“Trí nhớ” của đô thị

- Thứ Năm, 03/10/2019, 07:47 - Chia sẻ
Có người từng nói, nhiếp ảnh cho chúng ta khả năng nhìn lại quá khứ. Quả thật, nó luôn nằm phía sau thời gian, luôn kích ứng cảm giác hoài niệm. Với những quốc gia, thành phố phát triển nhanh như Seoul, Hàn Quốc hay Hà Nội, Việt Nam, các bức ảnh là “trí nhớ” của đô thị đang đổi khác, thậm chí “lột xác” từng ngày.

“Qua các bức ảnh trong triển lãm “Seoul - 4 thập kỷ hóa siêu đô thị”, chúng ta học hỏi được nhiều điều từ sự phát triển nhanh chóng của Seoul. Không chỉ ghi lại ký ức thành phố, đây là bài học cho Việt Nam trong quy hoạch và phát triển đô thị, kiến trúc. Tôi cũng đã đến Seoul vài lần và thấy rằng, thành phố này phát triển nhưng vẫn có không gian cây xanh, không gian mỹ thuật, kiến trúc hài hòa...”

Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp Ảnh và Triển lãm Mã Thế Anh

“Thăm” Seoul qua những bức hình

Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội đang diễn ra triển lãm “Seoul - 4 thập kỷ hóa siêu đô thị”, qua các hình ảnh phản ánh quá trình phát triển nhanh chóng của Seoul từ sau chiến tranh cho tới khi trở thành một đô thị hiện đại như ngày nay. 12 nhiếp ảnh gia nhiều thời kỳ đã lưu giữ lại Seoul, từ một thành phố hoang tàn, đổ nát với nhiều bãi đất trống nham nhở, những di sản khoác trên mình màu thời gian, tới một quang cảnh tươi sáng với nhà chọc trời... Các tác phẩm như một cuốn phim tua nhanh, cho người xem thấy được sự thay đổi chóng mặt, cũng như xung đột, mâu thuẫn trong quá trình phát triển của Thủ đô Hàn Quốc trong 4 thập kỷ qua.

Theo nhiếp ảnh gia Lee Gap - chul, từ những năm 1960, người dân Hàn Quốc từ các vùng xung quanh đổ dồn lên Seoul sinh sống, bắt đầu giai đoạn thay đổi nhanh chóng của Hàn Quốc và Seoul. Tuy thập kỷ 1960 - 1970 kinh tế còn khó khăn, máy ảnh chưa nhiều, nhưng một số nhiếp ảnh gia đã khắc phục điều đó, đi chụp thành phố. Các tấm phim đã được lưu trữ, và nay trở thành tài liệu sinh động về Seoul ngày ấy. Ông chia sẻ: “Du học ở nước ngoài và yêu thích các bức ảnh của nhiếp ảnh gia Pháp, Mỹ, sau khi thụ hưởng tinh thần của họ, tôi về Hàn Quốc và sáng tác ngay trên mảnh đất mình đang sinh sống. Giữa những năm 1980, tôi tập trung chụp ảnh nhiều nhất. Đó cũng là khoảng thời gian Hàn Quốc là quốc gia đang phát triển, Seoul đổi khác từng ngày”.

Seoul tiếp tục là đối tượng quan tâm của nhiều nhiếp ảnh gia giai đoạn sau này. Nhiếp ảnh gia Chanmin Park - người tập trung ghi lại kiến trúc các tòa nhà hiện đại trong thành phố, và khung cảnh các khu nhà mọc chen chúc, nhìn từ trên cao. “với triển lãm này, chúng tôi mong muốn mang lại góc nhìn khác về Seoul, Hàn Quốc, thể hiện thời kỳ chuyển giao của thành phố, với nhiều niềm vui, kỳ vọng mới và cũng có những nuối tiếc những điều xưa cũ đã bị thay thế. Nhưng đó là điều bất khả kháng, bởi kinh tế - xã hội phát triển, con người cũng luôn thay đổi. Không chỉ trưng bày ở Hàn Quốc, chúng tôi đưa các tác phẩm đi nhiều nơi để qua đó, mọi người sẽ có cái nhìn đa dạng hơn về Hàn Quốc trong quá khứ đến hiện tại, và có cái nhìn khác nhau về thế giới chúng ta đang sống, đồng thời thấy được sự tương đồng, gặp gỡ trong quá trình phát triển các thành phố...” - Chanmin Park cho biết.


Góc triển lãm “Seoul - 4 thập kỷ hóa siêu đô thị” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Ảnh: Th. Nguyên

Từ Seoul nhìn về Hà Nội

Giá trị tư liệu của nhiếp ảnh đã được khẳng định từ lâu, bên cạnh những bộ sử được ghi chép bằng ngôn từ. Với đặc thù của nhiếp ảnh, những gì diễn ra trong quá khứ được ghi lại và thể hiện sinh động, trường tồn cùng thời gian. Tại Việt Nam, từ khi nhiếp ảnh xuất hiện vào giữa thế kỷ XIX, một phần ký ức của dân tộc đã được lưu giữ. Trong quá trình phát triển, bộ môn nghệ thuật này luôn đồng hành với những đổi thay của đất nước qua các thời kỳ. Trong đó, Thủ đô Hà Nội được đặc biệt quan tâm, xuất hiện nhiều trong các sáng tác của các tay máy chuyên và không chuyên.

Đến thăm Hà Nội dịp này, nhiếp ảnh gia Lee Gap - chul cho rằng: “Khi Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang có nhiều thay đổi vượt bậc về kinh tế, cũng như nhiều lĩnh vực khác, tôi nghĩ đây là thời điểm “lột xác” rất nhanh của đất nước và thành phố, các nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ không nên bỏ lỡ. Mọi người sẽ phát hiện ra được nhiều tâm tư của mình về thành phố đang đổi thay”.

Quả thực, nhiều nhiếp ảnh gia trong nước cũng đã nhận ra Hà Nội chuyển biến quá mạnh, quá nhanh, nếu ngơi tay máy, rất có thể nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật… của thành phố sẽ không được lưu giữ kịp thời. Họ cũng chạy đua với thời gian để giữ lại một Hà Nội xưa, một Hà Nội hôm nay qua góc nhìn riêng, mang theo cả những cảm xúc, tâm tư với thành phố.

Trong thời đại kỹ thuật số, chụp ảnh vô cùng dễ dàng, riêng tại Hà Nội, một ngày cũng có tới vô vàn bức ảnh được chụp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài con mắt của một nghệ sĩ, người chụp còn cần có con mắt của một sử gia, để chụp ảnh không chỉ phục vụ ngày hôm nay, mà còn lưu giữ cho cả mai sau về giai đoạn chuyển mình của thành phố và đất nước.

Thảo Nguyên