Hội nghị Thường trực HĐND 14 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ 6 tại Tuyên Quang

Trách nhiệm, đi đến cùng vấn đề

- Thứ Tư, 10/04/2019, 08:47 - Chia sẻ
Thành phố Tuyên Quang yên bình, mến khách chào đón những người đồng nghiệp tại các cơ quan dân cử về dự Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc lần thứ 6 trong tiết trời se lạnh của mùa xuân còn sót lại. Chút không khí lạnh ấy, càng làm cho những vòng tay ôm, những cái bắt tay trìu mến trở nên ấm ấp, chân tình. Hội nghị vừa là dịp để gặp lại những người bạn thân quen, vừa là dịp để trao đổi, chia sẻ nhiều hơn những kinh nghiệm từ thực tiễn để cùng đưa hoạt động của HĐND đi vào thực chất, phát huy thực quyền, ngày càng hiệu lực, hiệu quả.

Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát

Hội nghị đã được nghe, thảo luận nhiều giải pháp hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND nói chung, các Ban và cơ quan tham mưu giúp việc của HĐND nói riêng, nhất là hoạt động giám sát.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Phú Thọ Vi Trọng Lễ cho biết: Thời gian gần đây, HĐND tỉnh chú trọng giám sát giải quyết kiến nghị cử tri thông qua các cơ quan thông tin đại chúng. Đặc biệt, là việc Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo và duy trì có hiệu quả hai chuyên mục “Đại biểu dân cử và cử tri”, “Giám đốc sở với cử tri” phát sóng thường kỳ 2 số/tháng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

Từ kinh nghiệm thực tiễn của Lào Cai, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Giàng Mạnh Nhà lại nhấn mạnh đến các giải pháp nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân. Trong đó, cần chú trọng bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu...

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các đạo biểu, tuy nhiên cũng lưu ý các đại biểu dân cử phải phát huy vai trò, thẳng thắn, trách nhiệm đi đến cùng vấn đề.

Tinh giản: Chủ trương đúng nhưng không nên áp dụng cơ học

Nội dung các tham luận tại hội nghị rất phong phú, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết của các đại biểu trước yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng chính đáng của cử tri đối với cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Các tham luận đã phân tích thực trạng, những kinh nghiệm trong thực hiện chức năng giám sát của HĐND và đề ra những giải pháp cụ thể, thiết thực; đồng thời, có những kiến nghị về tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND cấp tỉnh. Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang sẽ tổng hợp, báo cáo kết quả hội nghị cùng với những đề xuất, kiến nghị của các địa phương để chuyển đến UBTVQH, Chính phủ và các ban, bộ, ngành, Trung ương liên quan nghiên cứu, xem xét, quyết định.

Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn

Tham dự Hội nghị lần này, trong số 14 tỉnh thuộc khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc, có 3 địa phương thực hiện Thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng ĐBQH, HĐND, UBND cấp tỉnh. Đây cũng là dịp để các địa phương chia sẻ những khó khăn, thuận lợi sau thời gian triển khai thực hiện. Nhiều thuận lợi nhưng cũng còn không ít băn khoăn.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hà Giang Chúng Thị Chiên bày tỏ mong muốn, trong thời gian thực hiện thí điểm, UBTVQH, Bộ Nội vụ cần sớm có các văn bản hướng dẫn cụ thể về Quy chế làm việc của Văn phòng hợp nhất để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND ở địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Phú Thọ Vi Trọng Lễ lại đặc biệt băn khoăn về chức năng tham mưu của Văn phòng chung sau khi thực hiện hợp nhất. Bởi, đặc điểm công việc tham mưu thực hiện nhiệm vụ của cơ quan quyền lực khác với tham mưu tổ chức thực thi vai trò của cơ quan hành pháp, quản lý nhà nước. Nhấn mạnh đến yếu tố tương đồng trong hoạt động của HĐND cấp tỉnh và Đoàn ĐBQH cấp tỉnh, đại biểu đề nghị UBTVQH cân nhắc, nghiên cứu, xem xét phương án hợp nhất Văn phòng HĐND cấp tỉnh và Văn phòng Đoàn ĐBQH cấp tỉnh, không hợp nhất cả 3 Văn phòng cấp tỉnh.

Tại hội nghị, với tư cách đại diện cơ quan tham mưu cho Chính phủ trong việc hướng dẫn triển khai thực hiện Luật và các quy định liên quan đến sắp xếp, tổ chức, hoạt động của cơ quan tham mưu, giúp việc tại các địa phương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chia sẻ với các ý kiến của các đại biểu. Về vấn đề biên chế công chức của Văn phòng sau khi hợp nhất, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết sẽ tiếp thu và giải quyết nhanh vấn đề này. Đồng thời, đề nghị các địa phương trong triển khai, vướng ở vấn đề nào thì có thể tổng hợp để gửi về Bộ Nội vụ.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến về một nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của các địa phương hiện nay là việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhất là đề xuất giảm số đại biểu chuyên trách trong Thường trực và các ban HĐND cấp tỉnh. Theo các đại biểu, tinh giản là một chủ trương đúng nhưng không nên áp dụng một cách cơ học, như đề xuất giảm 1 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh. Đơn cử về chức danh Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh. Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hai phó Chủ tịch HĐND tỉnh - là sự kế thừa từ quy định trước đó của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 (chức danh Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh nâng lên thành Phó Chủ tịch HĐND tỉnh), không phải là chức danh tăng thêm. Mặt khác, sau khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và nhiều đạo luật liên quan được sửa đổi, bổ sung, chức năng, nhiệm vụ của HĐND tỉnh, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh được bổ sung rất nhiều, vị trí của HĐND tỉnh tiếp tục được khẳng định và nâng tầm. Do đó, cần giữ nguyên 2 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh như hiện hành mới bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

MẠNH TUÂN