Văn phòng nghị viện

Truyền thông nghị viện - nhiệm vụ của Văn phòng

- Thứ Sáu, 27/04/2012, 07:36 - Chia sẻ
Giữ mối quan hệ với công chúng, truyền thông công chúng, cung cấp thông tin công chúng, trong đó có báo chí là chức năng không thể thiếu đối với bộ máy giúp việc của nghị viện hầu hết các nước trên thế giới.

Để công chúng có sự hiểu biết đúng đắn về nghị viện và công việc của nghị sỹ, nghị viện nhiều nước xây dựng chiến lược truyền thông, dành ngân sách riêng, nhân lực riêng để cải thiện hình ảnh của mình trong mắt công chúng. Hoạt động truyền thông của nghị viện nhiều nước tập trung vào ba vấn đề chính: thứ nhất, nâng cao nhận thức, hiểu biết của công chúng về các hoạt động của nghị viện, những gì nghị viện có thể làm cho công chúng và điều gì không thể làm; thứ hai, làm cho công chúng biết những kênh có thể tham gia vào đời sống nghị trường; thứ ba, khơi gợi sự quan tâm để thu hút sự tham gia của công chúng vào đời sống nghị trường.

Trước hết, cơ quan lập pháp cần phải có bộ phận giữ quan hệ với báo chí thuộc Văn phòng Tổng thư ký nghị viện và có ngân sách hoạt động từ ngân sách của Văn phòng nghị viện. Hầu hết nghị viện các nước đều có bộ phận quan hệ công chúng hoặc quan hệ báo chí, hoặc người phát ngôn báo chí chịu trách nhiệm trực tiếp trước Tổng thư ký như ở Estonia, Đức, Ai Len, Israel, Italy, Namibia, Hà Lan, Nga, Slovenia, Thụy Sỹ, Anh. Một số cơ quan lập pháp còn thuê chuyên gia để quảng bá các hoạt động của mình. Chẳng hạn như ở Hạ viện Úc, các ủy ban thuê một chuyên gia để xây dựng chiến lược truyền thông và báo chí đối với các cuộc điều trần của ủy ban, từ đó mở rộng diện lan tỏa của hoạt động ủy ban.

Nghị viện các nước đều có kho lưu trữ trung tâm, nơi lưu giữ các tài liệu, các biên bản ghi âm các phiên họp hàng ngày và biểu quyết của nghị sỹ, cũng là nơi sẵn sàng cho các nghị sỹ, bộ máy giúp việc và các công dân được tiếp cận dễ dàng. Kho lưu trữ thông tin này thuộc quyền quản lý của Văn phòng nghị viện phi đảng phái, trung lập. Điều này xuất phát từ quyền tự do tiếp cận thông tin, đảm bảo sự tham gia đầy đủ của công chúng vào công việc của nghị viện, tạo điều kiện giám sát hoạt động của nghị viện và các nghị sỹ.

Như Liên minh các nước Phi châu tuyên bố, “mỗi quốc gia cần có những biện pháp lập pháp và các biện pháp khác nhằm đưa lại hiệu lực thực tế cho quyền tiếp cận bất kỳ thông tin nào cần thiết để chống tham nhũng và các loại vi phạm khác”. Tổ chức các nước châu Mỹ khuyến khích các nước thành viên “áp dụng các biện pháp cần thiết để đưa thông tin công thành dạng điện tử”. Còn Hiệp hội nghị viện các nước khối Thịnh vượng chung khuyến nghị, biên bản các phiên họp, biểu quyết, kê khai tài sản và các mối quan hệ của nghị sỹ và những tài liệu khác phải được dễ dàng tiếp cận.

Gần đây, các kênh cung cấp thông tin của nghị viện cho công chúng có tính lan tỏa rộng, hiệu quả nhất là internet, truyền hình, truyền thanh. Chẳng hạn, ở Latvia, cơ sở dữ liệu trực tuyến đăng tải toàn văn các dự luật, còn các phiên họp của nghị viện Bồ Đào Nha được truyền hình trực tiếp và trên mạng. Ở Peru, trang web của nghị viện đăng tải biên bản họp hàng ngày, tóm tắt nội dung và toàn văn các dự luật trình ra nghị viện. Ở Botswana, đài phát thanh tường thuật các phiên họp ở nghị viện, các cuộc họp báo, thường xuyên phỏng vấn các nghị sỹ, bộ trưởng với các câu hỏi trực tiếp từ bạn nghe đài. Quốc hội Hàn Quốc thì có kênh truyền hình riêng tường thuật các phiên họp ở Quốc hội nước này.

Nguyên Lâm