TP Hồ Chí Minh: Khảo sát thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

- Thứ Tư, 26/02/2020, 15:12 - Chia sẻ
Sáng 26.2, Đoàn ĐBQH TP do bà Văn Thị Bạch Tuyết, Thành ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách làm trưởng đoàn đã khảo sát tại Sở Xây dựng TP về công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính (VPHC).

Tại cuộc khảo sát, đại diện Sở Xây dựng cho biết, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định khá đầy đủ các hình thức và thẩm quyền xử phạt, phù hợp với tình hình đời sống kinh tế - xã hội hiện nay và trong lĩnh vực xây dựng, việc xử phạt vi phạm hành chính được cụ thể hóa tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, Sở Xây dựng nhận thấy có vướng mắc, khó khăn. Thứ nhất, quy định về cách tính thời gian, thời hạn, thời hiệu trong xử lý VPHC còn bất cập. Việc tiến hành lập biên bản VPHC được thực hiện ngay khi phát hiện các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, việc thụ lý (lập biên bản, thu thập hồ sơ, dự thảo văn bản, ban hành Quyết định xử phạt) lại chỉ được thực hiện trong thời gian làm việc hành chính là không phù hợp.

Mặt khác, có một số trường hợp người lập biên bản VPHC ở cấp xã, nhưng hành vi đó lại thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc cấp tỉnh, trong trường hợp này người lập biên bản phải hoàn chỉnh, chuyển tất cả hồ sơ liên quan cho người có thẩm quyền ra quyết định. Việc gửi hồ sơ phải mất nhiều thời gian, khi đó người ra quyết định xử phạt sẽ gặp khó khăn trong việc bảo đảm về mặt thời gian.


Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh khảo sát tại Sở Xây dựng

Về cưỡng chế thực hiện Quyết định xử phạt VPHC, theo quy định của Luật xử lý VPHC 2012 và Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ quy định các biện pháp cưỡng chế thi hành biện pháp phạt tiền như sau: Khấu trừ lương hoặc một phần thu nhập; khấu trừ tiền từ tài khoản; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế... Tuy nhiên, trên thực tế rất khó để xác định lương hoặc thu nhập, tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm nên không thể ban hành Quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền. Đối tượng vi phạm không hợp tác, không cung cấp thông tin về số tài khoản ngân hàng, tổ chức tín dụng mà đối tượng vi phạm mở tài khoản; đối tượng vi phạm không có tài khoản ngân hàng hoặc có tài khoản nhưng là tài khoản rỗng. Các ngân hàng thường không tích cực phối hợp cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thi hành cưỡng chế trong việc khấu trừ tiền. Một số trường hợp xác minh được tài khoản ngân hàng của đối tượng vi phạm, tuy nhiên, đối tượng vi phạm biết sẽ bị khấu trừ tiền từ tài khoản nên đã rút toàn bộ tiền từ tài khoản, do đó, cũng không thể thực hiện biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản để cưỡng chế thi hành. Trong khi đó, Cục thuế thành phố có văn bản từ chối cung cấp thông tin về tài khoản của người nộp thuế cho Thanh tra Sở Xây dựng.

Về công tác kiểm tra, thanh tra, nhìn chung các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực xây dựng đã được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, tỷ lệ chấp hành các quyết định xử phạt VPHC còn thấp (khoảng 50%). Nguyên nhân chủ yếu là các đối tượng vi phạm không có khả năng nộp phạt. Mặt khác, công tác cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm rất phức tạp, dễ gây mất an ninh trật tự. Do đó, UBND cấp huyện, cấp xã còn chưa quyết liệt trong việc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng, dẫn đến tồn đọng các quyết định xử phạt chưa thi hành xong.

Nguyên nhân chính dẫn đến các hành vi phạm trong hoạt động xây dựng, chủ yếu là do: Tốc độ đô thị hóa nhanh tại một số địa bàn trọng điểm dẫn đến tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp (tập trung tại Bình Chánh, Bình Tân, Thủ Đức, Hóc Môn, Nhà Bè…). Ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng chưa cao, đồng thời, các biện pháp chế tài không đủ tính răn đe nên đối tượng vi phạm đã cố tình trốn tránh, vi phạm. Vấn đề quy hoạch tại một số quận, huyện hiện không còn phù hợp với tình hình phát triển nói chung và tình hình đầu tư xây dựng công trình, nhà ở nói riêng của địa phương, dẫn đến tình trạng xây dựng vi phạm trật tự xây dựng.

Tại buổi làm việc, các ĐBQH đã nêu lên một số vấn đề tồn tại đáng quan tâm. Đó là từ năm 2013 – 2019, tổng cộng có 9.920 quyết định xử phạm VPHC trong lĩnh vực xây dựng được ban hành (bao gồm cả UBND TP và Thanh tra Sở xây dựng), tuy nhiên có tới 4.662 vụ việc chưa thi hành xong. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên, có phải còn do những lỗ hổng trong pháp luật không hay do cơ quan quản lý thực hiện xử lý chưa nghiêm. Có trường hợp nào khi xử phạt xong mà chúng ta chấp nhận phạt cho tồn tại không? Lý do nào dẫn tới tình hình thực hiện trật tự xây dựng tại thành phố chưa chuyển biến tốt, việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng còn có điểm nào bất cập?

Kết thúc buổi làm việc, ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết, Trưởng đoàn khảo sát ghi nhận những kiến nghị của Sở xây dựng TP về việc: Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp sớm có hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Xử lý VPHC và các quy định của văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý VPHC. Kiến nghị Bộ Xây dựng sớm có văn bản hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng.
 

Tin và ảnh: Hoàng Anh