Tránh tùy nghi khi thực hiện

- Thứ Ba, 07/07/2020, 11:00 - Chia sẻ
Cách đây 6 năm, khi thảo thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hộ tịch tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIII, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nhung đã nêu vấn đề: Dự luật không quy định nguyên tắc đặt tên cho con sẽ làm khó khăn cho cán bộ hộ tịch ở địa phương khi cha mẹ đặt tên cho con không thuần Việt.

Đại biểu Nguyễn Thị Nhung dẫn chứng, có những người đặt tên cho con theo tên nước ngoài hoặc tên gây mặc cảm, tên quá dài, gây phức tạp khi sử dụng. Đó là những vướng mắc ở cơ sở mà cán bộ hộ tịch đã có ý kiến khi chúng tôi đi giám sát. Vì vậy, tôi đề nghị nếu Luật Hộ tịch không quy định xác định họ, dân tộc và nguyên tắc đặt tên thì cần xây dựng một luật mới là Luật Đặt tên hoặc quy định rõ hơn trong Bộ luật Dân sự sửa đổi sắp tới... Vậy nên, khi một trong những nội dung mới trong Thông tư 04/2020 của Bộ Tư pháp có hiệu lực từ ngày 16.7 là quy định không đặt tên con quá dài, khó sử dụng khiến nhiều ý kiến lo ngại sẽ thực thi như thế nào để tránh phiền phức cho cả người dân và cán bộ thực thi?

Thực tế, những phiền toái, khó khăn của những người có tên quá dài đã xảy ra. Để khắc phục, không còn cách nào khác là phải làm thủ tục đổi tên. Thế nhưng, việc này rất phức tạp và tốn nhiều thời gian, công sức. Vậy nên, điều cần thiết khi có quy định mới về vấn đề này là phải quy định rõ, không thể chung chung là quá dài, khó sử dụng...

Phân tích cụ thể về vấn đề này trên báo chí, một giảng viên Khoa Luật hành chính nhà nước, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cho biết, trước Thông tư 04, trong dự thảo Bộ luật Dân sự 2015 cũng từng đưa ra đề xuất việc đặt tên không dài quá 25 ký tự. Đề xuất này sau đó không được đưa vào Bộ luật Dân sự. Hơn nữa, quy định hiện hành lại không giới hạn độ dài của tên hay cấm việc đặt tên xấu, tên lạ dù thực tế việc đặt họ tên quá dài có nhiều trường hợp gây khó khăn cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cả người được đặt tên. Bởi vậy, Thông tư 04/2020 đưa ra hướng dẫn việc đặt tên phù hợp, ngắn gọn, có ý nghĩa là điều cần thiết, nhưng đáng tiếc lại không quy định tiêu chí cụ thể để giới hạn ký tự của tên gọi mà lại quy định chung chung là không được đặt tên quá dài, khó sử dụng. Điều này gây khó khăn cho cả người đăng ký khai sinh và công chức làm công tác tư pháp - hộ tịch trước việc phải giải thích tên như thế nào là dài. Do vậy cần có giới hạn cụ thể về số lượng ký tự của tên để cán bộ hộ tịch và người dân dễ hiểu.

Ý kiến khác cũng cho rằng, cần có quy định cụ thể giới hạn số lượng ký tự đối đa khi đặt tên. Bởi nếu chỉ quy định không đặt tên quá dài thì cả người đăng ký khai sinh và cán bộ hộ tịch không thể ước lượng đâu là tên dài, đâu là tên ngắn...

Cách đây chưa lâu đã từng xuất hiện "phong trào" đặt tên con theo tên các diễn viên điện ảnh nổi tiếng của Hàn Quốc. Khi đó các đoàn thể, các cấp chính quyền đã phải rất vất vả giải thích cho đồng bào hiểu việc đặt tên như vậy sẽ gây khó khăn cho chính đồng bào và cả địa phương trong việc làm hồ sơ, giấy tờ tùy thân. Vậy nên, với quy định trong Thông tư 04, cần cụ thể hơn, tránh tình trạng tùy nghi khi thực hiện.

Khánh Ninh