Truyền thông - Sứ giả làm thay đổi nhận thức xã hội về tầm quan trọng của KH-CN

- Thứ Bảy, 09/04/2011, 11:37 - Chia sẻ
Khoa học và công nghệ (KH-CN) luôn được coi là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của mọi quốc gia. Bên cạnh việc tháo gỡ “nút nghẽn”, “cởi trói” cho các hoạt động khoa học của những nhà quản lý thì không thể không nói đến vai trò của những “sứ giả” truyền thông trong việc thay đổi nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của KH-CN.

Truyền thông khoa học cần bằng chứng

Câu hỏi cơ bản nhất trong truyền thông là làm sao phát hiện, xử lý và chuyển tải một bản tin có liên quan đến công chúng hay phản ảnh được sự quan tâm chính đáng của công chúng. Đó là ý kiến của GS Nguyễn Văn Tuấn, Trường Đại học New South Wales, Australia tại buổi tập huấn nghiệp vụ truyền thông về KH- CN của Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông KH-CN, Bộ Khoa học-Công nghệ vừa diễn ra mới đây.

Thông qua quy ước Ingelfinger, GS nhấn mạnh vai trò quan trọng của khoa học và truyền thông. Đây là quy ước do bác sỹ Franz J. Ingelfinger – Tổng biên tập tập san New England Journal of Medicine (NEJM) đề ra năm 1969 khi ông nhậm chức. Theo quy ước này, NEJM sẽ không công bố bất cứ bài báo nào nếu kết quả bài báo đó đã được các cơ sở truyền thông đại chúng đưa tin. Đây là cách để Tổng biên tập NEJM luôn giữ cho tập san của ông những thông tin “độc” và ngăn chặn tình trạng “cầm đèn chạy trước ô tô”. Ngày nay, ở các nước trên thế giới, các tập san khoa học đều coi đây là một biện pháp để đảm bảo chất lượng thông tin đến công chúng.

Thực tế ở Việt Nam, trên các báo đã xuất hiện nhiều thông tin mà kết quả nghiên cứu trước đó chưa từng được công bố hay qua bình duyệt của chuyên gia. Điều này đã dẫn đến những “sự cố” truyền thông khoa học đáng tiếc. Chẳng hạn sự cố thông tin ăn bưởi gây ung thư, đã gây hoang mang dư luận vào năm 2007. Nguyên nhân là một số báo phương Tây đưa tin bưởi có liên quan đến ung thư vú, và bản tin gây chấn động thế giới này được báo chí Việt Nam dịch lại với những tiêu đề khá giật gân, như “phụ nữ sẽ bị ung thư vú vì ăn bưởi?” hay “phụ nữ ăn bưởi có nguy cơ bị ung thư”… Chỉ vài ngày sau khi bản tin được truyền đi, giá bưởi giảm từ 8.000-10.000đồng/kg xuống còn 1.000đồng/kg, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân cũng như các doanh nghiệp. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu lại ngược lại, sự thực là bưởi không gây ung thư vú, sau đó các báo đưa tin sai đã bị xử phạt hành chính. Hay câu chuyện tiêm vắcxin ngừa viêm gan B bị tử vong, ăn mắm tôm bị tiêu chảy… cũng tương tự như vậy.

Cần khẳng định bất kỳ thông tin nào cũng cần có những bằng chứng cụ thể khi được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, bằng chứng ở đây phải là những kết quả được đúc kết từ những công trình nghiên cứu khoa học có chất lượng, chứ không phải từ ý kiến chuyên gia, càng không phải là những giả thuyết. Và đương nhiên GS. Tuấn cũng đưa ra lời khuyên đối với các phóng viên khoa học khi tác nghiệp nên theo nguyên lý của truyền thông thực chứng với những tiêu chuẩn như: Chất lượng thông tin và bằng chứng; Ý tưởng mới; Tránh xu hướng giật gân và gây sợ hãi; Không nên phụ thuộc vào thông cáo báo chí của giới khoa học…

Cái khó của người làm truyền thông khoa học

Việc phổ biến, truyền thông KH-CN ra cộng đồng tuy chỉ là một trong các nội dung của hoạt động thông tin KH-CN nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt liên quan đến việc phát triển thị trường thông tin, thậm chí góp phần thúc đẩy thị trường công nghệ.

Cũng theo GS. Tuấn, vấn đề chính hiện nay trong truyền thông khoa học là đưa tin có chất lượng và chính xác. Vì vậy, phóng viên cần phải có kiến thức chuyên sâu về vấn đề khoa học, biết thẩm định thông tin và có đạo đức trong việc chuyển tải thông tin đến công chúng.

Tuy nhiên, một thực tế cần nhìn nhận đó là hoạt động truyền thông KH-CN hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Thông tin KH-CN không dồi dào cộng với tính phức tạp của nó khiến tính hấp dẫn kém hơn so với những thông tin khác trong đời sống xã hội.

Những vấn đề bất cập mà người làm truyền thông thường gặp phải là sự quá phức tạp và phong phú của các kết quả nghiên cứu, trong khi đó các phóng viên phần lớn tốt nghiệp tại các trường khoa học xã hội, nhân văn… Vì vậy, họ có những hạn chế nhất định về khả năng cảm nhận, khả năng thẩm định những vấn đề khoa học, dẫn đến có những hạn chế trong công tác viết bài, biên tập khoa học. Bên cạnh đó, việc thu thập, cập nhật, tổng hợp, lưu giữ phổ biến và khai thác sử dụng thông tin KH-CN cũng đang gặp phải những khó khăn. Khó khăn về việc định hướng truyền thông khoa học ở mỗi ngành, mỗi lĩnh vực cũng như gặp khó khăn trong việc lấy thông tin, tiếp cận nguồn tin và xử lý các thông tin có tính chất chuyên sâu. Những khó khăn này vô hình trung đã làm giảm đi số lượng và chất lượng bài viết về KH-CN của các phóng viên viết khoa học hiện nay.

Thêm vào đó, tâm lý không thích phô trương của đội ngũ các nhà khoa học cũng gây không ít khó khăn cho các phóng viên trong việc tiếp cận, lấy thông tin. Phần lớn các nhà khoa học không thích giới thiệu, thậm chí không muốn viết về những kết quả mình làm, họ vẫn chưa thực sự coi trọng công tác truyền thông KH-CN.

Công bằng mà nói, tâm lý e ngại phóng viên tồn tại trong tư duy của một số nhà khoa học là có cơ sở, họ ngại phóng viên trích dẫn sai ý kiến hoặc diễn đạt theo xu hướng giật gân hóa câu chuyện có thể làm ảnh hưởng đến uy tín xã hội của họ. Như vậy, để làm tốt công việc của mình, phóng viên viết khoa học cần nắm vững quy trình nghiên cứu khoa học, hay ít ra cũng hiểu được các hoạt động khoa học, đồng thời tích lũy kiến thức chuyên môn cơ bản về lĩnh vực này để chuyển hóa các thông tin KH-CN vốn đã ít, khó viết, khó hiểu, thiếu tính hấp dẫn đến với công chúng một cách chính xác và có chất lượng nhất.

Diệu Huyền