60 năm ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (19.5.1959 - 19.5.2019)

Trên những trang sách quý

- Thứ Bảy, 18/05/2019, 08:42 - Chia sẻ
10 năm trước, nhân Kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, từ suy nghĩ, thời gian trôi nhanh, rồi các bác, các chú, các anh, các chị Trường Sơn ngày ấy sẽ lần lượt ra đi, chỉ còn lại câu chuyện cảm động trên trang sách, tôi bắt đầu sưu tầm những cuốn sách về đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.

Đến nay tôi có gần 50 cuốn sách về đường Hồ Chí Minh, thuộc đủ thể loại, từ lịch sử, khoa học quân sự, hồi ký… đến văn học, thơ, nhạc, sách ảnh, sách hướng dẫn du lịch trải nghiệm chiến trường xưa… của rất nhiều tác giả, nhiều nhà xuất bản danh tiếng trong và ngoài nước. Điều này chứng tỏ con đường huyền thoại có sức hút như thế nào cho cả hai phía chiến tuyến.


Một số cuốn sách về đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Ảnh: Thái Bình

Ngoài bộ ba cuốn hồi ký của cố Trung tướng, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên là Đường Xuyên Trường Sơn (NXB Quân đội Nhân dân, 1999, tái bản năm 2001, NXB Thế giới dịch in bằng tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha năm 2005), Với cả cuộc đời (NXB Quân đội Nhân dân, 2007), Trọn một con đường (NXB Quân đội Nhân dân, 2012), còn có rất nhiều cuốn sách trong và ngoài nước viết về tuyến vận tải chiến lược quan trọng bậc nhất trong chiến tranh Việt Nam. Có thể kể đến: Trường Sơn và đất nước của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và Thiếu tướng Võ Sở, Vị tư lệnh chiến trường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh của Phan Hữu Đại, Lịch sử và dấu ấn Trường Sơn, Hào khí Trường Sơn, Khát vọng Trường Sơn, Nữ chiến sĩ Trường Sơn,Trường Sơn thủa ấy… bây giờ của nhiều tác giả, Trọn đời chiến sĩ Trường Sơn của Hoàng Kiền, Chính ủy Đặng Tính - Thơ và đồng đội của Đặng Tính… Hay những cuốn thuộc dòng văn học Trường Sơn của các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Nguyễn Đình Thi… Rồi các đầu sách viết bằng tiếng Anh: The Road to Freedom: A History of the Ho Chi Minh Trail của V. Morris và C.Hills, The Blood Road: The Ho Chi Minh Trail and the Vietnam War của John Prados, The War for the Ho Chi Minh Trail của US Army Command and General Staff College…

Một trong những tài liệu quý và hiếm mà tôi may mắn có được, là bản dịch gốc đã ngả màu vàng đánh máy chữ cơ ngày xưa của bà Phan Thanh Hảo, biên dịch cuốn hồi ký của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên do Phạm Tiến Duật, nhà thơ nổi tiếng của Trường Sơn ghi lại, có bút tích của Trung tướng. Bản dịch này nằm trong số tài liệu cá nhân của ông Barry Walles, nguyên Tổng Biên tập Asia Wall Street Journal, trong một dự án viết về chiến tranh Việt Nam vào những năm 80 của thế kỷ trước. Bà Phan Thanh Hảo đã chuyển lại cho chúng tôi tài liệu quý này khi mời Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên viết lời giới thiệu cho cuốn Thư chiến trường từ nhà văn Ngô Thảo.

Một cuốn sách quý nữa là sách ảnh Đường mòn Hồ Chí Minh, con đường huyền thoại của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Trọng Thanh, Báo ảnh Việt Nam, do NXB Chính trị Quốc gia xuất bản năm 1995. Cuốn sách chứa hàng trăm tấm ảnh xúc động, ấn tượng, do cố nghệ sĩ thực hiện khi là phóng viên chiến trường nhiều năm và những câu chuyện xoay quanh các bức ảnh đó, cả về con đường và những con người gắn bó với con đường. Trong cuốn sách, tác giả ghi lại lời Thiếu tướng Võ Bẩm, người chỉ huy đầu tiên của đoàn quân hơn 400 con người bắt đầu đi mở đường từ 60 năm trước, mong muốn mọi người hãy “viết đúng về Trường Sơn và viết nhiều hơn nữa. Đau xót lắm! Mất mát lắm! Ác liệt, gian khổ lắm!”.

Cuốn sách tiếng Anh The Road to Freedom: A History of the Ho Chi Minh Trail của V. Morris và C. Hills đã được dịch ra tiếng Việt từ nguyên bản theo hợp đồng chuyển nhượng bản quyền giữa NXB Orchid, Hong Kong và NXB Quân đội Nhân dân năm 2012. Tác phẩm được bắt đầu với chương “Đó là con đường chiến thắng” và trích Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 17.7.1966: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” làm tiêu đề phụ cho chương này. Hai ông bà Hill và Morris đã dành hẳn 10 năm để hoàn tất cuốn sách sau khi đi dọc đường Trường Sơn bằng xe đạp và phỏng vấn rất nhiều người từng gắn bó với con đường. Ông bà tự hào là những người phương Tây đầu tiên hoàn tất chuyến đi dọc tuyến đường lịch sử này. Thời gian để làm cuốn sách lâu đến nỗi, sau khi hoàn thành tác phẩm chung, họ đã cưới nhau và cũng trở nên gần gũi với gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên…

Những cuốn sách mà tôi may mắn có được chỉ là một phần rất nhỏ trong kho tàng sách quý về con đường lịch sử, huyền thoại mang tên Bác Hồ kính yêu, góp phần ghi lại những câu chuyện bất tận về con đường và con người Trường Sơn, sẽ được lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh luôn là niềm kiêu hãnh của dân tộc, nhắc nhở chúng ta không được quên hàng chục vạn người con ưu tú của đất nước đã dành những năm tháng quý giá nhất của cuộc đời mình để mở đường, để chiến đấu, bảo vệ con đường chiến lược trong suốt cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại cũng như hiện đại hóa con đường từ địa đầu Pác Bó đến tận Mũi Cà Mau trong thời bình.

Trần Văn,QH Khóa XII, XIII