OCOP - THĂNG HẠNG THƯƠNG HIỆU NÔNG SẢN ĐỒNG NAI

Tranh thủ nội lực, phát huy tiềm năng

- Thứ Tư, 12/08/2020, 05:20 - Chia sẻ
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Đồng Nai được khởi động từ tháng 3.2019 gồm 6 ngành hàng nhằm tạo thành bệ đỡ vững chắc cho kinh tế nông thôn. Trong báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đồng Nai tháng 7.2020 vừa qua, Đồng Nai đã xác định xây dựng Chương trình OCOP gắn chặt với xây dựng nông thôn mới và Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp nhằm phát triển ổn định, bền vững; hướng đến nông thôn giàu có, văn minh và hiện đại.

Nông sản là sản phẩm trung tâm

Tiếp nối những thành quả đã đạt được từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, để chương trình triển khai đạt được kết quả cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành Chỉ thị số 46-CT/TU về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2035” (Quyết định số 1698/QĐ-UBND ngày 5.6.2019 của UBND tỉnh), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 10877/KH-UBND để triển khai đề án.

Ca cao Đồng Nai được thăng hạng nhờ gắn sao OCOP.
Ảnh: Dân Việt

Tiếp đến UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã tổ chức hội nghị quán triệt sâu Chương trình Mỗi xã một sản phẩm một lần nữa khẳng định mục tiêu của chương trình nhằm phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của người nông dân, xây dựng mối liên kết phát triển kinh tế cộng đồng bền vững góp phần thực hiện nội dụng thứ 3 của Chương trình xây dựng nông thôn mới là: tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân, tạo nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang thương hiệu lợi thế mỗi vùng, mỗi xã giúp người nông dân giải quyết những vấn đề căn cơ trong giải pháp thực hiện giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập.

Tại hội nghị ông Ngô Tất Thắng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình OCOP Đồng Nai; đó là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của chương trình; xây dựng tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã; xây dựng hệ thống tư vấn hỗ trợ Chương trình OCOP và hệ thống sản xuất như hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất (có đăng ký kinh doanh); huy động nguồn tài chính từ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, tín dụng ngân hàng, tín dụng cộng đồng…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh đã đề nghị các sở, ngành và địa phương khẩn trương hoàn thành đề án chương trình; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì xây dựng kế hoạch và tham mưu thực hiện chương trình theo từng giai đoạn; Sở Công thương đẩy mạnh hoạt động khuyến công, hỗ trợ các tổ chức kinh tế hộ gia đình phát triển sản phẩm, công tác xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp dự kiến phân bổ kinh phí chỉ tiêu nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo kinh phí thực hiện các chương trình; các cơ quan truyền thông tăng cường giới thiệu sản phẩm, các mô hình, cách làm hay và kết quả đạt được của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trình bày kế hoạch triển khai Chương trình OCOP của tỉnh, ông Lê Văn Gọi - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, hiện toàn tỉnh Đồng Nai đã có 17 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh 2019, trong đó 2 sản phẩm đạt 4 sao và 15 sản phẩm đạt 3 sao. Căn cứ trên tình hình thực tế, giai đoạn 2021 - 2025, Đồng Nai đặt mục tiêu tăng số sản phẩm 3 sao lên trên 100 sản phẩm, 15 sản phẩm 5 sao cấp tỉnh, 8 sản phẩm đạt 5 sao cấp Quốc gia, 50 - 60 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong hệ thống OCOP, duy trì chu trình OCOP thường niên liên tục tại cấp tỉnh và cấp huyện. Hằng năm mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 2 ý tưởng sản phẩm được hỗ trợ theo Chu trình OCOP. Định hướng đến 2035, Đồng Nai đưa Chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh để phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn trong việc sản xuất hàng hóa nông nghiệp và phi nông nghiệp; xây dựng và quản lý nhãn hiệu OCOP thành thương hiệu mạnh của nông nghiệp Đồng Nai trên phạm vi cả nước và dần từng bước trên thị trường quốc tế.

Nông dân là chủ thể thụ hưởng

Dựa trên mục tiêu Đồng Nai đã đặt ra cho thấy Chương trình OCOP đã thu hút được sự quan tâm, tham gia của nhiều doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã với kỳ vọng trở thành những thương hiệu lớn cho nông sản địa phương. Theo chuyên gia tư vấn Chương trình OCOP của Trung ương, tùy theo quy định, ở cấp tỉnh mỗi năm có thể chỉ tổ chức 1 lần đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP. Nhưng tại Đồng Nai, chương trình này sẽ được tổ chức thường xuyên, có thể theo từng quý để kịp thời xem xét, đánh giá và công nhận thêm các sản phẩm OCOP mới đạt chuẩn cũng như nâng sao cho các sản phẩm OCOP đã được công nhận. Công tác đánh giá sẽ được làm chặt chẽ, đúng quy định, nhất là đặc biệt chú trọng đến tiêu chuẩn an toàn và chất lượng của sản phẩm được đánh giá.

Chị Hữu Hằng, nhân viên Công ty TNHH thương mại, sản xuất thực phẩm Sơn Lâm cho biết, “Chương trình OCOP đặt ra những những quy định nghiêm ngặt về chất lượng, quy trình sản xuất và vùng nguyên liệu, định hướng phát triển nhưng công ty chúng tôi và hầu hết các doanh nghiệp cà phê tại Đồng Nai lại rất hứng thú với các tiêu chuẩn này. Tôi cho rằng những gì khó đạt được sẽ đánh giá đúng năng lực cạnh tranh và sự nỗ lực của những doanh nghiệp sản xuất chúng tôi, thương hiệu sản phẩm OCOP sẽ là một “trang vàng” trong cuốn năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”.

Chương trình OCOP khi triển khai thực tế đã góp phần khuyến khích nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tích cực khai thác tiềm năng của các đặc sản nông thôn. Đây là cơ hội khởi nghiệp cho nông dân, hợp tác xã và nhiều doanh nghiệp nhỏ đầu tư vào nông nghiệp của Đồng Nai.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Huỳnh Thành Vinh cho biết, tại hội nghị đầu tiên Đồng Nai diễn ra vào tháng 1.2020 để đánh giá sản phẩm OCOP năm 2019, các thành viên Hội đồng Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã làm việc rất nghiêm túc. Dù kết quả đánh giá Đồng Nai chỉ có 2 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao nhưng thực tế nhiều sản phẩm 3 sao khác cũng có số điểm đánh giá của Hội đồng khá cao, có nhiều tiêu chí đạt tiêu chuẩn 4 sao cho thấy tiềm năng phát triển của thương hiệu nông sản Đồng Nai.

Trước đó, Tổ Tư vấn cũng làm việc rất chặt chẽ trong công tác tham mưu cho hội đồng nhằm bảo đảm các yêu cầu sản phẩm đạt chứng nhận OCOP phải chọn đúng sản phẩm độc đáo, đặc trưng của Đồng Nai cũng như đáp ứng được các tiêu chí đặt ra. Các doanh nghiệp, cơ sở tham gia cũng rất quan tâm đầu tư nâng sao cho các sản phẩm OCOP đã được công nhận, trong đó tập trung phát triển kênh thị trường xuất khẩu cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để nâng sao cho các sản phẩm OCOP.

Bà Hoàng Thị Kim Anh, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp An Hòa Hưng (phường An Hòa, TP Biên Hòa) chia sẻ, Chương trình OCOP của Đồng Nai khi triển khai đã phát huy tốt tinh thần OCOP - là tinh thần cộng đồng, khuyến khích, quảng bá cho những sản phẩm, đặc sản địa phương. Chính vì vậy dù hợp tác xã có nhiều dòng sản phẩm nhưng chỉ chọn sản phẩm đặc trưng, được thị trường ưa chuộng là Cao An xoa để làm sản phẩm OCOP. Từ khi đăng ký làm sản phẩm OCOP, đơn vị được tỉnh hỗ trợ tham gia nhiều chương trình kết nối, quảng bá cho sản phẩm. Đến đâu, người tiêu dùng đều biết đây là sản phẩm độc đáo của riêng Đồng Nai.

“Chương trình OCOP đã hỗ trợ rất nhiều cho hợp tác xã trong quảng bá về sản phẩm. Tôi rất coi trọng chương trình này vì OCOP hỗ trợ xây dựng thương hiệu riêng cho đặc sản địa phương vốn còn non trẻ” - bà Anh nói.

Một số doanh nghiệp tham gia Chương trình OCOP cho rằng, điểm mấu chốt để chương trình được nhân rộng đó là chính sách đồng bộ hơn từ khâu quản lý đến chế tài quản lý để chọn lọc đúng doanh nghiệp đầu tư thực sự vào lĩnh vực nông nghiệp, chú trọng vào khâu sản xuất theo hướng bền vững chứ không chỉ là kinh doanh ngắn hạn, chộp giật. Trong đó, nếu thu hút tốt các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến ngay tại các vùng nguyên liệu là một lợi thế để nhân rộng Chương trình OCOP một cách bền vững.

Cũng theo các doanh nghiệp, cơ sở đạt chứng nhận OCOP trên địa bàn Đồng Nai, tỉnh nên có đội ngũ phụ trách chuyên sâu để tư vấn, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các tiêu chí OCOP vì đây là chương trình mới. Chương trình nên triển khai đơn giản, cụ thể hơn để nông dân, doanh nghiệp dễ nắm bắt và thực hiện.

Ngoài ra, Chương trình OCOP nên có thêm chính sách hỗ trợ cho nhà cung ứng một cách chọn lọc. Ở đây, nhà cung ứng có thể là nông dân, trang trại, hợp tác xã đáp ứng tốt những điều kiện và nhất là phải vào chuỗi, qua đó khuyến khích nông dân, hợp tác xã trở thành nhà cung ứng chuyên nghiệp, bền vững để giải quyết bài toán khó là liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân dễ đứt gãy vì thiếu niềm tin lẫn nhau khi xây dựng chuỗi liên kết.

Anh Hiến