Chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 1

Tránh dùng tư duy cũ cản trở sáng tạo

- Thứ Bảy, 12/09/2020, 05:03 - Chia sẻ
Lớp học vui hơn, học sinh hứng thú hơn và giáo viên phải sáng tạo hơn là nhận xét của nhiều giáo viên, học sinh sau tuần đầu tiên dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1. Để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) Nguyễn Hữu Độ lưu ý tránh dùng tư duy và hiểu biết cũ để làm cản trở những đổi mới, sáng tạo tích cực của giáo viên.

Giáo viên, học sinh hào hứng

Trong tuần đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh lớp 1A, Trường Tiểu học Đông La (huyện Đông Hưng, Thái Bình) được cô giáo chủ nhiệm Đặng Thị Thu Lan hướng dẫn làm quen với các chữ cái thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động giáo dục. Cô Lan viết lên bảng các chữ cái để học sinh nhận diện, đọc theo. Sau đó cô cho các em chơi trò tìm chữ cái trong tranh; thảo luận theo nhóm để các em cùng nhau tìm câu trả lời rồi lên bảng trình bày trước cả lớp và bạn ở dưới nhận xét đúng - sai... Lớp có 33 em, tất cả đều hào hứng tham gia các hoạt động do cô giáo hướng dẫn, khác hẳn không khí của lớp học truyền thống - học sinh ngồi khoanh tay, im phăng phắc nhìn lên bục giảng. Lớp học cứ thế diễn ra rất tự nhiên, giáo viên linh hoạt với bài học của mình và hoàn toàn làm chủ được tiết dạy.

Có 20 năm kinh nghiệm dạy học và thường xuyên chủ nhiệm lớp 1, cô Đặng Thị Thu Lan cho biết, để dạy được học sinh từ chỗ “học xong biết cái gì” sang “học xong biết làm gì” theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, bản thân cô và đồng nghiệp phải thay đổi nhiều. “Qua những buổi dạy đầu tiên, tôi thấy học sinh rất vui vẻ, thích thú học tập. Chương trình có nhiều ưu điểm, đó là giúp các em chủ động, tích cực học tập, tự nắm bắt kiến thức từ đó ghi nhớ bài học tốt hơn. Các hoạt động giáo dục cũng giúp các em được phát triển năng lực, phẩm chất của bản thân, biết liên hệ và vận dụng kiến thức học được vào thực tế cuộc sống”, cô Lan nói.

Cô giáo Chu Minh Thảo, Trường Tiểu học Thực nghiệm Victory (Hà Nội) cũng cho rằng cốt lõi của chương trình giáo dục phổ thông mới nằm ở phương pháp giảng dạy. Thay vì là "người nói" như trước,  giờ giáo viên sẽ là "người nghe" các em nói và làm. Vì thế, các em rất hào hứng tự khám phá kiến thức, làm quen với bạn và tự tin giao tiếp, phát biểu ý kiến.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 năm nay các trường không có thời gian chuẩn bị, rèn lại nền nếp cho học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 1. Cô Đỗ Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mai Dịch (Hà Nội) cho biết, năm nay khó khăn nhân lên gấp đôi vì giáo viên không có điều kiện chuẩn bị nền nếp cho học sinh lớp 1, lại phải sử dụng sách giáo khoa mới. "Nhà trường đã họp trực tuyến với phụ huynh để cùng nhau chuẩn bị sách vở, nền nếp học tập cho các con. Trong tuần học đầu tiên, các thầy cô đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ để các em đến trường vui vẻ, không áp lực học tập”, cô Mai chia sẻ.

“Lần đổi mới này bài bản nhất"

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình Nguyễn Viết Hiển, thực tế triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới cho thấy “lần đổi mới này bài bản nhất so với các lần trước”. Cứ mỗi tuần, các tổ chuyên môn lớp 1 của các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đều sinh hoạt, trao đổi chuyên đề, dự giờ liên trường để chia sẻ, rút kinh nghiệm. Giáo viên lớp 2 cũng tham gia các hoạt động này để tìm hiểu, làm quen để sẵn sàng thực hiện trong năm học tới. 

Học sinh hứng thú với các hoạt động của lớp học

Từ thực tế khảo sát công tác giảng dạy chương trình mới ở các địa phương, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay bước đầu các địa phương đã đặc biệt quan tâm đến việc chuẩn bị đội ngũ, cơ sở vật chất cho lớp 1. Các nhà trường, giáo viên cũng có nhiều cố gắng, nỗ lực để thay đổi, đáp ứng các yêu cầu mới. “Nghị quyết Trung ương số 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo chú trọng đổi mới tư duy, trong đó nhấn mạnh việc chuyển từ thế mạnh phát triển quy mô sang chú trọng phát triển chất lượng. Việc này khẳng định chúng ta phải xây dựng nền giáo dục chất lượng”. Đồng thời, do chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều đổi mới so với chương trình hiện hành nên trong công tác thanh tra, kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng lưu ý phải chọn những người hiểu về chương trình mới để có nhận định đúng đắn, tránh dùng tư duy và hiểu biết cũ để làm cản trở những đổi mới, sáng tạo tích cực của giáo viên, cơ sở giáo dục phổ thông.

Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Thanh Hóa Trần Văn Hòa cho rằng, các nhà trường cần quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa, coi việc thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới là cơ sở để đánh giá năng lực của hiệu trưởng. “Lớp 1 là nền tảng, nếu nền không xong, tảng không vững thì xây ngôi nhà giáo dục được vài lớp là sụp đổ. Do vậy, trận này là phải thắng… Đây là việc rất khó nhưng bắt buộc chúng ta phải đổi mới tích cực, không có con đường lùi để hơn 10 năm nữa chúng ta có một thế hệ học sinh đáp ứng yêu cầu 4.0”, ông Hòa nhấn mạnh.

Khải Minh