“Trái ngọt” PAR INDEX 2018

- Thứ Hai, 27/05/2019, 08:13 - Chia sẻ
Vào top 10 bộ, ngành dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số cải cách thủ tục hành chính (PAR INDEX) 2018 và ở nhóm 5 bộ, ngành có kết quả cao nhất từ điều tra xã hội học - đây là “trái ngọt” Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận được sau một chặng đường kiên trì và nỗ lực cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.

Nằm trong số ít Bộ có sự tác động, ảnh hưởng rộng khắp đến mọi tầng lớp nhân dân, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang gánh một lượng công việc khổng lồ, phục vụ từ trẻ sơ sinh đến người đã khuất. Và nếu coi các chính sách về kinh tế, đầu tư, tài chính trúng, đúng… quyết định sự thịnh vượng của quốc gia thì các chính sách an sinh, bảo đảm xã hội… của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ là nền tảng cơ bản bảo đảm trật tự, công bằng xã hội.


Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân (thứ 3 từ phải qua) kiểm tra công tác cải cách hành chính và ứng dụng thông tin tại trụ sở Bộ

Nhận thức rõ trọng trách này, lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các cộng sự xác định: Muốn đổi mới đến đâu, thăng hạng cỡ nào mà không làm người dân, doanh nghiệp hài lòng thì coi như “phú quý giật lùi”. Bởi vậy, ngay từ khi nhậm chức, một trong những mục tiêu Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đặt ra là phải cải cách các thủ tục hành chính, ứng dựng công nghệ thông tin vào các hoạt động của ngành. Đây cũng là bước hiện thực hóa một trong ba khâu đột phá đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI;  Nghị quyết số 30c/NQ-C của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và Quyết định số 225/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Với phương châm cải cách hành chính phải hướng đến đích cuối là phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp, toàn ngành xác định cải cách hành chính phải gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phong cách phục vụ, thực hiện văn hóa công sở và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin đến năm 2020. Cùng với đó là đẩy mạnh kiểm tra, tập huấn về cải cách hành chính, nhằm từng bước nâng cao nhận thức, năng lực cải cách cho toàn thể đội ngũ công chức, viên chức. Những quyết tâm đó đã giúp Bộ 2 năm liên tiếp hoàn thành 100% đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ và Thủ tướng giao; hoàn thành các chỉ tiêu về tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều mà QH, Chính phủ giao; góp phần cùng cả nước hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã cắt giảm, đơn giản hóa 66/107 điều kiện kinh doanh (đạt tỷ lệ 61,68%); bãi bỏ và đơn giản hóa 116 thủ tục hành chính; cắt giảm và đơn giản hóa 19/32 sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành (đạt tỷ lệ 59,38%). Ngoài ra, cơ cấu tổ chức của Bộ được rà soát, tổ chức lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đặc biệt, việc xây dựng Trung tâm dữ liệu Giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn quốc tế; vận hành Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ; vận hành Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ; triển khai hệ thống thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ nghèo, hộ cận nghèo… đã giúp Bộ có những cú “lội ngược dòng” trên Bảng xếp hạng PAR INDEX 2017, 2018 và nhận được sự đánh giá cao của đông đảo người dân.

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng những kết quả nêu trên mới chỉ là bước đầu. Thời gian tới, để công tác cải cách hành chính ngày càng đi vào thực chất, ăn sâu vào ý thức của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong ngành, Bộ còn rất nhiều việc phải làm. Trước mắt, Bộ tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tinh gọn tổ chức bộ máy các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp; phát triển Chính phủ điện tử, đẩy mạnh việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại 4 đơn vị: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Cục An toàn lao động, Cục Việc làm; tăng cường các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Đặc biệt, Bộ đang xây dựng và triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phiên bản 1.0.

Bình Nhi