Trên hết là tiếng cười

- Thứ Sáu, 26/12/2014, 19:38 - Chia sẻ
Sau những Tự sự 265 ngày, Bốn lối vào nhà cười, Mười lẻ một đêm, SBC là săn bắt chuột, Dấu về gió xóa, những tác phẩm đặc trưng cho việc quan sát/ phân tích/ bình luận chuyện đời bằng tiếng cười, nhà văn Hồ Anh Thái lại tiếp tục khiến người đọc được cười với tác phẩm mới nhất của ông: tiểu thuyết Những đứa con rải rác trên đường (NXB Trẻ, 2014).

Không phải không có lý khi Hồ Anh Thái đặt cho tác phẩm cái phụ đề “1 tiểu thuyết = 3 truyện dài”. Vì ba phần của cuốn sách: Thư đi không thấy thư lại, Đời biết mấy chuyến xeChuyến thu gom xuyên Việt có thể đọc như ba truyện độc lập, nhưng lại được kết nối như cấu trúc ba chương của một cuốn tiểu thuyết hoàn chỉnh. Một cuốn tiểu thuyết, ôm trùm và trên hết, là giọng điệu bỡn cợt, mỉa mai, giễu và nhại về chính đời sống này, cái đời sống trải dài suốt mấy chục năm, từ chiến tranh qua hòa bình, từ thời bao cấp đến thời của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tuy vậy, thời gian của chuyện kể không đi theo trật tự tuyến tính thẳng băng như thế. Ở phần một, ta bắt gặp một trong những vấn đề rất “thời sự”. Ta sẽ biết thế nào là nguyên nhân, mục đích và diễn tiến thực chất của việc “du học tự túc”, như nó đang là cái mốt của phần nhiều các cậu ấm nhà giàu con quan hiện nay. Ở phần hai, thời gian của chuyện kể lùi lại về những năm tháng chiến tranh và bao cấp, cái thời bom đạn và đói khổ, cái thời mà những cô mậu dịch viên và những anh lái xe đường dài mới đích thực là niềm ngưỡng mộ trong sự đói vàng mắt của hầu hết “nhân dân anh hùng”, cái thời của rất nhiều kiểu “ngoi lên” cứ như đùa, nhưng lại rất thật. Hàng loạt câu chuyện đã xảy ra. Bi có, hài có, mà ngay trong cái bi thì tác giả cũng luôn găm sẵn cái hài, như một yếu tố đối trọng.


Sức nặng thực sự của tác phẩm nằm ở phần ba, khi anh lái xe đường dài năm xưa – nay đã trở thành “ông Kễnh” – nhân một tai nạn chốn quan trường mà quyết định làm một chuyến tìm lại, gom nhặt những đứa con ông đã rải suốt dọc chiều dài đất nước từ thuở tráng niên. Vẫn lại những câu chuyện bi hài xảy ra, song có những chuyện bi thực là bi (ví như việc bà văn công hát, một trong những người tình trước kia của ông Kễnh, tự sát bằng súng ngắn trước mặt bà văn công múa, lúc ấy đã là một bà lão mù lòa). Cái tài của tác giả trong việc tạo dựng cốt truyện thể hiện khá rõ ở phần này. Tất cả những chi tiết tưởng như lặt vặt thoáng qua, không đâu vào đâu ở hai phần trước thì nay đã được hút hết vào đây, gây nên những “cú sốc văn bản” có thể khiến người đọc bất ngờ, cười và khóc. Một trần thế giả đấy mà thật đấy được phơi lộ trong Những đứa con rải rác trên đường. Một trần thế nghiêng ngả trong những tiếng cười đủ loại, nhưng không ít phen, hình như nhà văn đã cười với một trái tim rớm máu.

Cuốn sách cho thấy một Hồ Anh Thái mà người đọc tưởng chừng đã quá quen thuộc, nhưng lại chưa hề hết lạ.     

Hoài Nam