Triển lãm tranh của các họa sĩ đương đại "ăn khách" hàng đầu

- Thứ Tư, 05/08/2020, 14:50 - Chia sẻ
Mong muốn tôn vinh, giới thiệu các họa sĩ đã khẳng định tên tuổi, vị thế trên thị trường mỹ thuật trong nước và quốc tế, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức “Triển lãm tác phẩm của các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật” từ ngày 6 - 15.8 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

19 họa sĩ sẽ tham gia triển lãm, gồm 12 họa sĩ ở Hà Nội: Đặng Xuân Hòa, Bùi Hữu Hùng, Lê Thanh Sơn, Đinh Quân, Thành Chương, Trần Lưu Hậu, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Phạm Luận, Phạm An Hải, Vũ Đình Tuấn, Hồng Việt Dũng; và 7 họa sĩ ở TP Hồ Chí Minh: Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Trần Văn Thảo, Nguyễn Tấn Cương, Hứa Thanh Bình, Lê Kinh Tài.

"Gia đình nhà chuột", sơn mài của Nguyễn Thành Chương
"Nghĩ", sơn dầu của Lê Thiết Cương

Giám tuyển triển lãm, họa sĩ Vi Kiến Thành cho biết: “Về tiêu chí, chúng tôi chọn những người có tác phẩm có chất lượng nghệ thuật, đồng thời có giao dịch mua bán tương đối nhiều. Thị trường ở đây xác định chủ yếu là nước ngoài. Tuy nhiên, có thể hiểu là họa sĩ được nhiều bảo tàng nước ngoài và bảo tàng trong nước mua tranh, các nhà sưu tập trong nước và quốc tế mua và mua nhiều”.

"Sapa", acrylic của Trần Lưu Hậu

“Độ ăn khách phải được kiểm chứng trong thời gian dài, lấy mốc là 20 năm. Những họa sĩ mới bán được tranh trong khoảng 3 - 4 năm nay không vào danh sách này. Tóm lại, họa sĩ phải có giao dịch nhiều trong thời gian dài và tác phẩm có chất lượng, có phong cách”, ông Thành nói. Đây cũng là dịp để vinh danh những người đã tạo nên thị trường mỹ thuật Việt Nam. 

"Mây Tam Diện", lụa của Vũ Đình Tuấn

Nhận lời mời tham gia triển lãm lần này, họa sĩ Lê Thiết Cương cho hay, ông muốn ủng hộ thị trường mỹ thuật. “Nguyên tắc của tôi là không có thị trường mỹ thuật thì không có mỹ thuật. Chúng ta thấy rõ mỹ thuật ở giai đoạn Đổi mới là thành công sớm nhất, đánh dấu được việc lan ra thị trường nước ngoài. Mỹ thuật thành công trước phim ảnh và văn chương. Chỉ có điều, nhiều người “yếu bóng vía” lại sợ mang tiếng là họa sĩ thị trường”.

"Sự thật trong phản chiếu song hành", tác phẩm của Lê Kinh Tài

Trong số 19 tác giả gửi tác phẩm triển lãm lần này, nhiều người hầu như chỉ bán tranh ở thị trường nước ngoài hoặc có nhiều tranh nằm ở các bộ sưu tập tư nhân. Thậm chí còn có cả câu lạc bộ những người chơi tranh riêng của tác giả Phạm Luận. Họa sĩ Lê Kinh Tài bộc bạch: “Hồi nào tới giờ tôi không tham gia triển lãm nào, cả triển lãm phong trào hay triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Nhưng lần này có nhiều họa sĩ thân thiết tham gia nên tôi tham dự”.

"Miền yêu thương", sơn dầu của Đào Hải Phong

Mỗi họa sĩ sẽ trưng bày 3 tác phẩm. Triển lãm giúp công chúng yêu nghệ thuật trong nước và quốc tế có được cái nhìn khái quát về sự hình thành và phát triển của thị trường mỹ thuật Việt Nam. Đồng thời góp phần ghi nhận những thành tựu, nỗ lực của họa sĩ cho sự phát triển của thị trường mỹ thuật Việt Nam, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao của nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng giao lưu văn hóa.

Hương Sen