Trảy hội Yên Thế xem võ sáo đăng đài

- Thứ Hai, 12/03/2012, 14:20 - Chia sẻ
Kế thừa truyền thống của Lễ hội Phồn Xương thủa cụ Đề Thám dựng cờ khởi nghĩa, Lễ hội Yên Thế diễn ra ngày 16/3 hàng năm đã trở thành ngày hội của nhân dân Yên Thế, nơi hòa quyện văn hóa lịch sử truyền thống, tâm linh và hiện đại, nơi tưởng nhớ chiến công vị thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân của ông. Lần đầu tiên, trong Lễ hội Yên Thế 2012 này, nhân dân và du khách sẽ được chiêm ngưỡng những thế võ vừa uyển chuyển, vừa đầy sức mạnh của võ sáo, một trong những ngón võ sở trường của Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế, từng làm cho địch phải bạt vía kinh hồn.

Tuyệt kỹ võ sáo “thiết địch thần phong, ngọc tiêu diệu khúc”

Trong khoảng 30 năm (1884 - 1913) lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp, nghĩa quân Hoàng Hoa Thám đã làm cho địch bao phen thất điên bát đảo. Bên cạnh việc sử dụng thành thạo các loại súng trường, súng kíp thì võ thuật của nghĩa quân với những loại vũ khí đặc dị là nỗi khiếp sợ của kẻ thù, trong đó, sáo sắt (thiết địch) nổi lên là thứ vũ khí vừa cực kỳ lợi hại vừa mang tính lãng tử nghệ sỹ.

Võ sáo cùng những câu chuyện dân gian mờ ảo xung quanh ngón võ này tưởng đã thất truyền thì một ngày năm 1991, võ sư Trịnh Như Quân trong một lần điền dã sưu tầm các thế võ cổ truyền tại bản Rừng Phe, xã Tam Tiến của núi rừng Yên Thế đã gặp được già bản dân tộc Tày Triệu Quốc Úy, người đã được truyền lại tuyệt kỹ võ sáo từ một nghĩa sỹ tham gia nghĩa quân Yên Thế năm xưa. Bị mê hoặc bởi ngón võ độc đáo này, võ sư Quân đã bái già Úy làm sư phụ, bỏ vợ, bỏ con lên Rừng Phe ngày đêm lĩnh hội những bí kíp tuyệt kỹ của võ sáo.


Nguồn: báo Bắc Giang

Theo võ sư Trịnh Như Quân, võ sáo gồm 6 chiêu thức tạo hình, 13 thế kiếm và 51 chiêu thức cụ thể, tất cả mảng miếng này được hội tụ trong bài võ Bóng trăng Phồn Xương. Để luyện được võ sáo, võ sỹ cần phải có một căn bản võ thuật, am hiểu kiếm pháp và đoản côn. Đồng thời, phải là một người đồng điệu với thanh âm cuộc sống. Nếu đã một lần được nhìn võ sư Quân thăng hoa cùng cây sáo sắt trong bài võ Bóng trăng Phồn Xương sẽ cảm nhận được khoảnh khắc người và sáo hợp nhất, lúc uyển chuyển, hào hoa đậm chất lãng tử, lúc dứt khoát thoăn thoắt với những đường sáo vun vút đầy uy lực, tất cả biến ảo trong hình ảnh người tráng sỹ tan hòa lượn bay giữa tự do mây trời cây cỏ. Khi vút cao, tiếng sáo vang đanh đầy hào sảng, thách thức đối thủ; lúc xuống trầm, tiếng sáo khoan thai như một tiếng hò bên dòng Thương du dương, ngọt ngào.

Để học được căn bản của võ sáo, người võ sỹ phải mất ít nhất là 10 năm khổ luyện, tuy nhiên, để đạt đến cảnh giới hòa quyện và thăng hoa giữa võ thuật và âm nhạc, thì rất ít người có thể đạt được, võ sư Quân chia sẻ. Đa số các đệ tử của ông về võ thuật sau một thời gian khổ luyện đều có những tiến bộ nhất định, nhưng riêng phần âm nhạc thì vẫn còn “lỗ mỗ” lắm. Ông có hai đệ tử tiêu biểu là Tô Văn Hồng, Nguyễn Quý Toàn, trình độ địch pháp của hai môn đệ này đã được khẳng định trong giới võ thuật, tuy nhiên việc thấu nhận và đẩy võ thuật hòa quyện cùng âm nhạc thì vẫn chưa làm võ sư Quân hài lòng.

Khi chúng tôi đề cập đến chuyện võ sáo sẽ được biểu diễn bởi đệ tử của ông và 100 học sinh trung học trong Lễ hội kỷ niệm 128 năm khởi nghĩa Yên Thế tới đây, võ sư Quân khẽ cười. Ông bảo, rất cảm động khi Đảng bộ, chính quyền Yên Thế đã quan tâm đến một trong những tinh hoa văn hóa phi vật thể của địa phương. Đây sẽ là một dịp để người dân biết đến một trong những tinh hoa võ thuật của nghĩa quân Yên Thế, của xứ Kinh bắc. Tuy nhiên, việc tổ chức cho các em học sinh múa sáo chỉ là hình ảnh biểu diễn thôi. Còn việc đào luyện và biểu diễn tuyệt kỹ võ sáo đến độ thiết địch thần phong, ngọc tiêu diệu khúc (cây sáo như gió thần với âm thanh du dương tuyệt diệu) vẫn còn là điều hy vọng vào lớp trẻ tương lai.
 
Lễ hội của phong tục và tinh thần thượng võ

        Tháng Giêng sắm sửa hội hè
        Ông Hoàng rang đỗ nấu chè làm chay…


Câu ca dao vùng núi đồi Yên Thế này khắc họa một phần những sinh hoạt hội hè, rước sách, lễ tế do Đề Thám tổ chức tại đại bản doanh Phồn Xương của nghĩa quân Yên Thế trong những năm tháng hòa hoãn với Pháp (1901-1909). Đáng chú ý là các lễ hội như lễ cầu may đầu xuân, lễ cầu siêu, lễ tế cờ… thu hút đông đảo người dân quanh vùng tham gia.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thế, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Yên Thế 2012 Lê Trí Dũng, kế thừa phong tục xưa của Lễ hội Phồn Xương, Lễ hội Yên Thế 2012 vẫn giữ các phong tục xưa. Cụ thể, trong phần lễ có phần tế cờ, nội dung nói về lòng căm thù giặc sâu sắc, quyết tâm đánh đuổi ngoại bang xâm chiếm bờ cõi; phần hội vẫn tổ chức các loại trò chơi như thi bắn cung, bắn nỏ, vật, đua ngựa, đánh cờ, đánh đu. Đặc sắc nhất là thi làm bánh chay, chè lam, rồi các gánh hát quan họ từ Lim, Thổ Hà được mời lên biểu diễn…

Đặc biệt, Lễ hội Yên Thế là nơi khơi dậy tinh thần thượng võ của vùng đất trai Cầu Vồng Yên Thế, các cuộc thi đấu vật, đấu võ thủa xưa tiếp tục được kế thừa và phát huy. Những đường roi, ngọn kiếm biến ảo khôn lường, những miếng vật bí truyền, những ngón võ đặc dị luôn là tạo ra niềm phấn khích, hứng thú tại lễ hội này. Đáng chú ý nhất, là màn biểu diễn bài võ sáo Bóng trăng Phồn Xương do 100 học sinh lần đầu tiên biểu diễn. Hiện tại, các đệ tử của võ sư Trịnh Như Quân cùng các em học sinh trong huyện đang tích cực luyện tập chờ ngày biểu diễn. Bên cạnh cạnh đó, trong khuôn khổ lễ hội, du khách và nhân dân địa phương cũng sẽ được chiêm ngưỡng những đường quyền, thế cước độc đáo qua Giải vô địch võ cổ truyền dân tộc tỉnh Bắc Giang.

Lễ hội Yên Thế 2012 còn có các hoạt động văn hóa thể thao như Hội thi văn nghệ quần chúng, Cuộc thi người mặc trang phục dân tộc đẹp, các giải bóng chuyền, bóng đá, cầu lông; hội trại thanh niên. Cùng với đó là các hoạt động phóng ngư, phóng điểu thể hiện khát vọng sinh tồn, khát vọng tự do của những người con núi rừng Yên Thế. Bên lề lễ hội năm nay còn có hội chợ kinh doanh thương mại, trưng bày sinh vật cảnh, giới thiệu ẩm thực cổ truyền phục vụ bà con nhân dân trong huyện và du khách gần xa.

Lễ hội Yên Thế 2011 đã thu hút gần chục nghìn du khách đổ về dự hội. Năm nay, Ban tổ chức dự kiến số người đổ về tham dự lễ hội độc đáo này sẽ còn tăng hơn nữa. Kết hợp các yếu tố văn hóa lịch sử cổ truyền độc đáo, văn hóa tín ngưỡng tâm linh cùng với văn hóa hiện đại, Lễ hội Yên Thế là hiện thân sinh động cho sự trường tồn của phong tục, của tinh thần thượng võ và các giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc được kế thừa qua nhiều thế hệ người dân Yên Thế xưa và nay.

Tự Cường