Indonesia

“Trả về nơi sản xuất”

- Chủ Nhật, 07/07/2019, 09:02 - Chia sẻ
Trong động thái mới nhất, hải quan Indonesia hôm 2.7 vừa tuyên bố sẽ trả lại 49 container rác thải nhựa, vải vụn, giày dép và các chất độc hại về nơi xuất xứ, đồng thời tuyên bố sẽ thắt chặt quy trình kiểm tra và tìm kiếm những thùng hàng vi phạm. Như vậy, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã thực hiện những bước đi tương tự như nước láng giềng Philippines và Malaysia.

Nói không với rác phương Tây

Trước đó, Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia thông báo số hàng này được chuyển từ Mỹ, Australia, Đức, Pháp và đặc khu Hong Kong của Trung Quốc. Kết quả kiểm tra cho thấy trong 65 container nhập khẩu có 38 thùng chứa vật liệu độc hại hoặc nguy hiểm, 11 thùng chứa rác không thể tái chế. Tháng trước, Jakarta đã gửi trả 5 container rác về Mỹ. 5 container bị trả cho Mỹ không hề chứa giấy vụn như được khai báo để thông quan. Thay vào đó, chúng được chất đầy các loại rác thải độc hại từ chai nhựa đến nhựa phế liệu và cả tã lót đã qua sử dụng.

Tháng 5 năm nay, Malaysia tuyên bố sẽ gửi lại hàng trăm tấn rác thải nhựa. Quốc gia láng giềng Philippines, trong khi đó, đã trả lại khoảng 69 container rác cho Canada vào tháng trước. Theo Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), khoảng 300 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm, và phần lớn rác thải nhựa được đưa ra bãi rác hoặc gây ô nhiễm đại dương.

Indonesia là nước có công suất tái chế chất thải nhựa rất hạn chế, ngay cả với rác thải nhựa của nước này. Tuy nhiên, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia Indonesia, trong năm ngoái, lượng rác thải nhựa nhập khẩu vào nước này đã phá kỷ lục hàng thập kỷ, lên tới tổng cộng 283.000 tấn. Mức tăng tới 141% này diễn ra sau khi Trung Quốc vào tháng 1.2018 quyết định ngừng chấp nhận chất thải nhựa từ phần còn lại của thế giới do những lo ngại về môi trường. Indonesia cũng đã có nghị định cấm nhập khẩu chất thải nhựa tiêu dùng. Các chất thải sản xuất dưới dạng giấy sạch và phế liệu nhựa vẫn có thể được nhập khẩu nếu Bộ Thương mại nước này cấp giấy phép. Hồi đầu tháng, Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia Siti Nurbaya Bakar đã cảnh báo sẽ ngay lập tức trả lại bất kỳ lô hàng rác nhập khẩu bất hợp pháp nào vào nước này.

Phát động phong trào làm sạch Indonesia

Cùng với một loạt phong trào như phong trào nói không với túi nilon, phong trào hướng dẫn làm sạch biển Nusantara, hay phong trào Thợ lặn hành động sạch... hồi cuối tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Các vấn đề hàng hải Luhut Binsar Pandjaitan và Bộ trưởng Giao thông Budi Karya Sumadi đã phát động Phong trào làm sạch Indonesia nhằm làm giảm rác thải nhựa cũng như vận động nhận thức cộng đồng về vấn đề này.

Ông Pandjaitan nhấn mạnh, đây là phong trào toàn dân bởi rác là kẻ thù chung. Do đó mọi người dân Indonesia cần có trách nhiệm giữ cho đất nước sạch sẽ. Hơn nữa, xử lý rác đã trở thành chương trình chủ yếu của Chính phủ để tất cả mọi người cùng thực hiện.

Hiện nay, mỗi ngày Jakarta thải ra ít nhất 8 ngàn tấn rác thải nhựa. Do vậy, ông kêu gọi người dân dừng sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. Theo quan chức này, các bài học về môi trường sẽ được lồng ghép vào chương trình giảng dạy tại các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông để giúp các em có ý thức hơn về bảo vệ môi trường tự nhiên.

Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông Sumadi cho biết, Bộ sẽ phối hợp các chương trình giảm nhựa trong lĩnh vực giao thông từ đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không. Ông nói thêm, biển và đại dương không phải là thùng rác để ai cũng có thể ném rác vào.

Là một quốc gia sản xuất dầu, Indonesia đã sản xuất ra rất nhiều sản phẩm hàng hóa được làm từ nhựa, vốn có thành phần cơ bản là dầu thô. Bất chấp một số lợi ích mà nhựa có thể thể mang lại và khiến cuộc sống dễ thở hơn, việc sử dụng nhựa tràn lan đang đem đến những tác hại tiêu cực đối với môi trường, gây ô nhiễm đất và biển, đe dọa cuộc sống của các động vật hoang dã… Thực tế đã chứng minh, nhựa có những thành phần vô cùng độc hại đối với đất, nước và không khí. Nó mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm để phân hủy nên sự hủy hoại đối với môi trường kéo dài lâu.

Là quốc gia vạn đảo nhưng quản lý rác thải trên biển, đặc biệt là rác thải nhựa, đang là thách thức lớn với Chính phủ khi mà hiện nay, Indonesia được mệnh danh là nhà máy sản xuất rác thải nhựa lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc. Nếu không hành động nhanh, nhiều người nhận định, đến năm 2030, nhựa sẽ nhiều hơn cá trên biển Indonesia. Theo cơ quan Thống kê Trung ương và Hiệp hội Công nghiệp Nhựa Indonesia, mỗi năm đảo quốc này sản xuất 64 tấn rác thải, trong đó 3,2 tấn rác sẽ theo các con sông đổ ra biển.

Nỗ lực giảm 70% rác thải nhựa tới năm 2025

Indonesia đã xây dựng Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý rác giai đoạn 2018-2025 nhằm cung cấp định hướng chiến lược cho các bộ, ban, ngành, cộng đồng và doanh nghiệp đẩy nhanh việc xử lý rác thải ra biển. Chính quyền một số thành phố lớn như Surabaya, Banjarmasin, Balikpapan, Bogor và đặc biệt tại đảo Bali cũng đã đưa ra nhiều sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa, trong đó cấm sử dụng hoàn toàn nhựa một lần. Thay vào đó, người ta sử dụng các sản phẩm truyền thống của địa phương như túi đan bằng tre, ống hút tre và sử dụng lá chuối để gói đồ ăn. Tại các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị và ngay cả chợ truyền thống ở Indonesia, người dân sẽ phải trả phí nếu muốn sử túi nilon. Trong khi đó, các công ty lớn tại Indonesia cũng có những hành động để giảm rác thải nhựa bằng cách thành lập Liên minh bao bì tái chế vì môi trường bền vững Indonesia.

Năm 2019, Indonesia đã quyết định chi 10.000 tỷ rupiah (hơn 700 triệu USD) cho các địa phương có thành tích và nghiêm túc trong việc quản lý và xử lý rác thành năng lượng điện dựa trên công nghệ xanh. Hiện nay, tại Indonesia có 12 thành phố đã thành công trong việc xây dựng nhà máy điện năng lượng rác thải. Dự kiến, các nhà máy trên sẽ bắt đầu hoạt động trong năm nay và đặt mục tiêu có thể sản xuất ít nhất 234 megawatt (MW) điện từ khoảng 16 nghìn tấn rác thải mỗi ngày trong giai đoạn 2019 - 2022.

Thái Anh tổng hợp