Cà phê phin

Trăn trở về “tiềm năng du lịch”

- Chủ Nhật, 19/05/2019, 07:49 - Chia sẻ
Những trăn trở về “tiềm năng du lịch”, nhân dịp vịnh Maya của Thái Lan phải đóng cửa, cấm khách du lịch để phục hồi hệ sinh thái...

Việt Nam ta có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp. Từ Sa Pa, Hải Phòng cho đến Cam Ranh, Đà Nẵng, Hội An, Vũng Tàu, Phú Quốc..., đâu đâu cũng phát triển du lịch, xem nó như là ngành công nghiệp dễ khai thác nhất.

Cũng như, có rất nhiều bạn ham thích du lịch, có bạn thậm chí “sùng bái du lịch”. Cộng đồng “thức dậy ở một nơi xa” hay “Bi- tít, đi để trở về”. Điều này là dễ hiểu khi mà văn hóa tiêu dùng ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á đang phát triển dần. Có nhiều người khẳng định rằng du lịch là ngành công nghiệp “bền vững” nhất. Các đánh giá này tràn ngập trên khắp các diễn đàn, từ diễn đàn kinh tế, văn hóa. Đó là đánh giá theo tôi còn thiên kiến.

Trên thực tế, du lịch còn được coi là ngành công nghiệp “độc hại” nếu phát triển lệch lạc, mất cân đối bởi nó làm gia tăng sự lệ thuộc của các vùng lãnh thổ, dẫn tới phát triển lệch lạc giữa các vùng miền. Ngoài ra, sự lệ thuộc về kinh tế cũng là một vấn đề lớn, du lịch dẫn tới phát triển không đồng đều các ngành công nghiệp ở địa phương. Tất nhiên, có thế mạnh du lịch thì phải khai thác. Nhưng cũng giống như bất cứ tài nguyên thiên nhiên nào, bào mãi thì nó cũng hết, tận thu thì nó cạn kiệt.
Chính vì thế việc khai thác phải có chừng mực trong sự phát triển hài hòa, bền vững chứ không phải tăng trưởng bằng mọi giá.


Cầu Vàng (Đà Nẵng) quá tải khách du lịch dịp 30.4 vừa qua

Phát triển kinh tế là mục tiêu hàng đầu, tuy nhiên sự “bền vững” về bản chất phải là một trạng thái được duy trì ở một mức độ ổn định và hạn chế các mất mát không thể phục hồi. Đó là lý do vì sao khi khai thác, người ta vẫn phải tính đến cái khả năng để cái vốn tài nguyên nó hồi lại; giữ gìn nó cho thế hệ mai sau.

Nếu chỉ nhìn làm du lịch tốt, làm bà con nhân dân ở các vùng đó giàu lên thìn đánh giá này còn phiến diện. Sự “giàu lên” ấy, trên một nền tảng không bền vững thì còn là nền kinh tế “lệ thuộc”. Ta không thể chỉ dựa vào sự phát triển của văn hóa tiêu dùng để mà đánh giá “giàu” hay “nghèo”. Để biết giàu - nghèo thế nào, chúng ta phải đánh giá vào cái TÀI SẢN mà chủ thể đó sở hữu, chứ không phải là CHI TIÊU nhiều hay ít.

Ở tất cả các thành phố du lịch ở Việt Nam, tài sản thực có của cộng đồng còn là vốn văn hóa, là bản sắc. Nó vốn có của cảnh quan tự nhiên, sông, núi, biển hồ. Nhìn vào những tài sản này, chúng ta thấy người dân đang có cơ hội giàu lên khi phát triển mạnh mẽ du lịch.

Nếu chúng ta có văn hóa hay, có bản sắc đẹp, lại có cảnh quan tự nhiên ưu đãi, thì hẳn nhiên chúng ta có nhiều cơ hội khai thác làm giàu. Nhưng rõ ràng, cần có chừng mực là để không phá hỏng cảnh quan, tài sản vốn có, phá hỏng cái văn hóa, cái bản sắc mà chúng ta giữ gìn qua nhiều thế hệ. Muốn du lịch lâu bền thì phải giữ cho cái vốn của mình nó không mất đi mà còn tăng lên bằng cách đầu tư và bảo vệ nó - cái vốn quý bản sắc văn hóa, thắng cảnh tự nhiên của chúng ta.

Sùng bái du lịch, sùng bái văn hóa tiêu dùng, hay say mê với phát triển kinh tế. Tất cả những điều đó đều tốt, nhưng nó nên có chừng mực. Sùng bái cái gì quá cũng gây nên “lệ thuộc”. Mà khi đã lệ thuộc rồi thì giàu hay nghèo không do bản thân chúng ta quyết nữa. Phát triển du lịch bền vững, giữ gìn môi trường, hài hòa trong phát triển vùng miền, trong phát triển kinh tế mới là bài toán căn cơ.

KTS Lê Quang (từ Berlin)