Cà phê phin

Triết lý giáo dục của cha tôi

- Chủ Nhật, 16/06/2019, 07:06 - Chia sẻ
Nhà trường, thầy cô bạn bè giờ đây có lẽ rất tự hào về cháu, nhưng tôi có thể khẳng định rằng vào năm 2007, khi đứng trước một đứa trẻ “tăng động” thì chỉ có cha tôi - Nhà giáo dục Lê Long là người duy nhất nhìn thấy rõ ràng con người mà cháu có thể là.

Cha tôi thời trẻ phải vất vả sớm. Đi công tác rồi còn nuôi các em ăn học trưởng thành. Cô tôi học xong đại học, lấy chồng, sinh con, còn chú Út thì đã hy sinh ở tuổi 20 trên chiến trường Quảng Trị 1972. Mãi nhiều năm sau đó thì ông mới lấy vợ. Tuổi thanh niên khắc khổ đã làm ông dành sự quan tâm đến giáo dục và tâm lý trẻ em từ rất sớm.

Sau này ông nghiên cứu Vật Lý và Tâm lý trẻ em ở Liên Xô. Khi về nước, ông không có nhiều điều kiện thực hành những nghiên cứu của ông. Lớn lên thì tôi nhận ra rằng ông đã mềm dẻo áp dụng triết lý giáo dục của ông một cách nhẫn nại.  

Ông theo đuổi lý thuyết Kopernik đối với phương pháp sư phạm khi đảo ngược và đổi chiều tư duy giáo dục truyền thống. Trong đó, người thầy phải thích ứng với nhu cầu, sở thích và các mối quan tâm của học sinh. Khi trở về từ Liên Xô, trong hoàn cảnh kinh tế nghèo nàn nhưng ông vẫn thường đưa mấy anh em tôi đi chơi dã ngoại, đi lên đồi lên núi. Trong những dịp đó, ông ngầm đưa ra những đánh giá, nhận định về sự hứng thú hiện ra ở những đứa trẻ khác nhau (anh em tôi và cả các bạn hàng xóm). Ông khéo léo đưa trẻ em vào những bối cảnh có thực để chúng bộc lộ những đặc tính riêng. Ông thường tóm tắt là có đứa thì thích quan sát, có đứa thích đặt câu hỏi, có đứa im lặng, có đứa nói nhiều, có đứa lại chỉ thích gây sự đánh nhau. Và ông coi đó là những khác biệt tốt đẹp. 

Ông dành rất nhiều thời gian để trò chuyện với trẻ em. Ông coi trẻ em như một chủ thể vận động trong sự phát triển tự nhiên của chúng trên bình diện thể chất, tinh thần và trí tuệ. Ông có một đứa cháu, cách đây nhiều năm, người ta nhận định rằng cháu bé mắc chứng tăng động, cháu rất nghịch và thiếu tập trung. Cháu bé được bố mẹ cháu gửi vào nhà tôi mấy dịp hè. Cả mùa hè đó ông chỉ dành thời gian để trò chuyện với cháu. Ông đưa ra nhận định rằng cháu có óc quan sát rất tốt và đó chính là lý do cháu nói rất nhiều, bởi vì sau khi quan sát sự vật hiện tượng thì cháu còn có cái khát vọng biểu đạt những quan sát ấy thành lời. Rồi ông đưa cháu đi chơi, đi tham quan, đi về quê và hướng dẫn cháu khái quát cuộc sống thành các bài văn. Ông quan điểm rằng, giáo dục phải tự nhiên, gắn với đời thực, giáo dục phải dạy lòng vị tha và người làm giáo dục phải tôn trọng bất cứ sự khác biệt nào ở trẻ. Chỉ trong hai dịp hè liền nhau, cháu bé đã dành rất nhiều thời gian để đọc sách cùng ông, kể lại các câu chuyện, thuật lại các diễn biến trong truyện và cháu đã bắt đầu viết những bài văn dài đầu tiên lúc cháu gần 7 tuổi. 

Tất nhiên, cháu vẫn nghịch, ông giải thích rằng đó là vì cháu có sức khỏe tốt, cháu chơi với các bạn và khi các bạn đã mệt rồi thì cháu chưa mệt và vẫn muốn chơi tiếp. Thầy cô ở trường thì “chụp” cho cháu cái tội “nghịch ngợm” chứ không cho rằng đó là sự “khác biệt”. Họ bắt các cháu xoay quanh cái trung tâm là chính họ. Cha tôi, thay vào đó đã hướng dẫn cháu tập thể thao ở những nơi mà người mạnh mẽ thì được tôn sùng.  

Sau 12 năm, giờ đây cháu bé kể trên đã trở thành một chàng thanh niên, cháu từng học chuyên Văn và rồi sau đó cháu trở thành học sinh giỏi Quốc gia môn Vật lý. Bên cạnh đó, cháu cao hơn 1,9m và là một cầu thủ bóng rổ của trường. Nhà trường, thầy cô bạn bè giờ đây có lẽ rất tự hào về cháu, nhưng tôi có thể khẳng định rằng vào năm 2007, khi đứng trước một đứa trẻ “tăng động” thì chỉ có cha tôi là người duy nhất nhìn thấy rõ ràng con người mà cháu có thể là. Hiện giờ, các thầy cô của cháu thì nhiệt tình hơn bao giờ hết để định hướng cháu vào các trường đại học có tiềm năng biến cháu trở thành một người giàu có. Còn cha tôi lại khuyến khích cháu lựa chọn một nghề, một con đường mà cháu biết rằng cháu có thể hy sinh đời mình cho nó. 

Mặc dù là một bậc thầy về lý luận và học thuyết giáo dục nhưng cha tôi luôn hiểu rằng ông ấy không thể kiểm soát được ngoại cảnh. Có những lý thuyết của ông quá cấp tiến, cần đầu tư cơ sở vật chất tốn kém. Chính vì thế ông luôn khéo léo đưa nó vào thực tiễn của chính con người ông. Điều này khiến bản thân ông trở thành tấm gương cho nhiều thế hệ học trò. Ông quan tâm đến các học sinh của ông từ khi họ còn trẻ cho đến khi họ trở thành những ông bà già. Ông đau đớn khi phải vĩnh biệt những học sinh của ông, bất kể người đó là một bộ trưởng hay một người nông dân. Ông để tang suốt đời cho những học sinh của ông, những người đã hy sinh ở chiến trường miền Bắc, ở Quảng Trị, ở Huế, ở Sài Gòn và cả những người bị di chứng chiến tranh, bệnh tật quật ngã hàng chục năm sau. Ông nói về họ, ông kể về họ bất cứ khi nào có cơ hội. Ông quan tâm đến con cái của họ ngay cả khi họ đã rời khỏi cuộc đời này. 

Cha tôi tất nhiên còn có cả những người thầy mà ông ấy thương yêu. Ông đạp xe đi thăm nom các cụ, khi thì mang cân giò, khi thì nải chuối quê biếu họ. Thầy giáo của ông đều là những người rất lịch lãm, có người là ông giáo làng, có người lại nổi tiếng toàn thế giới. Ông quan tâm hỏi han viết thư động viên các cụ dù biết rằng có nhiều cụ đã không còn đủ minh mẫn để hiểu hay để nhớ ra những điều ông nói trong thư. 

Bản thân tôi cũng là một sản phẩm từ phương pháp giáo dục của ông. Lúc học phổ thông (cấp III), tôi rất bất đồng với cô giáo chủ nhiệm, phần nhiều ở ý thức hệ giáo dục. Khi đó ông bảo rằng hãy can đảm mà tự chọn lấy nền giáo dục của riêng mình. Đó chính là nguyên lý về self-government (phương pháp tự học) mà tôi áp dụng cho đến ngày hôm nay. Phương pháp đó chỉ gói gọn ở việc phải luôn luôn tin tưởng rằng mình là một người tự do và để đạt được điều đó thì phải tự làm lấy mọi việc. 

Cha tôi có nhiều học trò cũng làm giáo viên. Có những lúc học trò đến kể chuyện rằng họ thường phải phạt quỳ học sinh của họ để cho chúng nó ngoan ngoãn nghe lời. Khi đó ông nói rằng “ép buộc một ai đó quỳ gối là phương pháp giáo dục để tạo ra nô lệ”. Cha tôi là vậy, ông đưa ra những nhận định và sau đó người ta thấy rằng không còn gì để tranh cãi nữa. 

Mặc dù là học trò của Jean-Jacques Rousseau về tư tưởng giáo dục nhưng trong các bài giảng về phương pháp sư phạm, ba tôi thường nhấn mạnh rằng quá trình sư phạm đặt tất cả mọi người vào nỗ lực để trở thành một người thầy. Không gì hơn thế. Con em của chúng ta có thể đến trường và có một vài người giáo viên trong những khoảng thời gian vài ba năm, có người giỏi, có người chưa giỏi, có người thương yêu chúng, có người không... Nhưng có một người thầy mà chúng chịu ảnh hưởng suốt đời, đó là chính chúng ta, những ông bố bà mẹ mà có lẽ đã có sự ngộ nhận, nhầm lẫn trầm trọng về vai trò của giáo dục trong thời đại này.

Lê Quang