Điều trị ung thư bằng vaccine hệ miễn dịch HITV

Tránh nhầm lẫn giữa phòng ngừa và điều trị

- Thứ Ba, 06/08/2019, 08:22 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia, vaccine trong ung thư được nghiên cứu rất nhiều trong thời gian gần đây và điều trị ung thư bằng vaccine hệ miễn dịch HITV là một liệu pháp hứa hẹn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi về sử dụng vaccine để phòng ngừa hay điều trị, đáp ứng hay trị khỏi, vaccine còn đang nghiên cứu hay đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép sử dụng trên lâm sàng.

Vaccine tự thân

Từ tháng 3.2019, Bệnh viện Gia An 115, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tư vấn về điều trị ung thư bằng vaccine hệ miễn dịch HITV (Human initiated therapeutic vaccine) - đây là công trình của Tiến sĩ Kenichiro Hasumi - Viện Điện toán và Ung thư Tokyo (Nhật Bản). Vaccine hệ miễn dịch HITV là thành tựu đầu tiên trong việc phát triển phương pháp điều trị kết hợp giữa xạ trị và tế bào đuôi gai của Nhật Bản từ năm 2005.

Theo đó, để đạt được mục tiêu điều trị các khối u bằng phương pháp miễn dịch, các bác sĩ điều trị bắt đầu từ việc tạo cho cơ thể người bệnh các kháng nguyên ung thư, sau đó đưa các tế bào đuôi gai vào cơ thể và thúc đẩy việc sản xuất tế bào lympho T ở từng khối u. Những tế bào lympho T này đi vào máu, làm sạch máu bằng cách loại bỏ các tế bào ung thư trong máu và người bệnh sẽ khỏi bệnh. Sau khi chỉ số biểu thị khối u trong máu đã bình thường và xác nhận khối u đã biến mất hoàn toàn sẽ là giai đoạn phòng ngừa tái phát thông qua các tế bào đuôi gai.

Phòng ngừa và điều trị ung thư bằng vaccine hệ miễn dịch Nguồn: ITN

Đối với vaccine phòng ngừa, hiện nay chỉ có 2 loại vaccine ngừa ung thư cổ tử cung (ngừa virus HPV) và ngừa ung thư gan (ngừa virus viêm gan B) đã được cấp phép. Với vaccine điều trị dù rất nhiều vaccine đã được nghiên cứu nhưng đến hiện nay chỉ có duy nhất một loại vaccine được cấp phép trên toàn thế giới dùng cho ung thư tuyến tiền liệt.

Theo Tiến sĩ Kenichiro Hasumi, ưu điểm của việc điều trị bằng HITV là ít tác dụng phụ, thông qua các tế bào miễn dịch giúp ngăn ngừa khả năng tái phát của u và kéo dài thời gian tái phát bằng cách giảm thiểu số lượng khối u di căn mới. Tại Nhật Bản, từ năm 2008 đến nay đã có hơn 1.200 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này và tỷ lệ khỏi bệnh lên đến 70%. Có hai loại vaccine điều trị ung thư là loại vaccine điều trị và loại vaccine dự phòng tránh tái phát. Vaccine dự phòng chỉ sử dụng cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn 1, giai đoạn 2, đã được phẫu thuật, sau đó tiêm vaccine dự phòng này vào để bệnh nhân tránh bị tái phát. Còn với những bệnh nhân ung thư giai đoạn 4, nếu tiêm vaccine điều trị sẽ cứu sống được nhiều bệnh nhân.

Vaccine hệ miễn dịch HITV được giới thiệu là phát huy tối đa khả năng tự điều trị của cơ thể kết hợp với các phương pháp điều trị đang có sẵn như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị để đạt kết quả tối ưu nhất. Hiện vaccine HITV đã có mặt tại 42 quốc gia trên thế giới và điều trị cho hơn 22.500 người với 28 chứng bệnh ung thư như ung thư đại tràng, ung thư gan, ung thư phổi, ung thư vú, ung thư dạ dày…

Vẫn còn nhiều câu hỏi

Vaccine là thành tựu quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, tuy nhiên theo Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh Nguyễn Triệu Vũ, hiện nay có nhiều loại vaccine phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm như lao, dịch tả, thủy đậu, viêm gan siêu vi B… còn vaccine trực tiếp ngừa và điều trị bệnh ung thư chỉ mới phát triển trong thời gian gần đây và kết quả còn khiêm tốn.

Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh Phạm Xuân Dũng cũng cho hay, vaccine trong ung thư được nghiên cứu rất nhiều trong thời gian gần đây và điều trị ung thư bằng vaccine hệ miễn dịch HITV là một liệu pháp hứa hẹn. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều câu hỏi về việc sử dụng vaccine vào phòng ngừa hay điều trị ung thư, đáp ứng hay trị khỏi, còn đang nghiên cứu hay đã được cấp phép sử dụng?

Theo các chuyên gia, hiện nay, dù đã có rất nhiều tiến bộ về hiểu biết sinh học ung thư nhưng qua những nghiên cứu cho thấy, ứng dụng vaccine trên lâm sàng còn gặp rất nhiều khó khăn do việc đánh giá hiệu quả vẫn chưa rõ ràng. Các nghiên cứu vaccine hiện nay chỉ thực hiện ở bệnh nhân ung thư giai đoạn tiến xa hoặc đã thất bại với các điều trị tiêu chuẩn. Chưa kể, thực tế, vaccine điều trị, phòng ngừa tái phát có thể hiệu quả đối với ung thư này nhưng không hiệu quả với các loại ung thư khác và không có vaccine dùng cho tất cả các loại ung thư.

Trưởng khoa Ung bướu Nguyễn Triệu Vũ dẫn chứng, vaccine điều trị ung thư giống như thuốc, nghĩa là mang tính đặc hiệu, mỗi loại vaccine điều trị cho một loại ung thư cụ thể và trong một giai đoạn cụ thể, chẳng hạn sipuleucel-T chỉ dùng cho ung thư tiền liệt tuyến kháng nội tiết và có nhiều tác dụng phụ như sốt, phát ban, rối loạn tiêu hóa cho đến các phản ứng miễn dịch nặng như viêm gan, viêm phổi… Do đó, một loại vaccine giúp ngừa và điều trị các loại ung thư khác nhau ở tất cả các giai đoạn và không có tác dụng phụ là rất khó, người bệnh phải thật tỉnh táo, tránh nhầm lẫn giữa phòng ngừa và điều trị, mà cần dựa trên các chứng cứ khoa học, cũng như tham khảo thêm các bác sĩ chuyên khoa.

Hiểu Lam