp bảo đảm đối với những tình huống rủi ro không thể kiểm soát…

Hương Linh