Trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp

- Thứ Sáu, 01/11/2019, 08:06 - Chia sẻ
Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân ngay sau khi kết thúc ngày đầu tiên phiên thảo luận tại hội trường về phát triển KT - XH, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy nhấn mạnh có nhiều nội dung muốn được chia sẻ, tuy nhiên một trong những vấn đề nổi cộm nhất được cử tri, nhân dân quan tâm thời gian qua đó là tình trạng tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên tục xảy ra, làm chết nhiều người, gây bức xúc dư luận xã hội.

Cơ chế phối hợp các cơ quan với chính quyền địa phương chưa rõ ràng

Theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy, mặc dù năm 2019 là năm có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, có nhiều ngày nghỉ ngày lễ, song tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) tiếp tục có những chuyển biến rất tích cực. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, giảm sâu nhất trong nhiều năm. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến quy định pháp luật xây dựng văn hóa giao thông được thực hiện đồng bộ, cả chiều rộng và chiều sâu với sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể, các cơ quan báo chí và cả cộng đồng mạng xã hội. Nổi bật là sự kiện đi bộ kêu gọi hành động “Đã uống rượu bia, không lái xe” với sự tham dự của hơn 10.000 người và tham gia truyền thông mạnh mẽ của các cơ quan báo chí cả nước đã tạo sức lan tỏa rất lớn, được dư luận xã hội ủng hộ, tạo dư luận đồng tình cao.


Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra lái xe thực hiện pháp luật an toàn giao thông đường bộ

Tuy nhiên, tình hình TTATGT vẫn diễn biến phức tạp, nhất là các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết, bị thương nhiều người, gây bức xúc dư luận xã hội. Theo số liệu báo cáo số 491 ngày 16.10.2019 của Chính phủ, cả nước xảy ra 17.651 vụ tai nạn giao thông, 7.758 người chết, 13.495 người bị thương. Về phương tiện gây tai nạn giao thông chủ yếu là xe mô tô 60,44%, ô tô 33,73%, phương tiện khác 5,83% và đối tượng chủ yếu gây ra tai nạn có độ tuổi từ 18 đến dưới 27 tuổi là 27,55%; từ 27 đến 55 tuổi là 54,86%.

Phó Trưởng Đoàn Mai Thị Thúy cho rằng, bên cạnh nguyên nhân mà báo cáo chỉ ra như ý thức người tham gia giao thông, tình trạng “xe dù, bến cóc” tăng mạnh… còn do cơ chế phối hợp, phân công, phân cấp, quản lý, điều hành hoạt động bảo đảm TTATGT giữa các cơ quan chức năng và với chính quyền địa phương chưa rõ ràng, còn bất cập, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong triển khai thực hiện. Đặc biệt, một số quy định về TTATGT chưa phù hợp thực tiễn nhưng chậm sửa đổi, bổ sung kịp thời; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quy định an toàn giao thông đối với các đơn vị kinh doanh vận tải chưa quyết liệt, nhất là xử lý vi phạm liên quan đến xe chở khách, xe tải nặng, tai nạn do lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy gây nên chưa nghiêm, dẫn đến coi thường pháp luật, gây bức xúc dư luận xã hội.

Rà soát quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông

Để công tác bảo đảm TTATGT trong thời gian tới hiệu quả, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Mai Thị Thúy cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông, ưu tiên các tuyến chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, có giải pháp thực hiện nghiêm quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị các thành phố lớn, quy hoạch khu dân cư. Khắc phục xử lý triệt để các điểm đen trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ…

Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt chống tiêu cực tham nhũng vặt trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe, đăng kiểm phương tiện để phòng ngừa kịp thời phát hiện sai phạm xử lý nghiêm minh các trường hợp tiêu cực, thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng vi phạm TTATGT, tai nạn giao thông để tạo lòng tin của nhân dân. Đồng thời kiểm soát việc dừng đỗ xe trái phép, tăng cường quản lý hành lang an toàn giao thông lòng đường, vỉa hè, đặc biệt đối với các trường hợp dựng rạp đám hiếu, hỉ lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Siết chặt công tác quản lý vận tải, gắn chặt trách nhiệm của chủ doanh nghiệp vận tải và có chế tài xử lý đối với chủ doanh nghiệp để lái xe vi phạm pháp luật gây tai nạn giao thông dẫn đến bị thương và chết người. Cần quy định cụ thể hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương, các lực lượng trong triển khai thực hiện công tác bảo đảm TTATGT, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT.

Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn tham gia giao thông tập trung vào những đối tượng với nội dung và hình thức phù hợp. Đơn cử, đối với trẻ em, vị thành niên cần có giải pháp phối hợp giữa gia đình và nhà trường tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức tự giác, ứng xử văn minh về văn hóa giao thông, luật giao thông. Để có văn hóa trong tham gia giao thông trước hết phải thực hiện nghiêm pháp luật khi tham gia giao thông; đồng thời có lòng nhân ái, tính cộng đồng biểu hiện qua việc nhường nhịn nhau khi đi trên đường; khi xảy ra tai nạn, va chạm thì giúp đỡ người bị nạn...

Văn hóa giao thông cần được thấm sâu vào nhận thức của mỗi người thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục thường xuyên. Do đó, cần có những giải pháp tổng thể ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Xây dựng lại cách chuẩn mực quy tắc đạo đức, văn hóa trong xã hội; gắn liền các hành vi tham gia giao thông với chuẩn mực đạo đức, văn hóa trong xã hội. Xem xét, sửa đổi bổ sung Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, sớm sửa đổi, bổ sung các quy định Nghị định 46 của Chính phủ theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa.

NHẬT ANH