Huyện Quốc Oai, TP Hà Nội:

Triển khai hiệu quả việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn

- Thứ Ba, 14/07/2020, 12:03 - Chia sẻ
Tiếp tục chương trình giám sát việc thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn từ năm 2016 đến nay, đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội, do Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà làm trưởng đoàn, đã làm việc với huyện Quốc Oai. Cùng tham dự buổi giám sát có đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy.

Theo báo cáo của UBND huyện Quốc Oai, từ năm 2016 đến nay, huyện đã tổ chức 228 lớp đào tạo nghề cho 8.096 lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, là đơn vị có số lao động nông thôn được đào tạo lớn nhất Thành phố. Số người có việc làm sau đào tạo nghề là đạt tỷ lệ 100% (trong đó, số lao động được doanh nghiệp tuyển dụng sau đào tạo chiếm 33,83%; số lao động tự tạo việc làm chiếm 58,45%).

Đáng chú ý, huyện đã triển khai tổ chức thực hiện 03 mô hình thí điểm về đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo phương thức đặt hàng, đó là đào tạo nghề cho lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp theo đặt hàng của Chủ doanh nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu phát triển các làng nghề và đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu của doanh nghiệp cam kết bao tiêu sản phẩm cho người lao động. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đức Phương, việc triển khai đào tạo nghề trên địa bàn huyện đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người dân nông thôn hạn chế được nhiều tệ nạn xã hội, an ninh nông thôn được đảm bảo, kinh tế-xã hội phát triển.

Đánh giá về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, Quốc Oai đã triển khai sâu rộng chương trình này tới từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, tuyên truyền trong toàn thể nhân dân biết chương trình và đăng ký tham gia học nghề, nhờ đó, số lượng người được đào tạo lớn. Cùng với đó, huyện đã huy động được các hội, đoàn thể vào tham gia, sau đào tạo đã giải quyết được việc làm cho số lượng lớn lao động. Tuy nhiên, huyện cần lưu ý về phương thức khảo sát, đăng ký tổ chức lớp để lớp đào tạo nghề được tổ chức hiệu quả, chất lượng.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Nguyễn Chính Hữu nhận định, phương thức đặt hàng đào tạo theo nhu cầu lao động là điểm nổi bật của huyện, tuy nhiên, cần giám sát quản lý chặt chẽ về chất lượng đào tạo.

Còn theo Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội Nguyễn Thanh Bình, Quốc Oai với vị trí gần trung tâm nên phải lưu ý đến chuyển đổi cơ cấu ngành nghề cho phù hợp với thực tế phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn hiện nay. Huyện cần linh hoạt trong xác định danh mục ngành nghề cần đào tạo cho từng năm, cùng với đó kiến nghị cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tiễn và cần hướng tới là đào tạo nghề theo nhu cầu của sản xuất.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà đánh giá, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được huyện Quốc Oai triển khai nghiêm túc, đúng quy định, đạt hiệu quả, chất lượng tốt. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, công tác này vẫn còn những tồn tại hạn chế. Đó là đào tạo nghề theo nhu cầu người học hiệu quả chưa cao, chưa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, chưa đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn và chưa chuyển dịch được lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp hoặc chuyển đổi sang nghề nông nghiệp mới. Bên cạnh đó, chưa có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong việc giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm trên địa bàn Huyện là rất lớn nhưng nguồn vốn cho vay từ Ngân hàng chính sách Huyện chưa đáp ứng nhu cầu vay. Mục tiêu của đào tạo nghề nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện chưa rõ,...

Để khắc phục những tồn tại hạn chế, Trưởng đoàn giám sát đề nghị huyện cần rà soát, xây dựng kế hoạch và dự báo nhu cầu đào tạo nghề phải sát với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương: các nghề nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp, chú trọng đào tạo theo chuỗi sản phẩm, đào tạo gắn với sản xuất và bao tiêu sản phẩm; nghề phi nông nghiệp phải xuất phát từ quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ, quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp... Đồng thời, huyện phải tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp trong giải quyết việc làm nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty, doanh nghiệp, các tổ hợp tác xã trên địa bàn, từ đó, có biện pháp can thiệp giúp người lao động giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế. Sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí đào tạo nghề do UBND Thành phố cấp và các nguồn kinh phí khác.

Đối với các sở, ngành thành phố, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà đề nghị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với huyện Quốc Oai trong thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Ngoài ra, cần kịp thời hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc của huyện trong quá trình thực hiện, chủ động đề xuất tham mưu Thành phố các giải pháp để triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn Thành phố.

PHI LONG