TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu: Quan trọng nhất trong quá trình nghiên cứu khoa học là sự đam mê và kiên trì

- Thứ Hai, 18/05/2020, 10:54 - Chia sẻ
Công trình nghiên cứu “Quãng đường tự do trung bình của điện tử năng lượng thấp trong vật liệu” của TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu đã đạt Giải thưởng trẻ của Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020. Nhân dịp này, phóng viên Báo Đại Biểu Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu để tìm hiểu về công trình nghiên cứu này.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu được Bộ Khoa học Công nghệ bắt đầu trao vào năm 2014 nhưng phải ở đợt trao thưởng vào năm thứ hai, hạng mục giải trẻ dành cho nhà khoa học có tuổi đời dưới 35 mới được bổ sung. Từ đó đến nay, Hội đồng giải thưởng đã bình xét 12 hồ sơ, qua đó chọn được 4 nhà khoa học trẻ đáp ứng được các tiêu chí về ý nghĩa, giá trị khoa học của công trình đề cử và chất lượng của tạp chí xuất bản công trình. TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu với công trình “Low-energy electron inelastic mean free path in materials” trên Applied Physics Letters đã đạt giải năm 2020.

Đóng góp vào sự phát triển của khoa học công nghệ

- Công trình nghiên cứu “Quãng đường tự do trung bình không đàn hồi của điện tử năng lượng thấp trong vật liệu” của ông đã được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020, xin ông cho biết, vì sao ông lại lựa chọn đề tài khoa học này để nghiên cứu?

- Năm 2008, tôi gặp giáo sư hướng dẫn và đi theo hướng của thầy, nghiên cứu tán xạ điện tử trong vật rắn bằng mô phỏng Monte Carlo. Phương pháp này đòi hỏi cơ sở dữ liệu về “electron inelastic mean free path” (tiếng Việt là “quãng đường tự do trung bình (không đàn hồi) của điện tử). Đã có nhiều nghiên cứu thực nghiệm lẫn lý thuyết về đại lượng này, hầu hết là cho điện tử năng lượng cao. Sau khi về nước, tôi đi sâu nghiên cứu tán xạ không đàn hồi cho điện tử năng lượng thấp (dưới 100 eV) trong vật liệu. Theo tôi, quãng đường tự do trung bình không đàn hồi của điện tử là một đại lượng quan trọng trong các mô hình vận chuyển điện tử, cũng như trong các phương pháp phân tích bề mặt vật liệu bằng kỹ thuật phổ điện tử và chụp ảnh vật liệu ở cấp độ hiển vi điện tử. Tuy nhiên, đối với điện tử năng lượng thấp, rất khó xác định chính xác đại lượng này. Trong khi đó, đây là thông tin rất cần thiết cho kỹ thuật nhiễu xạ điện tử năng lượng thấp, cũng như cho các nghiên cứu liên quan đến vận chuyển điện tử năng lượng thấp trong nước lỏng và tế bào sinh học. Tôi nghiên cứu đề tài khoa học này với hy vọng làm sáng tỏ vấn đề.

- Đâu là động lực thôi thúc ông bắt tay vào thực hiện công trình nghiên cứu khoa học này ?

- Công trình khoa học này là dựa trên (và cũng là tiếp theo) các công trình trước đó của tôi về tán xạ điện tử, một chủ đề nghiên cứu mà tôi đã theo đuổi hơn 10 năm nay. Tôi cố gắng giải quyết những vấn đề còn khúc mắc trong chuyên ngành, qua đó đóng góp vào sự phát triển của chuyên ngành nói riêng và sự phát triển của khoa học công nghệ nói chung. Đó cũng là hành động thiết thực của người làm khoa học đối với xã hội.

Đam mê nghiên cứu

- Trong quá trình nghiên cứu khoa học, khó mà tránh được việc phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Vậy điều gì đã giúp ông vượt qua những thách thức đó để đạt được thành quả như ngày hôm nay?

- Nói "nôm na" là do yêu nghề. Từ nhỏ tôi đã được đọc nhiều sách khoa học liên quan đến Vật lý, vào đại học tôi quyết định theo ngành Vật lý, tốt nghiệp ra trường tôi làm việc trong lĩnh vực Vật lý. Có lẽ nhờ gắn bó với Vật lý suốt một thời gian dài như vậy đã giúp tôi có đủ nghị lực vượt qua những khó khăn thách thức trên con đường khoa học. Đạt được thành quả như ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của bản thân, cũng có một phần may mắn.

- Theo ông, đâu là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình nghiên cứu khoa học?

- Tôi cho rằng đó là sự đam mê và kiên trì. Bạn phải đam mê một thứ gì đó thì bạn mới theo đuổi nó, và bạn phải kiên trì theo đuổi nó thì bạn mới có cơ may thành công. Trên con đường nghiên cứu khoa học có rất nhiều khó khăn, bạn chắc chắn phải hi sinh nhiều thứ cả về vật chất lẫn tinh thần. Để những hi sinh đó không trở thành vô ích, bạn phải liên tục tiếp lửa đam mê, cũng như phải kiên tâm bền trí đi đến cùng.

- Là một nhà khoa học trẻ, đã có 16 bài báo khoa học đăng trên báo quốc tế trước đó và hiện nay là giải thưởng Tạ Quang Bửu. Với khả năng của mình, không khó để ông có thể lựa chọn công việc ở nước ngoài trong quá trình du học. Vậy nguyên nhân nào mà ông lại lựa chọn quay về nước để nghiên cứu khoa học ?

- Tôi về nước ban đầu là vì lý do gia đình. May mắn thay, tôi về nước đúng vào thời điểm khoa học Việt Nam đang có nhiều thay đổi tích cực, đặc biệt là sự hỗ trợ của NAFOSTED giúp những người trẻ mới về nước như tôi có thể tiếp tục hướng nghiên cứu của mình. Vì vậy tôi dần từ bỏ ý định đi nước ngoài làm việc, nhưng tôi vẫn cố gắng tìm kiếm và thúc đẩy hợp tác quốc tế thông qua các hoạt động như đi trao đổi nghiên cứu ngắn hạn ở nước bạn, hoặc tham dự hội nghị khoa học quốc tế. Những chuyến đi Nhật và Đài Loan của tôi năm 2019 là nằm trong định hướng này.

- Sau công trình khoa học “Quãng đường tự do trung bình không đàn hồi của điện tử năng lượng thấp trong vật liệu”, ông có dự định nghiên cứu về đề tài khoa học nào tiếp theo?

- Một trong những vấn đề tôi đang tìm hiểu là các quá trình Vật lý xảy ra khi bắn chùm điện tử lên vật liệu đơn lớp, đặc biệt là khía cạnh động lực học điện tử trong vật liệu hai chiều. Hiện tôi dành nhiều thời gian tìm hiểu loại vật liệu này, vì tìm năng ứng dụng phong phú của vật liệu hai chiều trong các lĩnh vực công nghệ.

Xin cảm ơn ông!

Xuân Tùng