Những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng

Trừu tượng tối giản

- Thứ Hai, 14/09/2015, 08:28 - Chia sẻ
Ad Reinhardt là một trong những họa sĩ khơi mào cho phong trào hội họa tối giản (Minimalism) bắt đầu từ cuối những năm 50 của thế kỷ XX mà xuất phát điểm là những tác phẩm biểu hiện trừu tượng thập niên 1940. Trừu tượng số 5 (Abstract Painting No 5) vẽ năm 1962 được xem là tác phẩm sung mãn nhất cho triết lý khác nghệ thuật của họa phái này.

Dường như tác phẩm chỉ có một màu xanh đen. Phải nhìn thật kỹ mới thấy được dưới lớp xanh đen đồng đều đó dấu chữ thập kẻ ô vuông lớn. Rồi tĩnh tại chút nữa, mới có thể nhìn thấy trong khung hình lớn đó hàng ngàn ô vuông nhỏ hơn. Chúng khiến cho người xem như dần đi vào vùng tối để phát hiện ra những đốm sáng vuông trên một nền gần như là thuần nhất.


Trừu tượng số 5, sơn dầu của Ad Reinhardt, kích thước 152 x 152cm, hiện thuộc bộ sưu tập của Tate

Hội họa tối giản có lẽ được xem là một trong những trường phái khó hiểu nhất của nghệ thuật tạo hình thế kỷ XX. Dường như các tác phẩm khiến người ta khó có thể đoán định điều gì. Tuy nhiên, những tác phẩm đó lại cuốn sự khám phá thị giác ở mỗi người xem.

Bắt đầu từ những năm 1950, Ad Reinhardt vốn là họa sĩ theo trường phái biểu hiện trừu tượng từ trước Chiến tranh Thế giới II, quan tâm hơn đến tính giản lược trong thể hiện màu sắc. Ông cũng chú trọng đến tính chất cân đối, thăng bằng từ những lý thuyết về nghệ thuật như bậc thầy Mondrian. Nhưng khác hoàn toàn với Hartung hay Pierre Soulages, tìm sự cân bằng trong thể hiện các bút pháp tung tẩy, hay tạo ra tính ngẫu nhiên trong sáng tác, Ad Reinhardt muốn tìm kiếm sự tính toán cụ thể đối với các tác phẩm. Ông cho rằng, nghệ thuật tối giản chính là “cứu cánh” tối hậu của trừu tượng. Nó giống như sự tinh giản nghệ thuật đến tận cùng, gợi lên cảm giác tinh khiết đến cực độ.

Về thực chất, tác phẩm Trừu tượng số 5 không chỉ có màu xanh - đen như thị giác ta nắm bắt một cách tổng quát. Nó được tạo hình vi tế hơn nhiều với những dải ngang màu xanh lá cây ở trung tâm. Thậm chí, nhìn từ phía bên trái, các hình vuông là đỏ, xanh, đỏ, xanh, đỏ được lặp lại liên tục… tất cả được pha trộn với đen theo tỷ lệ khá đồng nhất để tạo nên cảm giác sâu lắng mà gợi mở. Với kỹ thuật tinh xảo này, tác phẩm Trừu tượng số 5 của Ad Reinhardt đã được không ít nhà phê bình hội họa phương Tây liên tưởng tới hòa tấu khúc số 5 của Beethoven. Ad Reinhardt loại dần các sắc tương phản để hòa cùng một sắc, tạo nên độ trong vắt của nền thẫm, cũng như những âm thanh trầm mà trong vắt của piano. Với ông, Trừu tượng số 5 là sự kéo gần con người đến trạng thái tinh thần thẳm sâu nhất.

Không đơn thuần là sự thay đổi sắc thái, nhà sử gia nghệ thuật Yve-Alain Bois còn tìm thấy trong tác phẩm này của Reinhardt mối liên quan đến thần học. Hình chữ thập thể hiện ẩn sâu dưới nền tranh còn được xem là một ký hiệu Kito giáo. Nó tạo nên giá trị về sự định tâm trong thực hành nghệ thuật trừu tượng. Với Ad Reinhardt, yếu tố này cũng là một nhân tố để các tác phẩm của ông có được sự thu hút thần bí và đồng cảm với phần đông người thưởng ngoạn không chỉ ở châu Âu. Tính chất “tĩnh tại”, “thiền định” để hiểu được bản chất con người, bản chất của nghệ thuật dường như đã khiến cho nghệ thuật tối thiểu của Ad Reinhardt tìm được tiếng nói chung trong cách cảm nhận nghệ thuật dưới góc độ tâm linh học.

Trừu tượng số 5 của Ad Reinhardt có thể xem là tác phẩm nằm ở giữa lằn ranh của trừu tượng thuần túy, trừu tượng hình học và tính tâm linh để đạt đến đỉnh cao các triết lí thuần khiết của nghệ thuật tối giản.

Trang Thanh Hiền