Góc nhìn

Trách nhiệm với cộng đồng

- Thứ Ba, 08/10/2019, 08:01 - Chia sẻ
Đài Truyền hình Việt Nam mới đây đưa tin một cặp vợ chồng ở xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Trước đó là cụ bà 83 tuổi ở Thanh Hóa đạp xe lên UBND xã để xin ra khỏi hộ nghèo. Lý do là bởi lúc khó khăn được Nhà nước cho giống, vốn nên giờ đã có tích lũy, con cái được ăn học đầy đủ mà vẫn chờ vào Nhà nước là xấu hổ. Là do tôi chưa ở chung và cậy nhờ đến đứa con nào vì đang tự lo được cho mình và đang giúp được nhiều hoàn cảnh khó khăn khác. Tôi muốn ra khỏi hộ nghèo để làm gương cho một số trường hợp chưa xứng đáng được hưởng chế độ hộ nghèo tại xã học tập, noi theo...

“Được” là hộ nghèo - điều tưởng như không ai mong muốn vậy nhưng trong thực tế vẫn còn có những trường hợp cố tình “bình xét nhầm”, hoặc bằng mọi cách để được vào danh sách hộ nghèo - thì đây là những hành động đẹp - rất đẹp. Bởi khi không còn là hộ nghèo đồng nghĩa với việc sẽ mất nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước. Cũng bởi vậy mà tồn tại tình trạng người dân trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của Nhà nước, nói cách khác là không muốn thoát nghèo.

Đáng nói hơn, đây là thực tế ở không ít địa phương, nhất là ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Và muốn khắc phục tình trạng này, không gì khác là phải đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách sử dụng các nguồn lực sao cho hiệu quả; vận động người dân thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất. Đặc biệt, việc bình xét hộ nghèo và các chính sách hỗ trợ người nghèo cần phải thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng; phải làm cho người dân hiểu được các nguồn lực của Nhà nước là động lực thúc đẩy người dân vươn lên thoát nghèo.

Chính sách hỗ trợ người nghèo thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước, nhưng không vì thế mà lạm dụng. Người dân được hưởng chính sách buộc phải có ý chí vươn lên, tránh tình trạng không muốn ra khỏi diện nghèo mặc dù kinh tế đã khá hơn; hoặc không làm gì cả để vẫn là hộ nghèo, để được hưởng chính sách hỗ trợ...

Chuyện “bò, dê” “đi lạc” vào nhà cán bộ xã khi bình xét hộ nghèo là sự thật. Chuyện cán bộ “hồ hởi” thông báo năm nay có thêm bao nhiêu hộ vào diện hộ nghèo… có thể là thật, có thể là tếu. Thế nhưng cũng cần phải thẳng thắn rằng, vẫn còn có những trường hợp bình xét đối tượng thụ hưởng sai, thậm chí là “làm liều” để được trong diện thụ hưởng chính sách.

Vậy nên, bên cạnh việc tuyên truyền để cho người dân hiểu, thì điều quan trọng chính là khơi dậy ý chí của người dân, để người dân thấy được việc phải thoát nghèo là trách nhiệm của mình với cộng đồng, chứ không phải đã được xét là hộ nghèo thì không muốn ra, không phải là hộ nghèo sẽ rất “sướng”.

Khánh Ninh