Chính sách và cuộc sống

Tránh rủi ro khi “ân xá thuế”

- Thứ Tư, 11/09/2019, 08:16 - Chia sẻ
Ít nhất là từ 2014 đến nay, bình quân mỗi năm một lần, Bộ Tài chính lại đề xuất xóa nợ thuế với nhiều hình thức khác nhau, từ dự thảo nghị quyết đến dự thảo luật sửa đổi.

Thực tế là có nhiều nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến việc người nộp thuế mất khả năng trả nợ thuế và có những trường hợp thực sự cần được xóa nợ thuế, ví dụ người nộp thuế đã chết. Tuy nhiên, với mọi trường hợp nợ thuế, kể cả khi họ đã chết, thì mỗi ngày trôi qua, tiền nợ, tiền phạt chậm nộp đều nhân với lãi suất 0,03%/ngày khiến số nợ cứ phình ra. Đến cuối năm 2018, tổng số nợ thuế là 81,6 nghìn tỷ đồng. 50,7% số đó (tương đương 41,3 nghìn tỷ đồng) không có khả năng thu nữa, nhưng cơ quan thuế vẫn tốn chi phí, nhân lực theo dõi, lại còn bị cấp trên “đánh giá”. Vì vậy quyết tâm xử lý nợ thuế của Bộ Tài chính cũng dễ hiểu! Thế nhưng đề xuất xóa nợ thuế vẫn chưa được thông qua vì đối tượng xóa nợ quá rộng, chưa hợp lý.

Chính sách “ân xá thuế” sẽ một lần nữa được đưa ra bàn thảo tại Kỳ họp Quốc hội cuối năm nay. Ở thời điểm này, đây là động thái hợp lý, vì sẽ giúp lấp được một khoảng trống pháp lý. Cụ thể, Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua vào tháng 5 vừa qua đã có quy định để xử lý nợ thuế cho các đối tượng không còn khả năng nộp ngân sách nhưng chỉ áp dụng cho các trường hợp nợ thuế phát sinh kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành (1.7.2020). Thành ra, các trường hợp nợ thuế phát sinh trước ngày 1.7.2020 vẫn chưa có căn cứ để xử lý.

Và như thường lệ, trong Phiên họp 37 đang diễn ra, UBTVQH sẽ xem xét và cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Để tránh đi vào vết xe đổ, lần này Bộ Tài chính đã thay đổi cách tiếp cận theo hướng hợp lý hơn.

Thay vì đề xuất xóa cả nợ gốc và tiền phạt chậm nộp với 7 nhóm đối tượng như những lần trước thì nay Bộ Tài chính đề nghị khoanh nợ gốc và chỉ xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp - khoảng 11,8 nghìn tỷ đồng của hơn 759 nghìn đối tượng. Đây là xu hướng chung của các nước trên thế giới, họ thường miễn, giảm các khoản phí phạt và tiền lãi phát sinh do nộp thuế chậm hoặc khai gian thuế, riêng khoản thuế gốc thì vẫn phải trả. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính bổ sung các nguyên tắc xử lý nợ như bảo đảm đúng đối tượng, đúng thẩm quyền; công khai, minh bạch việc xử lý tiền thuế nợ; phòng ngừa trục lợi chính sách. Các trường hợp đã được xóa nợ nếu phát hiện việc xóa nợ không đúng quy định hoặc người nộp thuế quay lại sản xuất kinh doanh thì phải hủy quyết định xóa nợ và nộp vào ngân sách khoản nợ đã được xóa.

Tuy nhiên việc thực hiện chính sách “ân xá thuế” thường đi kèm với những rủi ro. Thẩm quyền xóa nợ được trao ở các mức tương ứng với cấp bậc lãnh đạo -  với hàng nghìn cho đến hàng vạn hồ sơ xin xóa nợ liệu họ có thể xem xét toàn diện và cẩn thận từng hồ sơ để biết chắc chắn rằng quyết định của mình là đúng đắn, phù hợp với quy định của pháp luật hay không? Nếu họ phải “dựa vào” đề xuất của đội ngũ trợ lý, giúp việc thì vô hình trung việc phân cấp thẩm quyền xóa nợ theo độ lớn của khoản nợ chỉ là hình thức mà rốt cuộc lại tùy thuộc vào đề xuất của cán bộ thuế từ cấp cơ sở - điều này có thể làm phát sinh tiêu cực, dẫn đến động cơ thương lượng và mặc cả. Để tránh những rủi ro đạo đức như vậy, nên giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán các khoản nợ thuế được xóa và bổ sung các biện pháp xử lý những vi phạm của người có thẩm quyền xóa nợ thuế.

Dù sao, việc xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cũng chỉ là giải pháp tình thế. Điều quan trọng hơn cả là ngành thuế phải thực sự hoàn thành trách nhiệm của mình trước đó, đừng để số nợ quá nhiều. Rất đáng để suy nghĩ khi mà Bộ Tài chính cho biết đã tổ chức bộ phận quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế từ Trung ương đến địa phương, đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ đọng nhưng số nợ thuế tính đến cuối năm 2018 vẫn tăng 4% so với cuối năm 2017.

Hà Lan