Tọa đàm “Dân vận khéo trong công tác giảm nghèo”

Từ đồng thuận đến tạo niềm tin cho người nghèo

- Thứ Hai, 10/06/2019, 21:58 - Chia sẻ
Tôi đã khẳng định rất nhiều lần khi giám sát rằng, vai trò của NHCSXH và tín dụng vay vốn cho người nghèo là một điểm sáng của Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo. Điều đó hoàn toàn được khẳng định từ tấm lòng, từ thành quả lao động của người nghèo. Vốn cho người nghèo là bà đỡ quan trọng để chúng ta thực hiện Chương trình xóa đói giảm nghèo ở giai đoạn đầu, đến bây giờ gọi là Chương trình giảm nghèo bền vững. Chính NHCSXH là bà đỡ trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững.

Vốn dành cho người nghèo đi vào cuộc sống thông qua các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp. Và nguồn vốn này không chỉ thực hiện giải ngân để cho bà con vay vốn mà còn gắn bó chặt chẽ với người dân, đặc biệt là người nghèo. Do đó, cán bộ tín dụng của NHCSXH là người cán bộ dân vận khéo, chỉ khi cán bộ tín dụng hiểu biết được vấn đề, phong tục, tập quán, phương thức làm ăn, thậm chí hướng dẫn kỹ thuật cho người dân chứ không chỉ là giữ cho đồng vốn của mình toàn vẹn để thu hồi. Đó là một bước thực hiện mục tiêu dân vận khéo của Đảng và Nhà nước.

Cuối cùng, có thể khẳng định, cán bộ tín dụng của NHCSXH không chỉ có mặt ở các điểm của NHCSXH mà có mặt tận thôn, bản, làng, xóm và rất gắn bó với người dân. Điều này không đơn giản người nào cũng làm được: Đó chính là dân vận. Hướng dẫn, cầm tay chỉ việc làm sao để dân tin cán bộ. Điều này đòi hỏi các tổ chức chính trị xã hội, mặt trận, các đoàn thể chính trị phải vào cuộc với tâm lý coi người nghèo, giảm nghèo, vươn lên làm giàu là nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi người cán bộ. Có những địa phương người ta còn giao chỉ tiêu cho các cán bộ đảng viên giúp đỡ 1 hoặc 2 gia đình nghèo thoát nghèo bền vững.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi
Ảnh: Duy Thông

Tôi cho rằng có 3 giải pháp cơ bản là:

Thứ nhất, quan trọng nhất vẫn chính giải pháp truyền thống, đó là sự vào cuộc rất đồng bộ nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị và của cán bộ tín dụng NHCSXH. Đây chính là yếu tố tạo ra sự đồng thuận. Chính hệ thống cán bộ tín dụng coi việc cho vay, việc giải ngân là rất cần thiết nhưng sử dụng nguồn vốn đó như thế nào. Những người làm công tác dân vận, nói đúng ra là làm công tác nhiệm vụ chính trị xã hội để chăm lo cho bà con, cần có sự chia sẻ cách thức làm ăn, phổ biến kiến thức, cầm tay chỉ việc, đó chính mối quan hệ hai chiều để giải bài toán dân vận khéo.

Thứ hai, thông qua công tác tín dụng tạo ra sự hiểu biết sâu sắc, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng và đề xuất của người nghèo để chúng ta giúp đỡ họ thoát nghèo bền vững. Đó chính là giải pháp tạo sự chia sẻ, cũng chính là thực hiện dân vân khéo nếu chúng ta làm tốt.

Thứ ba, tạo được niềm tin của người nghèo trong hệ thống chính trị, đặc biệt là trong tổ tín dụng. Hiện nay, các đoàn thể đều có các tổ tín dụng, ban quản lý… thông qua những hình ảnh trực quan là nói đi đôi với làm. Tiếp đến là cùng chia vui với niềm vui của người nghèo và cùng chia sẻ khó khăn với người nghèo. Đó chính là sự kết hợp rất chặt chẽ giữa người nghèo với các tổ chức chính trị xã hội. Tôi cho rằng đó là những giải pháp hết sức căn cơ, để công cuộc xoá đói giảm nghèo phát triển bền vững.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi