Triển khai đồng bộ giải pháp tăng thu, giảm nợ

- Thứ Bảy, 08/06/2019, 07:47 - Chia sẻ
Xác định việc đôn đốc thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) kịp thời có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã triển khai một số giải pháp tăng thu, giảm nợ đọng, trong đó có việc khai thác sử dụng chức năng tự động thanh tra chuyên ngành đóng đột xuất trên phần mềm và khai thác dữ liệu từ cơ quan thuế. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến với BHXH 63 tỉnh, thành phố về công tác thu.

Từ sử dụng phần mềm

Tại hội nghị, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thu (BHXH Việt Nam) Đinh Duy Hùng cho biết, tổng số nợ BHXH, BHYT trong toàn quốc tính đến 31.5 là 17.500 tỷ đồng, trong đó số nợ phải tính lãi là 6.653 tỷ đồng, chiếm 1,85% số phải thu. Cụ thể, cả nước có 33.483 đơn vị nợ từ 3 - 6 tháng với số tiền hơn 1.100 tỷ đồng; 10.079 đơn vị nợ từ 6 - 12 tháng với 619 tỷ đồng và 15.247 đơn vị nợ trên 12 tháng với 2.817 tỷ đồng.


Ngành BHXH thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng thu giảm nợ Nguồn: ITN

Một số giải pháp tăng thu, giảm nợ đọng đã được ngành BHXH triển khai quyết liệt như việc khai thác sử dụng chức năng tự động thanh tra chuyên ngành đóng đột xuất trên phần mềm. Theo đó, căn cứ vào dữ liệu quản lý thu của ngành, phần mềm sẽ xác định những đơn vị nợ đọng từ ba tháng trở lên và ban hành quyết định thanh tra đột xuất, biên bản thanh tra và quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Kết quả là từ ngày 1 - 31.5, đã ban hành quyết định thanh tra đột xuất với 957/15.224 đơn vị, đạt tỷ lệ 6,3% so với tổng số đơn vị thuộc diện phải thanh tra trong tháng. Có 31 tỉnh, thành phố đã cập nhật kết quả thanh tra đột xuất vào phần mềm quản lý thu, sổ thẻ.

Thực hiện Công văn số 341 của BHXH Việt Nam, trong tháng 5, BHXH 31 tỉnh, thành phố đã cập nhật kết quả thanh tra đột xuất; đồng thời ban hành quyết định thanh tra đột xuất đối với 957 đơn vị. Trong đó BHXH Hà Nội ban hành quyết định thanh tra đột xuất với 95 đơn vị; BHXH Nghệ An  là 67 đơn vị; BHXH Đồng Tháp là 47 đơn vị; BHXH Quảng Ngãi là 47 đơn vị; BHXH Thừa Thiên Huế là 40 đơn vị… Chia sẻ về những kết quả đạt được, Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, đã tiến hành rà soát, đôn đốc, kiểm tra trực tiếp trên 10 đơn vị, phát triển thêm 17.000 đối tượng tham gia BHXH; 5 tháng đầu năm, số thu trên địa bàn tăng 2.600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra, BHXH Việt Nam Trần Đức Long, các địa phương cần tiếp tục tập trung thanh tra toàn diện về đối tượng đóng, mức đóng, phương thức đóng. Trong thời gian tới, Vụ Thanh tra - Kiểm tra sẽ cải tiến phương pháp thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện nghiệp vụ tại các địa phương.

Tới khai thác dữ liệu cơ quan thuế

 Tính đến 31.5, cả nước có 14,446 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 94,4% kế hoạch và tăng 79.727 người so với tháng 4.2019. Toàn quốc cũng có 363.000 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 26.000 người so với tháng 4.

Cùng với việc tăng cường thanh tra kiểm tra, trong tháng 5, BHXH các địa phương cũng đã khai thác dữ liệu cơ quan Thuế cung cấp và đôn đốc 21.463 đơn vị, đạt 14,5% số đơn vị chưa tham gia BHXH; số đơn vị đăng ký tham gia là 3.773 đơn vị, đạt 2,6%, với 28.992 người lao động. Tính đến hết tháng 5, tổng số thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp toàn ngành là 137.586 tỷ đồng, đạt 38,3% kế hoạch.

Giám đốc BHXH Kon Tum Vũ Mạnh Chữ kiến nghị, đối với công tác rà soát, đối chiếu, khai thác dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp, Ban Thu nên ban hành phiếu khảo sát, trong đó bổ sung một số tiêu chí cụ thể để cập nhật vào phần mềm nghiệp vụ, phục vụ cho việc tổng hợp kết quả được chính xác, kịp thời.

Trên cơ sở các ý kiến phân tích, đánh giá làm rõ thực trạng cùng những ý kiến từ BHXH, Bưu điện các tỉnh, thành phố, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu yêu cầu các địa phương cần khai thác tích cực hơn dữ liệu từ cơ quan thuế đã chuyển sang, rà soát số doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, BHYT; giao chỉ tiêu rà soát tới từng cán bộ, bảo đảm chặt chẽ khi thực hiện với sự tham gia của cơ quan BHXH, thuế, cơ quan lao động, thương binh và xã hội, phấn đấu trong năm nay phải rà soát và yêu cầu tham gia BHXH, BHYT với toàn bộ số doanh nghiệp còn lại.

“Toàn ngành đã thực hiện tương đối hiệu quả các bước căn cơ, tuy nhiên phải tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các giải pháp đồng bộ, mang tính đột phá để phát triển đối tượng tham gia BHXH. Đồng thời, cần phải thống nhất phương pháp phối hợp giữa BHXH và Bưu điện để tiếp tục phát huy, nâng cao hiệu quả thực hiện công tác phát triển đối tượng; sàng lọc, rà soát, quản lý chặt chẽ cơ sở dữ liệu để đạt được mục tiêu mỗi người chỉ có một mã định danh duy nhất” - Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, BHXH các tỉnh, thành phố cần tăng cường phân công cán bộ chuyên quản bám sát các đơn vị sử dụng lao động các cơ quan quản lý đối tượng tham gia BHXH để đôn đốc, đóng đúng, đóng đủ. Phối hợp với Bưu điện địa phương tổ chức các cuộc hội nghị tuyên truyền trực tiếp, đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; rà soát, xác minh những trường hợp còn nghi vấn để hoàn thành thiện cơ sở dữ liệu của ngành; hoàn thành việc trả sổ BHXH cho người lao động.

Dương Cầm