Góc nhìn

Trám lỗ hổng trong chống dịch

- Thứ Tư, 25/03/2020, 08:16 - Chia sẻ
Ca nhiễm thứ 100 trở về từ vùng dịch Malaysia. Dù được hướng dẫn cách ly tại nhà, nhưng trong suốt 2 tuần, bệnh nhân nam 55 tuổi này vẫn đi lễ, tới 5 lần/ngày tại thánh đường, khiến TP Hồ Chí Minh phải cách ly tới 725 người. Ca nhiễm thứ 123 cũng về từ Malaysia; dù là ca đầu tiên tại Bến Tre mắc Covid-19 nhưng khiến địa phương phải ra quyết định cách ly gần 1.600 người mà nữ bệnh nhân 18 tuổi này tiếp xúc hoặc người tiếp xúc gần có tiếp xúc. Trước đó, Bà Rịa - Vũng Tàu “vạ lây” bởi cặp vợ chồng đi về từ vùng dịch đang trong thời hạn cách ly tại nhà ở tỉnh Hà Nam vẫn hồn nhiên ra sân bay Nội Bài (Hà Nội) để bay vào TP Hồ Chí Minh, rồi di chuyển đến TP Bà Rịa…

Đó chỉ là những trường hợp nổi cộm trong rất nhiều trường hợp khai báo gian dối, trốn, né hoặc không tuân thủ quy định cách ly, khiến cuộc chiến phòng chống Covid-19 ngày càng gian nan và tốn công sức hơn. Trước đó, ca nhiễm số 17 hay 34 vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều người. Thêm một ca nhiễm, lại thêm một núi công việc và chồng chất lo âu liên quan đến nguồn lây mới ở tất cả những nơi họ đi qua. Vài cá nhân không tuân thủ các nguyên tắc phòng chống dịch đã gây ra hậu quả nặng nề cho cộng đồng và gây áp lực lên ngành y tế: Hàng trăm cán bộ ban, ngành, chiến sĩ công an, nhân viên y tế vất vả truy tìm những người tiếp xúc gần; hàng nghìn người cùng chuyến bay, người tiếp xúc gần bị cách ly; hàng trăm nhân viên y tế phải phục vụ những người bị cách ly…

Không ngẫu nhiên mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiên quyết đóng cửa các dịch vụ không cần thiết, yêu cầu các cơ sở thờ tự không tụ tập đông người... trong khi tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp không cách ly, không khai báo, thậm chí xử lý hình sự đối với những trường hợp “gây hậu quả”. Không ai mong muốn mình nhiễm, cũng chẳng ai thích gieo rắc điều đó cho người khác, nhưng chỉ vì chủ quan, ngại sinh hoạt trong môi trường lạ, ngại ngồi yên trong thời gian 2 tuần, ngại xa rời người thân… mà một vài cá nhân có thể khiến cả cộng đồng phải trả giá rất đắt.

Tại một số quốc gia, việc công dân trốn tránh cách ly, không khai báo y tế và dẫn đến lây bệnh truyền nhiễm này đã bị xử phạt rất nặng. Theo tờ Bangkok post, ở Thái Lan, những người trốn cách ly phải đối mặt với án tù 1 năm và mức phạt lên đến 200.000 Baht, tương đương hơn 6.300 USD. Còn ở Hàn Quốc, những bệnh nhân cố tình vi phạm lệnh cách ly sẽ bị phạt 1 năm tù hoặc 10 triệu Won, khoảng 8.200 USD. Tại Nga, những người không chịu tự cách ly ở nhà có thể chịu tù 5 năm.

Ngay lúc này, với những trường hợp không tự giác, vô ý thức trong phòng chống dịch bệnh, gây nguy hiểm cho cộng đồng, kể cả trốn cách ly lẫn tụ tập đông người, chúng ta cần áp dụng những biện pháp cứng rắn, cần “bàn tay sắt” nghiêm trị mới mong đủ sức răn đe. Kể cả với những trường hợp chưa có kết quả lây nhiễm và đang trong thời kỳ theo dõi, cũng cần xử phạt “nóng” để làm gương cho người khác. Nếu sau này phát hiện để xảy ra hậu quả lớn, có thể tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật. Nhân đạo, nhân văn luôn cần thiết, nhưng với số lượng người mắc Covid-19 không ngừng tăng, phải phạt nặng, xử lý nghiêm khắc và kiểm soát chặt chẽ để tránh gây hậu quả khó lường. Đó cũng chính là sự nhân đạo cần thiết cho hàng chục triệu người dân khác.

Không ai muốn phải “ngồi yên”, cũng không hào hứng gì với việc đi cách ly, nhưng nếu như chúng ta xác định “ngồi yên” chỉ là hạn chế di chuyển, là thực hiện theo những khuyến cáo cần thiết của cơ quan chuyên môn, thì mỗi người sẽ lựa chọn cho mình hành động phù hợp, hữu ích, dựa trên sự hiểu biết và tinh thần trách nhiệm. Mặt khác, chính quyền địa phương cần tổ chức thực hiện giám sát chặt chẽ. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, cách giám sát hiệu quả nhất là phải đăng ký giám sát theo GPS, qua điện thoại thông minh như cách Singapore đã làm. Giám sát bằng công nghệ cũng là cách Trung Quốc đã làm. Bởi với số lượng người trong diện cách ly ngày càng tăng, giám sát thủ công xem ra sẽ quá tải và có nhiều lỗ hổng.

Duy Anh