Phát triển bền vững TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn 2045

Trở thành đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long

- Thứ Hai, 25/05/2020, 08:16 - Chia sẻ
Đánh giá tại Hội thảo “Phát triển bền vững TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Cần Thơ tổ chức mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhận định, cần có một hướng đi mới, thúc đẩy phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường cho TP Cần Thơ trong hiện tại và tương lai, bảo đảm vị thế và vai trò của thành phố không chỉ ở đồng bằng sông Cửu Long mà bao quát cho cả tiểu vùng sông Mekong.

Tăng trưởng cao nhất vùng

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh khẳng định, cơ cấu kinh tế của Cần Thơ đã chuyển dịch đúng hướng Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đề ra. Khu vực kinh tế phi nông nghiệp tăng nhanh, đóng góp của nông nghiệp trong tổng sản phẩm giảm đi. Hệ thống cơ sở hạ tầng của thành phố được đầu tư tương đối đồng bộ, góp phần xây dựng đô thị, nâng cao năng lực vận tải và bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Giai đoạn 2006 - 2019, tăng trưởng kinh tế của Cần Thơ bình quân đạt 7,27%/năm, cao hơn mức trung bình toàn quốc và cao nhất trong vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2019, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) đạt hơn 100.000 tỷ đồng, gấp 5 lần so với năm 2005, đứng đầu vùng kinh tế trọng điểm và đứng thứ hai trong toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Năng suất lao động không ngừng tăng lên và dẫn đầu toàn vùng với mức 143 triệu đồng/năm. Dự kiến năm 2020, quy mô GRDP đạt hơn 120.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt hơn 97 triệu đồng.

Cũng theo Chủ tịch thành phố Lê Quang Mạnh, Cần Thơ dần khẳng định được vai trò trung tâm của vùng trong một số lĩnh vực như giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị còn một số mặt chưa đạt mục tiêu và yêu cầu đề ra. TP Cần Thơ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông còn chưa đồng bộ, nguồn lực đầu tư rất hạn chế. Thời gian tới, TP Cần Thơ bước vào thời kỳ phát triển mới trong bối cảnh có nhiều mặt thuận lợi, cơ hội lớn nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Lãnh đạo thành phố đề nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó, xác định mục tiêu, phương hướng và đưa ra các cơ chế, chính sách, giải pháp mới mang tính đột phá để thu hút các nguồn lực đầu tư nhằm xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trở thành đô thị hạt nhân có sức lan tỏa của toàn vùng. “Việc này chúng tôi xác định là hết sức quan trọng và có ý nghĩa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, cũng như bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long”, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung nhấn mạnh.


Một góc đô thị sông nước Cần Thơ 
Ảnh: Thành Nhân

Hướng phát triển mới

Cần Thơ muốn vươn lên thành trung tâm kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long thì phải thể hiện được vai trò chiến lược trong phát triển nông nghiệp, TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nói. Ông cho rằng, nông nghiệp là lợi thế chính của đồng bằng sông Cửu Long và may mắn là lợi thế này còn tiềm năng lớn.

Để thể hiện vai trò này, theo TS. Đặng Kim Sơn, Cần Thơ phải tháo gỡ được những nút thắt quan trọng của nông nghiệp và của vùng. Nông nghiệp của vùng cần có đột phá về nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ; cần phải có những trung tâm đào tạo về kỹ thuật, về công nghệ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật và cho nông dân; cần có 1 trung tâm chế biến nông sản, cung cấp vật tư thiết bị máy móc cho nông nghiệp; cần có cửa mở để tiếp cận với các thị trường trong nước và quốc tế; cần xây dựng dịch vụ hậu cần về kho tàng, bến bãi, vận tải.

Ngoài nông nghiệp, nếu trở thành trung tâm cơ sở hạ tầng, công nghiệp và dịch vụ với các đô thị khác trong vùng thì ngay cả dưới tác động của biến đổi khí hậu, Cần Thơ sẽ góp phần quan trọng giải bài toán kinh tế cho đồng bằng sông Cửu Long về phát triển xã hội, tạo việc làm, đô thị hóa, phát triển công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp; cung cấp hạ tầng và dịch vụ phục vụ đời sống chất lượng cao cho dân cư, tạo ra việc làm phi nông nghiệp có thu nhập cao và ổn định, thu hút lao động khỏi nông nghiệp.

GS. TS. Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng, Nhà nước cần đổi mới thể chế, chính sách, quy hoạch và điều phối, hợp tác vùng - liên vùng - địa phương liên quan đến tích hợp các giải pháp bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên; đồng thời, chú trọng đầu tư các công trình tạo phát triển đột phá cho Cần Thơ, hướng đến xây dựng đô thị thông minh, phát triển kinh tế tuần hoàn để làm động lực phát triển cho cả vùng; tăng cường tiếp cận các nguồn lực để thực hiện các dự án nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cấp vùng để ứng phó với biến đổi khí hậu, tai biến thiên nhiên và phát triển bền vững.

Đánh giá Cần Thơ đã đạt được những kết quả tích cực theo Nghị quyết số 45 đề ra, song Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, Cần Thơ chưa hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp và trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long. Ông nhấn mạnh, phát triển Cần Thơ không thể tách rời mà phải gắn chặt với vùng hay nói cách khác là Cần Thơ vì đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Cửu Long vì Cần Thơ.

Để Cần Thơ phát triển nhanh, bền vững và đột phá trong bối cảnh mới với tư cách là thành phố trung tâm của vùng, có vai trò dẫn dắt và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương khác trong vùng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đề nghị, phát triển phải thích ứng với biến đổi khí hậu; quan tâm đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nhằm tăng cường kết nối với các địa phương. Trong phát triển công nghiệp, Cần Thơ nên lựa chọn lĩnh vực phù hợp với đặc thù của thành phố, vừa phù hợp với tư cách là một trung tâm của vùng.

Cần Thơ cũng cần hướng tới trở thành trung tâm cung cấp các dịch vụ và giải pháp khoa học công nghệ có giá trị gia tăng cao cho vùng trên mọi lĩnh vực đặc biệt về nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo; tận dụng nguồn lực nội tại về đất đai và con người, khai thác tối ưu nguồn tài nguyên này phục vụ phát triển công nghiệp và dịch vụ, để đưa Cần Thơ thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030.

Lâm Hiển