Chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ VI Đảng bộ Đại học Quốc gia Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025

Trách nhiệm quốc gia, vì sự phát triển bền vững

- Thứ Năm, 13/08/2020, 09:08 - Chia sẻ
Tham gia tích cực các chương trình, dự án khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia; đóng góp ý kiến cho dự thảo Báo cáo chính trị đại hội Ðảng các cấp đồng thời tư vấn chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương và bộ, ngành, đây là một trong những thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ qua của Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội, thể hiện trách nhiệm quốc gia và vì sự phát triển bền vững.

Vai trò và uy tín học thuật

Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Kim Sơn cho biết, 5 đề án khoa học - công nghệ trọng điểm cấp quốc gia đang được triển khai đều có sự tham gia của các nhà khoa học ĐHQG Hà Nội, trong đó Chính phủ giao ĐHQG Hà Nội chủ trì thực hiện 2 nhiệm vụ: Nghiên cứu, biên soạn bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam (Quốc chí), sản phẩm là bộ sách đồ sộ nhất trong lịch sử Việt Nam, cung cấp thông tin toàn diện và hệ thống về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam; Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông, với sản phẩm là các bộ sách in, sách số về tinh hoa của các tác phẩm kinh điển phương Đông. Những dự án này có giá trị thời đại, giá trị dân tộc và nhân văn đặc biệt quan trọng, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, “có ý nghĩa to lớn không chỉ cho hiện nay mà cả mai sau”.

Ngoài ra, các nhà khoa học ĐHQG Hà Nội còn tham gia tích cực vào Đề án nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam (Quốc sử) với quy mô lên tới 25 tập thông sử và 5 tập biên niên sự kiện, trong số đó 15 tập do các nhà khoa học ĐHQG Hà Nội làm chủ biên; sáng lập và là thành viên chủ chốt triển khai đề án “Hệ tri thức Việt số hóa”, đến nay, đã tạo lập các bộ dữ liệu tại phân hệ Dữ liệu mở của itrithuc.vn với 10.049/10.355 bộ dữ liệu.

Bên cạnh đó, thành công của Chương trình Tây Bắc - Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” - cũng được coi là một dấu ấn của nhiệm kỳ 2015 - 2020. Những kết quả của Chương trình đã giúp nhận diện vùng Tây Bắc một cách đầy đủ, từ đó đưa ra các giải pháp phát triển toàn diện, hiệu quả, góp phần làm thay đổi sâu sắc cuộc sống của đồng bào khu vực này. Sau gần 7 năm triển khai Chương trình Tây Bắc (2013 - 2020), ĐHQG Hà Nội đã tập hợp được hơn 600 nhà khoa học thuộc hơn 40 cơ quan nghiên cứu trong cả nước và đã hoàn thành, chuyển giao thành công kết quả 58/58 (100%) nhiệm vụ cho các địa phương vùng Tây Bắc…

Việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học - công nghệ quốc gia kể trên cho thấy vai trò và uy tín học thuật của ĐHQG Hà Nội. “Đại học Quốc gia phải có trách nhiệm quốc gia. Thông qua những chương trình khoa học - công nghệ như thế này, chúng tôi có thể thể hiện tốt nhất trách nhiệm quốc gia của mình” - Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình thăm gian trưng bày các sản phẩm trong Chương trình Tây Bắc  

Ảnh: Vũ Tùng 

Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo

Từ năm 2015 đến nay, theo Bảng xếp hạng Scimago, chỉ số đổi mới sáng tạo và tác động xã hội của ĐHQG Hà Nội luôn đứng hàng đầu Việt Nam, nhiều năm đứng trong nhóm 500 thế giới. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, toàn ĐHQG Hà Nội có 65 phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, gấp 1,6 lần so với nhiệm kỳ trước, bình quân hàng năm có 13 phát minh, bằng sáng chế, giải pháp hữu ích. ĐHQG Hà Nội ngày càng gia tăng vị trí trong nhóm 1.000 đại học hàng đầu thế giới. Đặc biệt mới đây nhất, ĐHQG Hà Nội được xếp vào nhóm 101 - 150 cơ sở giáo dục dưới 50 năm thành lập có chất lượng hàng đầu thế giới của Bảng xếp hạng uy tín QS.

Hoạt động khoa học và công nghệ của ĐHQG Hà Nội được đánh giá từng bước hướng tới trình độ khu vực và quốc tế, gắn kết chặt chẽ giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội; giữa khoa học và công nghệ kỹ thuật; giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ đã có sự đổi mới, theo hướng thúc đẩy và tạo điều kiện để nhà khoa học sáng tạo và cống hiến.

Tiềm lực khoa học và công nghệ được củng cố và phát triển, với tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trên tổng số giảng viên cơ hữu là 70%; với đội ngũ 73 giáo sư, 365 phó giáo sư, đạt tỷ lệ 25% trên tổng số giảng viên cơ hữu; hệ thống phòng thí nghiệm được quy hoạch với tổng số 216 phòng thí nghiệm, trong đó có 10 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp ĐHQG Hà Nội; 10 phòng thí nghiệm hợp tác doanh nghiệp và 10 phòng thí nghiệm hợp tác quốc tế, vượt chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2015 - 2020. 5 năm qua, các nhà khoa học của ĐHQG Hà Nội đã công bố 3.602 bài báo khoa học trong hệ thống ISI/SCOPUS, chiếm 10% tổng số bài báo ISI/SCOPUS của cả nước, trong đó 1 công trình khoa học về khoa học xã hội được đăng trên tạp chí Nature, là tạp chí khoa học hàng đầu thế giới...

Một trong những mục tiêu của ĐHQG Hà Nội thời gian tới là đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học và công nghệ; khai thác, phát huy hiệu quả mọi tiềm lực, đặc biệt là tiềm lực về đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao, xây dựng ĐHQG Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu đất nước, có uy tín trong khu vực và quốc tế. Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội Phạm Bảo Sơn cho biết, ĐHQG Hà Nội đặt mục tiêu thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học cơ bản và khoa học liên ngành, ưu tiên các định hướng đổi mới sáng tạo. Đồng thời lựa chọn, đầu tư phát triển các hướng nghiên cứu khoa học trọng điểm, mũi nhọn để tạo các sản phẩm khoa học - công nghệ chủ lực và sản phẩm quốc gia mang thương hiệu ĐHQG Hà Nội; tham gia trực tiếp vào hệ thống đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

 Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, ĐHQG Hà Nội đặc biệt ưu tiên các lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 5G và sau 5G, robot, hàng không vũ trụ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, internet vạn vật, vật liệu mới… Như Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Những thành quả đạt được không chỉ đem đến cho chúng tôi sự tự tin, mà còn khiến cho chúng tôi phải suy nghĩ tiếp về tinh thần khoa học, trách nhiệm và sứ mệnh của một đại học lớn. ĐHQG Hà Nội sẽ tiếp tục thiết lập và triển khai những nhiệm vụ khoa học - công nghệ lớn, có tầm vóc xứng với sứ mệnh, tên tuổi và điều kiện của mình”.

Đỗ Vũ