Trăng khuyết (Phần cuối)<br><i>Truyện ngắn của</i> Đàm Huy Đông

- Thứ Năm, 25/12/2014, 08:41 - Chia sẻ

>> Trăng khuyết (Phần 1)

3. Quê cháu ở đâu? Xa thế cơ à. Bố mẹ làm gì. À, nhà chỉ có hai mẹ con. Hiểu, hiểu rồi. Long đọc được trong ánh mắt trong cái nhếch mép và trong điệu gật đầu của bố Liên sự coi thường. Luôn bị chế giễu, khinh thường, cái linh cảm ấy của Long nhạy hơn ai hết. Từ chiều, lúc bọn cái Hà cái Nhung líu tíu giới thiệu vừa trêu đùa vừa thật: Con rể đâu, chào bố mẹ vợ chưa, hôm nay đến nhà nhạc phụ phải thể hiện điều gì đi chứ, Long đã thấy sự không đồng tình của bố Liên. Ông khẽ nhíu mày, mặt khó đăm đăm: Tí tuổi, lo học hành tử tế, yêu đương gì. Bọn con gái lờ mờ nhận ra, không muốn cuộc vui bị hỏng, khéo léo mồm miệng khỏa lấp. Liên tỏ ra mọi thứ an bình. Long cũng cố gượng để cười, nói cho bớt xấu hổ, sượng sùng.


Minh họa của Thúy Hằng

 Mai cưới chị của Huyền, cả bọn nhân thể làm một chuyến đi chơi. Gần hai chục đứa, cả gái lẫn trai, chở nhau bằng xe đạp từ thị xã về, tập kết ở nhà Liên, ăn cơm chiều, tối mới rủ nhau sang đám cưới. Đang đi, chợt nhớ là quên mất quà mừng, cả bọn đi trước, bắt Long chở Liên quay lại lấy. Hôm ấy, trăng cũng sáng. Long đứng chờ ngoài ngõ và nghe thấy rõ từng chữ, từng câu bố nói với Liên, mà hình như ông ấy cố tình nói thật to cho Long nghe thấy.

“Chị liệu cái thân chị. Tưởng thế nào hóa ra đâm đầu vào cái thằng con hoang, thằng không có bố”.

Hai đứa chở nhau đi trong đêm. Long im lặng, cảm giác tủi nhục và buồn, cảm giác bị xúc phạm đè nặng trong lòng. Liên gục đầu vào lưng áo Long, không nói gì. Trăng nhòe nhoẹt.

“Thằng con hoang, thằng không có bố”, những từ ấy không phải lần đầu tiên Long nghe, nó như những vòng sóng cứ lan, lan rộng mãi trong vũng đời Long.

Cái xe đạp bất ngờ lao phịch xuống ổ gà. Thiếu chút nữa thì cả hai ngã bổ xuống đường.

Chút nữa thì toi mạng. Long nói khẽ.

Anh có cùng em đi qua những trắc trở khó khăn không? Nàng nghĩ thế nhưng nàng không nói thế, nàng chỉ bảo. Cẩn thận một chút nào.

***

- Mình chia tay. Long cương quyết gỡ tay Liên ra, đứng dậy.

- Em có lỗi gì?

- Long nhìn vào mặt hồ nước đang in hình mấy ngọn đèn lờ mờ: Không.

- Nào. Nói đi. Em có lỗi gì? Anh bảo là anh yêu em. Yêu em mà mới có một chút khó khăn thế đã nản.

- Không có lỗi gì. Chỉ vì anh không xứng đáng với em.

- Em không chấp nhận. Anh nói đi. Nếu anh nói anh không yêu em nữa thì chia tay. Nói đi. Anh không thể nói thế đúng không? Liên ôm chặt lấy Long, dụi mái tóc dài vào ngực. Long gỡ tay Liên.

- Anh không còn yêu em nữa. Về đi.

Chia tay.

Liên níu kéo. Long cương quyết.

Liên có người yêu mới sau đó một thời gian. Một chàng công tử trong thị xã mê Liên, vẫn đeo đuổi Liên từ trước. Liên bắt đầu có một đời sống khác. Ăn diện. Dùng những món đồ đắt tiền và thêm chút bất cần hợp mốt. Có lần, Long lóc cóc đạp xe từ thư viện tỉnh về gặp Liên ngồi sau xe máy người yêu. Hai người chẳng biết cố tình hay vô cớá lượn lờ trước mũi Long. Liên ngồi sau ôm người yêu thật chặt như đôi sam, lại còn vươn cổ ngoái đầu hôn nhau giữa phố. Long đau thắt cả tim. Yêu Liên, Long mới dám hôn những cái hôn rất nhẹ. Mặt Long đỏ bừng. Nỗi buồn đau tủi nhục mang từ lúc sơ sinh lại giày vò anh.

Có lần Hà, bạn cùng lớp, nói với Long: Tại ông cái Liên mới thế. Nó bảo ông hèn lắm, rất hèn. Thực ra nó yêu ông.

 Long nhếch môi. Im lặng. Cuộc đời ném vào Long nhiều đá, làm nên một Long cứng cỏi, chai lỳ.

Liên bị người yêu đá. Người yêu Liên cặp với cô bé hoa khôi khóa dưới. Rồi lại thấy Liên cặp với một anh chàng khác, một anh khác nữa vào thời gian sau.

Ra trường.

Long mất hai năm đi dạy hợp đồng lay lắt. Không có cơ chạy vào biên chế, Long bỏ nghề, đi làm thuê cho ông anh họ nơi xa tít mù khơi.

Ra trường.

Được mấy tháng thì Liên lấy chồng.

Long không biết Liên lấy chồng. Mà cũng không cần biết. Nhưng Tuấn gọi điện báo tin. Tuấn không học cùng lớp với Long và Liên. Tuấn học khoa Giáo dục Tiểu học. Năm thứ ba, Tuấn ở cùng phòng với Long trong ký túc xá, thằng giường trên, thằng giường dưới. Là người cùng huyện với Liên, cũng lào phào biết chuyện Long và Liên có thời gian yêu nhau. Tuấn gọi cho Long qua số điện thoại nhà chú Hào hàng xóm, hẹn Long có về dự cưới thì ghé qua chơi.

4. Đêm khuya. Long mở cửa sổ. Nhả khói thuốc mịt mù. Anh nhìn đăm đăm xuống mảnh vườn nhỏ xinh xắn phía sau nhà. Hình ảnh người đàn bà điên và đứa trẻ lởn vởn trong đầu.

- Ngủ đi ông. Tuấn nói.

Dựa lưng vào cửa sổ, Long quay lại. Tuấn đã cởi quần áo dài, sửa soạn chiếu giường.

- Ông có hay gặp Liên không?

- Liên. Tuấn hỏi lại sau một thoáng ngập ngừng.

- Ừ, bồ cũ của tôi. Long cố tình khôi hài để giấu Tuấn cảm giác của anh.

- Nó hỏng rồi.

- Sao? Long phun khói phù phù qua chấn song cửa sổ. Khu vườn nhỏ thoang thoảng mùi hoa Mộc lạc mùa.

- Nó lấy chồng về xã bên này, ngay thôn trên kia kìa. Nhà chồng nó giàu nhất xã. Có cả mấy cái tàu, lại cai thầu mấy bãi cát. Ai cũng tưởng nó sướng. Nhưng số nó không được sướng, thằng chồng vũ phu, đánh vợ như đập mẹt. Chẳng biết vì bị đánh vào đầu hay nghĩ ngợi nhiều quá, hay cả hai thứ kết hợp mà nó bị tâm thần.

- Tâm thần.

- Ừ, nó mắc chứng quái gì ấy nhỉ, quên rồi, chỉ biết nay nó nhận là người này, mai nó nhận là người kia, à có phải chứng đa nhân cách không. Bây giờ, nó đi lang thang khắp nơi, hát hò huyên thuyên, hứng lên nó lao ào xuống sông ngụp lặn. Nó bơi giỏi kinh khủng. Mà rất lành, toàn chơi với trẻ con thôi.

- Có phải… Mặt Long nhợt nhạt. Có phải… Thế Phượng với Liên…

- Thì chính cái Liên đấy chứ còn ai. Cái Liên, nhưng nó tự nhận là Phượng. Phượng là đứa bạn học cùng lớp nó ngày bé, bây giờ là vợ của chồng nó ngày trước. Nó tự nhận mình là Phượng. Rồi người ta quên mất hẳn tên Liên, người ta gọi nó là Phượng điên.

Trời ơi. Đầu óc Long quay cuồng. Sao ra nông nỗi ấy.

Mắc chứng tâm thần. Liên bị nhà chồng dắt về trao trả. Liên ngơ ngơ ngẩn ngẩn, lang thang, hát hò. Tâm thần, nhưng vẫn sạch sẽ, vẫn phì nhiêu màu mỡ. Suốt ngày bêu nắng gió mà da vẫn trắng, tóc vẫn suôn dài, rưng rức đen. Thế nên Liên có thai cũng không lạ. Lúc người nhà phát hiện, cái thai đã to. Phá không phá được. Liên đẻ ra một thằng bé. Mập mạp. Kháu khỉnh. Đẻ được hơn tuần, hai mẹ con đã bế nhau ra ngoài đường phơi nắng, phơi sương. Như con nhà khác không sưng phổi cũng sưng hầu. Nhưng lạ, thằng bé chẳng làm sao hết, ăn phàm phạp, lớn như ngô như ngỗng.

Hơn tuổi đã đi ton ton. Người ta bảo cái giống cỏ dại nó vẫn khỏe như thế. Nhưng cũng lại chả hiểu sao, một hôm thằng bé không thở nữa. Đi vèo. Liên vật vã khóc, gào, ôm khư khư cái xác hài nhi, phải còng tay, trói chân nó lại mới mang con nó đi chôn được. Từ đấy, trong những cơn tâm thần có thêm đoạn gào khóc, đòi con.

Long bất động nhìn qua cửa sổ. Toàn thân anh tê cứng, ruột gan quặn thắt.

- Thôi, đừng nghĩ ngợi nhiều. Người ta có số, chẳng trách ai được. Bây giờ nó ở với đứa em gái, cũng bỏ chồng. Rất tài nhé. Con em gái nó bảo gì cái Liên cũng nghe ngay lập tức. Mà nghĩ cho cùng điên cũng có cái sướng của điên. Như mình nhiều lúc muốn điên mà chẳng được.

5. Mỗi lần gió ào qua, những chiếc lá sấu vàng lại rào rào rụng xuống. Một thảm vàng. Ngồi cà phê cóc ven đường, Long thẫn thờ hết nhìn dòng người ngược xuôi trên phố, lại nhìn hàng ngàn chiếc lá vàng ngơ ngác bay bay rồi rào rào thả cái lưng cong xuống vỉa hè. Lại thêm một chủ nhật ơ hờ.

Anh và Tuấn đã bỏ cả ngày chủ nhật hôm sau để tìm Liên. Nhưng không gặp. Cô em gái Liên méo mó cười, nhận gói quà Long mua cho đứa trẻ, nói đêm qua chị ấy đi ngủ từ chập tối trong gian buồng dưới kia, sáng nay từ lúc tinh mơ đã không thấy mặt. Long liếc qua căn nhà tồi tàn, trống trải, tối và ẩm thấp, trên tường dán mấy tờ lịch có hình mấy cô gái tươi cười và không quên lấp ló cái phần nhạy cảm. Từ chối lời mời ngồi uống nước. Tuấn chở Long đi xuống chợ Hà, ngược vào đình Cả ra gốc đa còng, những nơi Liên hay lang thang hàng ngày. Không ai biết. Ai cũng ngơ ngác, lắc đầu. Không hiểu nổi, tại sao có ông khách lạ đi cùng anh thầy giáo tìm một con điên. Rồi có chị hàng thịt bỗng như nhớ ra điều gì vỗ trán á lên, nói chõ sang với chị bạn đồng nghiệp đang băm xương phàm phạp. Á à, có khi tay này là tay chọc tiết con Liên ngày trước.

Lúc ấy thì Liên đang ở bờ sông chỗ đêm qua Long ngồi. Liên hái mấy bông hoa cỏ cài vào tóc. Cởi hết quần áo. Cười. Hát. Rồi cứ thế lội xuống sông. Sao anh lại ngỏ lời vào một đêm trăng khuyết, để bây giờ thầm tiếc một vầng trăng… Tiếng hát lút chìm vào sóng nước.

Có những thứ chìm chẳng phải vì quá nặng.