Tránh sự chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra, kiểm toán

- Thứ Ba, 08/10/2019, 14:41 - Chia sẻ
Ngày 8.10, tại thành phố Long Xuyên (An Giang), Thanh tra Chính phủ phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức Tọa đàm "Khảo sát thực trạng công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát hoạt động doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang".

Theo Thanh tra Chính phủ, thời gian qua, doanh nghiệp nhà nước đã thể hiện được vai trò quan trọng, chủ đạo trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước còn nhiều hạn chế, bất cập, hiệu quả còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư hiện có. Một số doanh nghiệp rơi vào tình trạng nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn...

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có nguyên nhân do cơ chế quản trị doanh nghiệp nhà nước chậm được đổi mới, kém hiệu quả, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai, minh bạch còn hạn chế, còn có tình trạng tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật và nhiều vụ tham nhũng lớn đã được phát hiện, xử lý trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, hiện nay, cơ chế thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam khá phức tạp, thuộc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của nhiều cơ quan khác nhau. Trong đó, Kiểm toán là cơ quan do QH thành lập nhưng không thuộc QH mà là cơ quan Hiến định với chức năng là kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công.

Tham dự Tọa đàm, các ý kiến cho rằng, một số lĩnh vực chưa được các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát nên chưa đánh giá được thực trạng và nguy cơ tiềm ẩn vi phạm pháp luật, tiêu cực, lãng phí như: Công tác thực hiện phòng, chống tham nhũng, nhất là công khai minh bạch trong sản xuất kinh doanh; việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; việc chấp hành các quy định pháp luật chuyên ngành, quy trình chuyên môn – kỹ thuật, ngành nghề hoạt động sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở đó, các ý kiến đề nghị: Chính phủ cần nghiên cứu, mở rộng phạm vi, thẩm quyền thanh tra hành chính đối với doanh nghiệp của Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh, thành phố theo hướng thanh tra doanh nghiệp có vốn nhà nước hoặc thanh tra doanh nghiệp do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ, cơ quan Kiểm toán nhà nước và các bộ, ngành xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi và đối tượng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tránh sự chồng chéo, đối tượng và nội dung thanh tra...

Theo TTXVN