Tránh hứa rồi không làm được!

- Thứ Hai, 11/05/2020, 17:20 - Chia sẻ
Từ kinh nghiệm cá nhân, ĐBQH PHÙNG KHẮC ĐĂNG (Sơn La) cho rằng, dù địa bàn ứng cử viên được phân bổ chưa đến đấy bao giờ nhưng phải chủ động tìm hiểu địa phương đó, từ kinh tế, văn hóa đến tập tục đời sống của cử tri và nhân dân. Và quan trọng nhất, mỗi ứng cử viên phải có được chương trình hành động phù hợp với khả năng của ứng cử viên chứ không phải là những lời hứa hão, hứa không làm được sẽ khiến cử tri chán ngắt.

Phản ánh đúng tình hình thực tế

- Trong danh sách 197 ứng cử viên ở khối Trung ương được thông qua tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba để bầu ĐBQH Khóa XIV, có 192 người được cử tri nơi công tác tín nhiệm 100% và 5 người được cử tri nơi công tác tín nhiệm 97,6% đến 99,3%. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?

 Quan trọng nhất, chương trình hành động đó phải phù hợp với khả năng của ứng cử viên chứ không phải là những lời hứa hão, hứa không làm được khiến cử tri mất niềm tin.

- Điều đầu tiên có thể khẳng định, 197 ứng cử viên ở khối Trung ương được thông qua tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba để bầu ĐBQH Khóa XIV đều là những người xứng đáng cả về phẩm chất đạo đức và năng lực; đồng thời, là cơ sở để bảo đảm đủ số lượng và chất lượng ĐBQH chuyên trách cho nhiệm kỳ QH Khóa XIV. Nhìn vào kết quả tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi công tác và nơi cư trú đối với những người ứng cử ĐBQH Khóa XIV cho thấy, mỗi ứng cử viên đều thực sự là những người gắn bó với quần chúng nhân dân và nơi sinh sống; thể hiện được sự gương mẫu cũng như cầu thị tại nơi sinh sống nên đã được cử tri và nhân dân ở địa bàn rất ủng hộ. Mặt khác, trong các lĩnh vực mà mỗi ứng cử viên hoạt động trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ cũng đã có những đóng góp nhất định, và chính những đóng góp này đã được đồng nghiệp và xã hội thừa nhận. Cho nên, việc trong 197 ứng cử viên có đến 192 người được cử tri nơi công tác tín nhiệm 100%, 5 người được cử tri nơi công tác tín nhiệm 97,6% đến 99,3% đã phản ánh đúng với tình hình thực tế.


ĐBQH Phùng Khắc Đăng thảo luận tại hội trường Ảnh: Vũ Quang

Được phân bổ ở đâu cũng không quan trọng

- Sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đã nhấn mạnh: trong thời gian tới để chuẩn bị phân bổ trên địa bàn, các đơn vị bầu cử phải bảo đảm đúng tiêu chí: giữ vững ổn định; không tập trung các lãnh đạo cao cấp một chỗ; phân bố đồng đều các Ủy viên Trung ương Đảng,  lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Theo ông, làm sao để bảo đảm sự công bằng trong phân bổ ứng cử viên về các đơn vị ứng cử?

- Theo tôi biết, với những cá nhân tham gia ứng cử ĐBQH lần đầu sẽ được quyền đề đạt 3 nguyện vọng về 3 địa phương mà họ lựa chọn. Và chắc chắn trong quá trình này, mỗi cá nhân ứng cử viên sẽ lựa chọn những địa phương nơi họ đã có những năm tháng công tác, và được cấp ủy chính quyền địa phương, cũng như nhân dân biết đến. Nhưng thực tế có được như nguyện vọng hay không còn phải căn cứ từ sự phân công ở Trung ương dựa vào tình hình thực tế ở các địa bàn bầu cử. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, việc phân bổ đồng đều 197 ứng cử viên về tất cả các tỉnh, thành phố để bầu cử là khâu rất quan trọng song cũng rất khó. Chính vì vậy, để công bằng trong phân bổ ứng cử viên Trung ương trước hết phải bảo đảm các nguyên tắc đã được quy định trong pháp luật về bầu cử. Thứ hai, mỗi cá nhân ứng cử viên cần xác định, đã là ứng cử viên ĐBQH, tức là muốn trở thành người đại diện cho cử tri và nhân dân thì dù được phân bổ ở đâu cũng không quan trọng, mà cái quan trọng là thực hiện trách nhiệm với cử tri và nhân dân địa bàn đó ra sao.

- Mỗi ứng cử viên sau khi được phân bổ sẽ có khoảng thời gian khá dài để vận động cử tri bầu cho mình. Từ kinh nghiệm là ứng cử viên Trung ương được phân bổ về địa phương, ông cho rằng đâu là điều quan trọng nhất?

- Thứ nhất, dù địa bàn ứng cử viên được phân bổ chưa đến đấy bao giờ nhưng phải chủ động tìm hiểu địa phương đó, từ kinh tế, văn hóa đến tập tục đời sống của cử tri và nhân dân như thế nào. Ví dụ như vùng miền núi phải tìm hiểu có bao nhiêu dân tộc sinh sống, cái khó khăn, nguyện vọng của họ là gì? Thứ hai, trong quá trình vận động cử tri, ứng cử viên cần đưa ra được một chương trình hành động cụ thể, thiết thực, được cử tri chấp nhận và tin tưởng vào chương trình hành động đó thì mới quan trọng. Và quan trọng nhất, chương trình hành động đó phải phù hợp với khả năng của ứng cử viên chứ không phải là những lời hứa hão, hứa không làm được khiến cử tri mất niềm tin.

- Xin cảm ơn ông!

Trung Thành thực hiện