Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Hòa Bình Khóa XVI (nhiệm kỳ 2016 - 2021):

Triển khai thực hiện hiệu quả nghị quyết mới thông qua

- Thứ Bảy, 25/07/2020, 07:48 - Chia sẻ
Trên cơ sở thảo luận kỹ lưỡng, xem xét toàn diện, khách quan, Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Hòa Bình đã thông qua 30 nghị quyết nhằm tiếp tục thể chế các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đây là những Nghị quyết quan trọng, liên quan đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các ngành theo quy định của pháp luật, tăng cường công tác quản lý nhà nước, huy động nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

GRDP tăng 2,05% so với cùng kỳ

Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh cho biết, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội trong cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng. Cùng với đó là điều kiện thời tiết khô hạn diễn ra gay gắt, dẫn đến lượng nước hồ Hòa Bình thấp;  bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết tại Kỳ họp

Ảnh: Quang Tuấn 

Trước những khó khăn, thách thức đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương; chủ động, sáng tạo, tập trung phòng, chống dịch bệnh và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội nên 6 tháng đầu năm 2020, kinh tế - xã hội của tỉnh bước đầu có chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả đáng kể. Cụ thể, về tăng trưởng kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm ước tính tăng 2,05% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, về nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,01%; công nghiệp - xây dựng tăng 4,59% (trong đó công nghiệp tăng 3,77%); dịch vụ giảm 1,71%; thuế sản phẩm tăng 0,39%. Về cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản là 19,25%; công nghiệp - xây dựng 43,46%; dịch vụ 32,28%; thuế sản phẩm 5,01%.

Tại Kỳ họp, đa số các đại biểu phấn khởi cho rằng, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, song các cấp, các ngành đã nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2020. Bên cạnh những kết quả đạt được, một số đại biểu cũng thẳng thắn nêu lên những tồn tại, khó khăn và nội dung cần quan tâm thực hiện tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Trong đó, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến những chỉ tiêu kinh tế khó đạt trong năm 2020, đặc biệt là thực tế tăng trưởng kinh tế ở mức số âm trong 6 tháng đầu năm; 10/18 khoản thu chưa đạt mức trung bình 50% so với chỉ tiêu Nghị quyết của HĐND tỉnh giao.

Cần giải pháp mang tính đột phá

Tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm tìm ra giải pháp cho phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm, các đại biểu cho rằng, để đạt được chỉ tiêu thu ngân sách 5.000 tỷ, đòi hỏi tỉnh phải có giải pháp căn cơ mang tính đột phá cao. Đại biểu Phạm Thanh Bình, tổ đại biểu HĐND thành phố Hòa Bình nhấn mạnh, nguồn thu chủ yếu của tỉnh dựa vào Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, thu từ thuê đất và các doanh nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, nhà máy thủy điện Hòa Bình không đạt sản lượng theo kế hoạch, trong khi đó, các doanh nghiệp của tỉnh hầu hết là vừa và nhỏ, lại gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19. Hiện nay, nguồn thu chủ yếu dựa vào đất. Vì vậy, tỉnh cần có giải pháp mạnh mẽ để bảo đảm nguồn thu từ đất, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp còn nợ đọng tiền thuê đất và các dự án thuê đất không bảo đảm, cần có giải pháp để thu hồi, tránh lãng phí đất và thất thoát nguồn thu.

Phát biểu tại Kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình Trần Đăng Ninh nhấn mạnh, sau kỳ họp, đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh tổ chức tốt hoạt động tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân; nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để phản ánh, kiến nghị kịp thời với HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan, tích cực chủ động hơn nữa trong công tác xây dựng Nghị quyết, công tác giám sát của HĐND tỉnh. HĐND tỉnh yêu cầu Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các ngành, các cấp tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm thi hành các nghị quyết mới được thông qua. Tiếp tục đánh giá, rút kinh nghiệm những việc đã làm được và chưa làm được, đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động để tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới.

Nhiều đại biểu đề cập đến việc cần có giải pháp căn cơ hơn trong cải thiện môi trường đầu tư, cần có giải pháp tạo quỹ đất sạch trong thu hút đầu tư. Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) bị ảnh hưởng sau dịch Covid-19 hoạt động trở lại. Đại biểu Trịnh Văn Minh, Tổ đại biểu HĐND huyện Lạc Thủy có ý kiến, để tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm, tỉnh cần có những gói hỗ trợ cụ thể như hỗ trợ về kỹ thuật, con giống... để bà con nông dân khôi phục sản xuất, tăng thu nhập cho nhân dân cũng như thu nhập cho tỉnh. Đặc biệt, đối với chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước, cần phải kiểm tra toàn bộ hệ thống kinh tế tỉnh, ngành nào có khả năng thu thì thu, ngành nào có xu hướng đầu tư phải tăng cường nguồn lực để đầu tư, mang tính chất an toàn, hiệu quả; tránh thất thoát nguồn vốn đầu tư, bên cạnh đó cần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp lớn, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.

Liên quan đến các vấn đề an sinh xã hội, nhiều đại biểu đề nghị, cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân để ổn định đời sống sau dịch Covid-19, đặc biệt là vấn đề bảo đảm cuộc sống, ổn định cho người lao động. Đại biểu Võ Ngọc Kiên, tổ đại biểu HĐND huyện Cao Phong khẳng định, sau dịch Covid-19, vấn đề cấp bách hiện nay là lao động thất nghiệp, tỉnh ta cũng không phải ngoại lệ. Vì vậy trong thời gian tới, UBND tỉnh cũng cần phải có báo cáo cũng như những giải pháp cụ thể nhằm giải quyết việc làm cho người lao động, ổn định an sinh xã hội. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận về việc thực hiện chế độ chính sách cho người dân sau khi sáp nhập đơn vị hành chính; vấn đề hỗ trợ vốn đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; khám chữa bệnh thẻ BHYT; nâng cao cuộc sống cho các gia đình chính sách và cải thiện môi trường khu vực nông thôn, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.

Phan Phương