Liên minh châu Âu đàm phán kết nạp thành viên mới

Trừ một, cộng hai

- Thứ Năm, 26/03/2020, 07:12 - Chia sẻ
Cuối tuần này, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ chính thức thông qua các cuộc đàm phán kết nạp hai thành viên mới là Albania và Bắc Macedonia. Trước đó, hồi đầu tuần, đại sứ 27 quốc gia thuộc khối liên minh lá cờ xanh đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán trên sau nhiều tháng trì hoãn, vốn từng đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến cam kết của EU với các nước vùng Tây Balkan.

Bật đèn xanh

Châu Âu đang phải đối mặt với vô số thách thức, từ các lệnh phong tỏa do dịch Covid-19 lan rộng, đến suy thoái kinh tế, chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy hay Brexit. Tuy nhiên, lục địa già vẫn quyết tâm cùng nhau duy trì mái nhà cho 27 thành viên chia sẻ các giá trị chung. Và trong cơn bĩ cực với vô vàn khó khăn bủa vây, thay vì thu mình, EU vẫn quyết tâm mở rộng, tương lai có thể đón thêm hai thành viên mới, sau khi nước Anh - từng là thành viên cốt lõi - dứt áo ra đi. Như vậy sắp tới hai thành viên Tây Balkan sẽ có khả năng gia nhập cộng đồng với gần 450 triệu người của khối.


Nguồn: AFP

Sự tự tin như vậy về sức mạnh và khả năng thu hút của EU được nhìn nhận là phù hợp với tuyên bố mà bà Ursula von der Leyen, nữ Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) đầu tiên đưa ra năm ngoái. Lúc đó, bà đã mạnh mẽ phát biểu rằng, lục địa già phải nâng cao vai trò của mình trên thế giới. Vai trò đó bao gồm việc bảo đảm khu vực còn nhiều vấn đề nhất châu Âu là Balkan cuối cùng cũng được hòa nhập vào EU.

Thực tế, hai trong số các quốc gia khu vực này là Croatia và Slovenia đã chính thức thuộc về EU. Montenegro và Serbia đang đàm phán, còn Kosovo và Bosnia-Herzegovina là những ứng cử viên cho các cuộc đàm phán chính thức. Hiện tại những tiến bộ về dân chủ và pháp luật ở Bosnia-Herzegovina vẫn bị coi là chậm chạp trong khi chủ nghĩa dân tộc rất mạnh. Kosovo thì chưa được công nhận hoàn toàn là một quốc gia có chủ quyền.

Nhưng Bắc Macedonia và Albania (vốn không thuộc Nam Tư) hiện đã thực hiện đủ các cải cách để có thể mở cánh cửa tư cách thành viên EU. Tuy vậy, không có gì bảo đảm cuối cùng họ sẽ gia nhập khối. Cả hai phải cho thấy sự tiến bộ trong việc giải quyết tham nhũng và các vấn đề khác. Đặc biệt, Albania đang trong thế bế tắc chính trị giữa hai đảng lớn trong nước. Bên cạnh đó, EU muốn Albania phải tiến hành các cải cách vấn đề bầu cử, hoạt động tài trợ cho các chính đảng, cũng như sự vận hành của các tòa án cấp cao. Theo dự thảo thỏa thuận, các cải cách như vậy phải được thực hiện trước hội nghị liên chính phủ thông báo chính thức khởi động tiến trình kết nạp.

Tuy nhiên, bằng cách mở các cuộc đàm phán với hai nước Balkan, EU hy vọng sẽ đẩy mạnh hơn nữa cải cách của mình, cũng như tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga và Trung Quốc trong khu vực. Trên hết, liên minh lá cờ xanh muốn chỉ ra rằng, mục tiêu cơ bản tạo ra ngôi nhà chung cho châu Âu vẫn còn tồn tại và có giá trị. Lời mời làm “người trong nhà” đối với hai thành viên tiềm năng là một cách để mở rộng ý thức thuộc về châu lục của EU.

Con đường gập ghềnh

Con đường tiến vào EU của Bắc Macedonia và Albania dường như không hề bằng phẳng, cho dù cả hai được coi là ứng cử viên EU từ năm 2005. Tiến trình gia nhập của họ đã bị đình trệ bởi sự phản đối của một số thành viên trong khối. Tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng với lãnh đạo của Đan Mạch và Hà Lan đã phủ quyết các cuộc đàm phán kết nạp của cả hai, đồng thời đề nghị siết chặt các quy định gia nhập liên minh. Động thái của ông Macron được đưa ra bất chấp nhiều cảnh báo rằng, nó có thể làm xói mòn ổn định ở khu vực Balkan vốn chưa thực sự bình yên. Thậm chí, quyết định của ông chủ Điện Elysee còn bị cả Chủ tịch EC và Chủ tịch Hội đồng châu Âu lúc bấy giờ là ông Jean-Claude Juncker và ông Donald Tusk gọi là “sai lầm lịch sử” và rất “đáng tiếc”.

Rất nhiều người còn tỏ ra lo ngại, việc trì hoãn có thể khiến các nước khu vực Tây Balkan ngả vào vòng ảnh hưởng lớn hơn của Nga hoặc Trung Quốc. Xa hơn, một số quốc gia còn đối mặt nguy cơ bất ổn nội bộ về chính trị nếu các nhà lãnh đạo thân EU không thể biến lời hứa về mối quan hệ chặt chẽ hơn thành hiện thực, bất chấp việc họ đã thực hiện cải cách theo yêu cầu của Brussels. Đơn cử như trường hợp của Macedonia cũ đã phải đổi tên thành Bắc Macedonia để tránh sự phản đối của Hy Lạp trong quá trình tiến vào EU.

Tuy nhiên, ông Macron đã thay đổi quan điểm hồi tháng trước khi đánh giá, các thay đổi đối với tiến trình gia nhập EU mà EC đưa ra là đầy đủ. Trong khi đó, Croatia, vốn đang giữ vị trí Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu, từng phát tín hiệu sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán gia nhập khối lên hàng đầu chương trình nghị sự khi bắt đầu nhiệm kỳ từ đầu năm nay. Vì vậy, sự nhất trí của EU khởi động các cuộc đàm phán gia nhập khối với Albania và Bắc Macedonia vừa qua cũng như dự kiến thông qua chúng vào cuối tuần này đã giúp chấm dứt giai đoạn chờ đợi kéo dài của cả hai nước. Nó đồng thời cũng truyền đi thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ đối với Tây Balkhan rằng: “Tương lai của các bạn là ở EU”.

Như vậy, Bắc Macedonia, Albania cùng với Montenegro, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ là các ứng cử viên chính thức đang tham gia đàm phán. Được biết, các nước này sẽ phải đàm phán 35 chương hay các lĩnh vực chính sách để gia nhập EU, gồm tài chính, nông nghiệp, giao thông, năng lượng, xã hội và tư pháp.

Linh Anh