Trông về mái phố

- Chủ Nhật, 22/01/2017, 19:48 - Chia sẻ
Hà Nội phố cũ rong rêu, Hà Nội nhà cửa đời mới. Hà Nội sương mù giăng mắc, Hà Nội ngai ngái hương cuối mùa, Hà Nội gió mùa và hanh khô. Hà Nội được đón tiếp quá nhiệt tình khi là khách và Hà Nội cau có, gắt gỏng, Hà Nội nói khéo và Hà Nội của “phở mắng, bún chửi”. Hà Nội với không khí nhiều mùi vị, đậm đà mặn ngọt chua cay. Hà Nội với niềm tin và hy vọng, và còn gì thêm nữa để đủ là một Hà Nội đúng nhất, bên cạnh rong rêu?

Về Hà Nội dạo hồ

Hai đêm một ngày, ấy là khoảng thời gian trong một lần về Hà Nội, là dài hay ngắn nhỉ? Thật ngắn để tiếc, và dài để tiếng í éo công việc gọi về.

Cô gái hỏi thay cho lời chào: “Anh mới về?”. Ngoài Bắc hay có lối chào không phải bằng lời chào. Ví dụ ngày trước ở quê, gặp nhau chào: “Anh đâu?” (ý muốn hỏi anh đi đâu), hoặc: “Anh cơm chưa?”, hỏi mà không cần trả lời, hỏi rồi đi.

Quay lại lời chào “anh mới về”. Mọi khi ở Sài Gòn ra, người ta hỏi: “Ra bao giờ thế?”, lần này: “Anh mới về”. Hơi ngạc nhiên, tưởng em hiểu lầm là Việt kiều “ở bển”. Nhưng không, em gái bảo, tụi em coi những người Hà Nội sống ở đâu, khi về Hà Nội là “về”. Ừ mà phải, như về nhà ấy! Có ý Hà Nội là cái nôi, cái gốc, nói kiểu cách là nơi “máu chảy về tim”. Chả biết điều đó đúng với bao nhiêu phần trăm người Hà Nội phiêu dạt?

Có em gái Hà Nội vặn: Sao các anh cứ kéo nhau vào Nam, hùng hục sưởi nắng, kiếm tiền, sinh con…, rồi cuối đời nhớ nhớ thương thương mùa đông Hà Nội? Ừ nhỉ, như hôm nào nghe mà không thích cái câu: “Mỗi khi lòng xác xơ, vội vã trở về, lấy cho mình dù chỉ là một chút…” trong một ca khúc về Hà Nội, nghe “ngọt ngào” thật, nhưng tại sao cứ phải “xác xơ” mới trở về?

 “Cái dáng ngồi cà phê của nhiều người Hà Nội cũng đặc biệt. Co ro, lưng còng còng, hai tay hay đặt vào giữa cặp đùi, rung bần bật. Là do trời rét, mãi thành quen nên khi ấm trời cũng thế. Hà Nội hay gặp người gù, còn tre trẻ mà lưng đã gù, hay là vì họ ngồi nhiều, hay đăm chiêu nghĩ ngợi trong cái dáng vẻ co cụm cho nó tập trung, cho nó tĩnh? Có thể là sâu thăm thẳm, nhưng cũng có thể là trì trệ…”

Người ta có thể phải xa Hà Nội vì nhiều lý do, nhưng thường có chung một cảm giác “sướng” mỗi lần trở về, chả cứ khi lòng tràn ngập niềm vui, tưng bừng hay “xơ xác”. Có người ra đi vì công việc, có người vì phải “trốn rét” mà đi. Mùa đông luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Thế nhưng vẫn cứ “nỗi nhớ mùa đông”, “về lại mùa đông”, ngay cả khi mùa đông chưa trở lại, nhưng cũng không cảm thấy gì là lỡ dịp. 

Một sớm đi bộ ra hồ Gươm, qua chợ Gia Ngư, trời tối om, mờ mờ những bóng người đi chợ. Mấy cái mẹt vỉa hè bán những con nhộng còn chưa ra khỏi kén. Lành lạnh lại thấy nhớ vợ chồng con bé người Bắc đẩy xe ba gác bán rau nơi góc đường Phùng Khắc Khoan ở Sài Gòn. Nó có nhớ mùa đông không nhỉ? Nó vào Sài Gòn không phải để sưởi nắng, nó vào để lầm lũi đẩy xe rau đi bán từ lúc 5 giờ. Nó không nhớ mùa đông, nó nhớ đứa con ba tuổi gửi ông bà ở cái làng quê nào xa tít tắp ngoài Thanh Hóa. Nó chả bâng khuâng với cái se se lạnh, nó thích thú hớn hở cười với xấp tiền trên tay vào cái lúc nắng lên, là cái lúc xe rau bán hết.

Một tối ngồi nhìn mẹ ngoài chín mươi ngơ ngẩn cười như trẻ con. Cô nữ sinh Đồng Khánh có lúc ngồi bán lụa Hà Đông năm nào ở phố Sinh Từ, rồi bỏ lại tất cùng chồng lên Việt Bắc, bỏ lại sau lưng một quãng đời tiểu thư Hà thành với “cả kinh thành ngun ngút cháy sau lưng”. 1954 về Hà Nội đã thành một người đàn bà khác, “người đàn bà kháng chiến”. Chả được mấy năm hòa bình đã phải đội cái mũ sắt lên đầu đến từng khu lao động để thăm sản phụ mới sinh và thay băng rốn cho những đứa trẻ mới chào đời dưới làn bom đạn. Giờ bà ngồi đấy, bên cái lò sưởi tróc vôi, nơi chồng bà năm nào lụi hụi đun nồi nước tắm. Bây giờ ông vẫn ở đấy, trong cái khung kính đặt trên mặt lò sưởi, cười cười như hôm nào. Nhiều năm rồi, cái lò sưởi chả bao giờ đốt lửa. Thèm đi chơi lắm, mai con cho mẹ đi vòng Bờ Hồ, rồi ăn kem!

Ăn nóng, uống thơm

Trời chưa lạnh nhưng vẫn đủ độ để làm sướng bàn tay khi bê lên bát phở nghi ngút khói ở vỉa hè Yên Phụ. Phở Cồ là một “thương hiệu” ở đất Hà thành, cửa hàng rải rác các nơi nhưng cùng một đặc điểm như các hàng phở, nói chung là xập xệ. Có cửa hàng dù có chỗ trong nhà nhưng sướng hơn vẫn là ngồi ghế bàn lùn ngoài vỉa hè, bê bát phở lên nức mùi đặc trưng của phở, cái mùi vô cùng “sóng dậy” có từ trước ngày cách mạng vùng lên. Trước cái vị còn lại vô cùng hiếm hoi ấy của một vài hàng phở bây giờ, cái hương vị không thể cắt nghĩa mà chỉ bằng cảm nhận của những người đã từng gắn bó với Hà Nội ở một thuở cách mấy chục năm ấy, nó khiến ta không muốn vắt ngay vào đấy lát chanh dù rất tươi, hay vài thìa dấm tỏi. Cách ứng xử khôn ngoan và lịch lãm nhất là hãy thưởng thức nó trong cái hương vị nguyên bản, tương chanh hay dấm tỏi vào là hỏng, là làm sai đi cái “linh hương đệ nhất vị” của nó. Vài lát ớt tươi là đủ, dù có thói quen đến mấy cũng cố đừng phụ nó bằng cách thêm thắt gì vào, cùng lắm đến gần cuối bát, nếu lòng day dứt muốn thử cái vị có đủ chanh ớt thế nào thì để lúc đó hẵng hay.

Xong rồi thì cà phê.

Có người nhắc Highland bên hông Nhà hát Lớn. Một sự sang trọng đóng hộp, khoảng nhìn bị giam bởi mấy bức tường, là chỗ giới thời trang chọn làm bối cảnh thì tốt, hoặc bàn chuyện ký hợp đồng. Ra hẳn ở ngoài vỉa hè sướng hơn.


Ảnh : Vũ Thái Linh
Nghĩ về cà phê “khu 36…” khí hơi xa, chậc lưỡi phát tìm đại quán nào gần đấy. Đôi khi rất vô tình bên kia đường có cái biển hiệu nguệch ngoạc với cái tên “Café Mùi” chẳng hạn, nghe gợi cảm, lại cạnh hàng chè chén vỉa hè, đúng ý quá. Mà tình cờ lại ngon. Hỏi ngon thế nào thì chịu, chỉ biết là ngon mũi, ngon mồm, thế thôi. Đậm và thơm là một chuyện, nhưng hớp ngụm cà phê nóng trong cái tiết giời lành lạnh nó khác lắm về cảm giác khi uống ngụm cà phê đá trong nắng Sài Gòn. Chõ sang bên kia lại có “cây bàng mồ côi mùa đông” nghiêng vào một căn nhà lụp xụp. Thì cũng sự thường. Cảnh này Hà Nội chỗ nào chả có, đầy!

Ngồi thì chỗ giản dị thôi nhưng “quy trình” cũng cầu kỳ lắm. Xỉa răng tanh tách xong nên súc miệng bằng miếng trà nóng rồi hẵng cà phê, ấy là ông bạn già bảo thế. Cho nó có sự chuyển tiếp, trà nó tẩy đi cái vị mắm muối mùi vị của ẩm thực ta, rồi sang cà phê nó mới tinh khiết mồm để mà thưởng thức cái vị thuộc dòng ẩm thực Tây rồi.

Mà cũng chả thoát được khu phố cổ. Bát Sứ có mấy quán thú vị, cũng kiểu Hà Nội thôi, nhà phố nghiêm cẩn cứng đờ dưới chân nhưng liêu xiêu trên nóc, như một anh chàng ăn mặc chỉn chu, đứng trang nghiêm nhưng cái mũ trên đầu lệch sang một bên. Lại cũng cây bàng lá đỏ, mái hiên vải bạt che thâm thấp ghi tên bảng hiệu, thỉnh thoảng vài em gánh rau quả đi qua như một thứ gia vị trang trí cho nhiếp ảnh gia chụp về phố cũ. Quán xá lao xao, cao bồi già kính râm mũ chào mào, quần áo lính tẩy, chân mang giày xăng đá nhưng nhìn kỹ mặt cũng chả bặm trợn gì. Trai trẻ, gái tân thời sáng láng “smart phone” đan cài một hai khuôn mặt bụ bẫm hình thể “phong nhũ phì đồn” của giới nhà cửa đất đai, nhìn thinh thích. Một cặp vợ chồng nhìn biết là giàu nhưng chỉ ăn sáng bằng gói xôi lúa. Chợt nghĩ, những món xôi truyền thống như xôi lạc, xôi xéo, xôi ngô, giờ người già và người lao động ít tiền hay ăn. Quay sang hỏi ông bạn con ông có bao giờ ăn xôi lúa, bảo không (dù nhà nó chả giàu). Hình như thế. Già ăn theo ẩm vị cũ, ít tiền ăn vì nó rẻ, mười nghìn một gói to no căng bụng. Mà ngon.

Co ro ngắm phố

Hà Nội có nhiều phố có hai dãy đều hàng cà phê, thường thì chỉ một bên nhìn thú vị, một bên không. Bên có chủ ý đầu tư ban đầu, bên a dua theo. Sẽ chọn bên nào? Đương nhiên là bên có hàng quán hấp dẫn, đông vui hơn. Nhưng thực ra nên ngược lại, ngồi trong cái sự hấp dẫn thì chả nhìn hết được nó, hãy nhìn nó từ bên ngoài mới thấy hết hình thù của nó. 

Cái dáng ngồi cà phê của nhiều người Hà Nội cũng đặc biệt. Co ro, lưng còng còng, hai tay hay đặt vào giữa cặp đùi, rung bần bật. Là do trời rét, mãi thành quen nên khi ấm trời cũng thế. Hà Nội hay gặp người gù, còn tre trẻ mà lưng đã gù, hay là vì họ ngồi nhiều, hay đăm chiêu nghĩ ngợi trong cái dáng vẻ co cụm cho nó tập trung, cho nó tĩnh? Có thể là sâu thăm thẳm, nhưng cũng có thể là trì trệ. Sài Gòn thì động hơn, đương nhiên, là vì nóng, nóng trời, nóng các công cuộc làm ăn, tĩnh sao được!


Ảnh : Vũ Thái Linh

Trên đời có cái sướng vô tình rất vớ vẩn, là kiếm được một thứ mình cần ở nơi không ngờ nhất. Đang tìm một thứ sản sinh từ Paris, đã lùng sục một ngày ở chợ trời Paris mà không mua đủ, là quả đấm sứ. Phùng Hưng - con phố ven đường tàu dẫn lên cầu Long Biên - với đủ thứ tạp pí lù, từ nhà tang lễ cho tới quán lẩu các loại, từ hàng cà phê cho đến các hiệu chữa mô tơ điện, hàn xì. Mang cái quả đấm cửa cũ đến hàn lại thì ông thợ khoe cũng có một quả như thế, cái bàn tay khéo léo và tinh thần chịu khó tỉ mẩn rất “phường nghề” của thợ thủ công cùng cái óc ranh mãnh thị dân “phường buôn bán” trong một con người, ra rất đúng chất Tràng An. Ông hàn một cách khéo léo cái miếng đứt gãy nhỏ xíu, và cũng ra giá một cách rất khéo léo cái quả đấm sứ cũ vì biết tỏng cái sự cần và hiếm, mua ở Paris có 1-2 euro nhưng ở Phùng Hưng là 300 nghìn đồng sau một vài cái nhăn trán suy nghĩ của cả người ra giá và kẻ mua.

Ờ, Hà Nội phố cũ rong rêu, Hà Nội nhà cửa đời mới. Hà Nội sương mù giăng mắc, Hà Nội ngai ngái hương cuối mùa, Hà Nội gió mùa và hanh khô. Hà Nội được đón tiếp quá nhiệt tình khi là khách và Hà Nội cau có, gắt gỏng, Hà Nội nói khéo và Hà Nội của “phở mắng, bún chửi”. Hà Nội với không khí nhiều mùi vị, đậm đà mặn ngọt chua cay. Hà Nội với niềm tin và hy vọng, và còn gì thêm nữa để đủ là một Hà Nội đúng nhất, bên cạnh rong rêu?

Tùy bút của Tạ Mỹ Dương