Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Tránh lạm dụng huy động lực lượng dự bị động viên

- Thứ Tư, 14/08/2019, 18:02 - Chia sẻ
Chiều 14.8, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ, UBTVQH đã cho ý kiến về một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều khiển Phiên họp chiều 14.8 
Ảnh: Quang Khánh

Trình bày Báo cáo một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, Pháp lệnh Lực lượng dự bị động viên quy định, lực lượng này được huy động trong các trường hợp để bổ sung cho lực lượng thường trực của quân đội khi có lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ và trong chiến tranh; tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội khi có nhu cầu chiến đấu để bảo vệ địa phương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà chưa đến mức phải động viên cục bộ. Qua tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề nghị mở rộng áp dụng với các trường hợp gồm: khi có chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; khi thi hành lệnh thiết quân luật, lệnh giới nghiêm;  khi có tình hình đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức phải ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; để phòng chống, khắc phục thảm họa thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm hoặc giải quyết hậu quả chiến tranh (Điều 25, dự thảo Luật).

Theo Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh, việc huy động động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên là để bàn giao cho đơn vị thường trực của Quân đội nhân dân. Trong khi đó, theo quy định của Luật Quốc phòng, Quân đội nhân dân được bổ sung lực lượng trong trường hợp có chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng. Khi thi hành lệnh thiết quân luật, đơn vị quân đội thực hiện việc quản lý nhà nước ở địa phương và được áp dụng biện pháp huy động người, phương tiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Giới nghiêm là trường hợp có tình hình đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức phải ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tuy được coi là một tình huống an ninh, trật tự, an toàn xã hội thuộc chức năng giải quyết của lực lượng Công an nhân dân. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quốc phòng, Quân đội nhân dân có trách nhiệm phối hợp với Công an nhân dân để thực hiện nhiệm vụ của Công an nhân dân. Thực tiễn xử lý những tình huống nêu trên cần có sự phối hợp và Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đã phối hợp xử lý tốt các tình huống nêu trên. Ngoài ra, theo Luật Quốc phòng thì phòng, chống, khắc phục thảm họa thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm hoặc giải quyết hậu quả chiến tranh cũng là một trong những trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang.

Do vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề nghị quy định mở rộng trường hợp huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên tại dự thảo Luật để phù hợp với quy định của Luật Quốc phòng, cũng như tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên trong các tình huống.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung nhấn mạnh, huy động phương tiện kỹ thuật dự bị động viên thực chất là Nhà nước trưng dụng tài sản của công dân, tổ chức. Vấn đề trưng dụng tài sản đang được điều chỉnh bởi Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2018. Tuy nhiên, quy định về việc huy động phương tiện kỹ thuật dự bị động viên trong dự thảo Luật không có quy định nào xác định rõ thực hiện trong trường hợp này là sử dụng tài sản theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.

Cũng theo bà Dung, một số quy định trong dự thảo Luật khác với quy định tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản. Cụ thể, khoản 1, Điều 5 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản quy định, tiến hành trưng mua, trưng dụng tài sản khi đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về tình trạng khẩn cấp. Song, khoản 1, Điều 24 dự thảo Luật lại quy định tiến hành huy động lực lượng dự bị động viên trong trường hợp có chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng. Bà Dung lưu ý, trong hệ thống pháp luật hiện nay chỉ có quy định về trường hợp “tình trạng chiến tranh” (khoản 9, Điều 2 Luật Quốc phòng), không có quy định về trường hợp “có chiến tranh”. Hơn nữa, chỉ khi có tuyên bố của cấp có thẩm quyền mới xác định đất nước có chiến tranh, không đơn thuần chỉ cần có xung đột về quân sự là đã có chiến tranh.

Tuy nhiên, đại diện Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho biết, quy định tại khoản 1, Điều 24 dự thảo Luật được đưa ra xuất phát từ thực tế, đáp ứng đòi hỏi thực tế cần huy động ngay lực lượng dự bị động viên. Hiện nay, ở mỗi huyện có một đại đội và mỗi tỉnh có một tiểu đoàn dự bị động viên để làm nhiệm vụ khẩn cấp. Các đơn vị dự bị động viên này được huy động để phối hợp với Công an nhân dân giải quyết tình hình đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức phải ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng hoặc để phòng chống, khắc phục thảm họa thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm.

Về nội dung này, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cho rằng, việc huy động lực lượng dự bị động viên phải phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể, cũng như thống nhất với các quy định của Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ. Phó Chủ tịch QH cũng lưu ý, cần có cơ chế huy động lực lượng này trong các trường hợp cụ thể, tránh lạm dụng, sử dụng không đúng.

Phương Thủy