Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại Hà Nội

- Thứ Ba, 15/10/2019, 17:31 - Chia sẻ
Sáng 15.10, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng và Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, đã tiếp xúc cử tri các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ.

Tại cuộc tiếp xúc sau khi nghe đại diện Đoàn ĐBQH TP Hà Nội báo cáo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIV sẽ khai mạc ngày 21.10 tới và kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri từ lần tiếp xúc trước đến nay, cử tri đã phát biểu nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện sự quan tâm, ủng hộ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; đánh giá cao hiệu quả và chất lượng các hoạt động của QH…


Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội

Cử tri cũng phản ánh nhiều ý kiến liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và nêu rõ đây vẫn là vấn đề đang gây bức xúc dư luận xã hội. Cử tri nêu rõ, nhân dân rất chia sẻ, ủng hộ Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước với quyết tâm rất cao trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đang ở giai đoạn cao trào, mạnh mẽ. Ghi nhận những kết quả bước đầu đạt được trong thời gian qua, được dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, song cử tri cũng nêu rõ, còn nhiều việc phải làm, bởi các giải pháp đưa ra vẫn chưa đủ sức răn đe. Hành vi tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi, phức tạp. Việc thu hồi tài sản không rõ nguồn gốc, do tham nhũng, tiêu cực mà có còn hạn chế. Cử tri mong rằng, Đảng, Nhà nước, Quốc hội cần có giải pháp mạnh tay và kiên quyết hơn nữa, đấu tranh có hiệu quả cao hơn với tệ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trong đó đặc biệt chú trọng tập trung xử lý vấn đề “tham nhũng vặt”.

Để công cuộc phòng, chống tham nhũng đạt nhiều kết quả hơn nữa, cử tri kiến nghị, trước tiên phải có một bộ máy trong sạch, đặc biệt đội ngũ cán bộ chống tham nhũng “phải sạch, trong sáng, chí công vô tư”. Phải xử lý nghiêm những cán bộ để xảy ra tham nhũng và tham nhũng. Khi xử lý xong phải tịch thu tài sản do tham nhũng, tiêu cực mà có để sung vào công quỹ, không để tư tưởng “hy sinh đời bố, củng cố đời con, đời cháu, chắt, chút, chít”. Đồng thời, “kiên quyết không sử dụng những cán bộ có tư tưởng vụ lợi, tham nhũng vào đội ngũ lãnh đạo các cấp”.


Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri

Cử tri cũng bày tỏ niềm phấn khởi, tin tưởng về những kết quả phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước. Đáng chú ý, dù thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, song tình hình GDP vẫn giữ ổn định, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp. Tuy nhiên, cử tri cũng thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, thì còn nhiều việc phải làm, phải giải quyết. Đó là tình trạng việc ban hành nghị định dưới luật còn chậm; nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em diễn ra nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận; rồi sự cố nước sông Đà có mùi dầu, mùi khét ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người dân; bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, rườm rà, một bộ phận không nhỏ công chức vẫn “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”… Đây là những vấn đề cần sớm có biện pháp khắc phục.

Cử tri bày tỏ kỳ vọng vào sự thành công của Kỳ họp thứ Tám sắp tới, đặc biệt là lòng tin với Đảng, Quốc hội về quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo. Nhiệm vụ tuy khó khăn, gian khổ, là cuộc đấu tranh tổng lực nên cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, không những thế hệ Việt Nam hôm nay, mà còn cần phải giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước cho các thế hệ sau.

Thay mặt Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng tiếp thu và ghi nhận các ý kiến, kiến nghị xác đáng, mang tính xây dựng của cử tri; cảm ơn cử tri luôn tin tưởng, ủng hộ Đảng, Trung ương và Quốc hội.


Liên quan đến kết quả Hội nghị Trung ương 11, Khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nêu rõ, hội nghị rút ngắn một ngày so với kế hoạch và bảo đảm hoàn thành toàn bộ chương trình đã đề ra. Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng, nhìn lại 35 năm Đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đóng góp hoàn thiện các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Tại Hội nghị, Trung ương thảo luận hết sức sôi nổi, thống nhất cao khi ra Nghị quyết, được dư luận nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao. Đặc biệt, Hội nghị thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất rất cao trong Trung ương. Các Ủy viên Trung ương đã phân tích nguyên nhân của những kết quả đạt được, trong đó nhấn mạnh trước hết do có sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự cố gắng nỗ lực của nhân dân.

Với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng, hệ thống chính trị và xã hội, nhất là trong giai đoạn đang chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nêu rõ, vừa qua Bộ Chính trị đã có một số quy định nhằm khắc phục, hạn chế những tiêu cực, đồng thời phát động đoàn kết, thống nhất, cố gắng chọn người thật sự xứng đáng. Đây là bước chuẩn bị không chỉ cho Trung ương mà cho tất cả các ngành, các cấp.

Về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước khẳng định, đúng như ý kiến của cử tri nêu, đó là vừa qua đã có nhiều cố gắng, không những trong nước mà dư luận quốc tế cũng hoan nghênh, đánh giá cao, nhưng vẫn còn nhiều phải làm. Đây là “cuộc đấu tranh gian khổ, phức tạp, không phải với bên ngoài mà là với chính chúng ta trong từng con người”. Cho nên, cần tiếp tục thể chế hóa, luật pháp hóa để cả hệ thống chính trị, toàn dân cùng làm.


Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng với cử tri cử tri các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ.

Từ đầu nhiệm kỳ Khóa XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có một Ủy viên Bộ Chính trị và 4 Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, 14 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, một nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, 5 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 Bí thư Tỉnh ủy, 5 nguyên Bí thư Tỉnh ủy và 17 tướng lĩnh; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã kỷ luật 7 tổ chức đảng. Như vậy, “chúng ta đã làm quyết liệt, có kết quả, nhưng còn phải tiếp tục lâu dài. Đây không phải căn bệnh của riêng ta mà của nhiều nước trên thế giới, tuyệt đối không được chủ quan…”, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nói.

Tán thành với những ý kiến trách nhiệm, tâm huyết của cử tri về vấn đề Biển Đông, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước cũng chỉ rõ, mỗi khu vực, địa bàn đều có những phức tạp riêng, đặc biệt là vấn đề biên giới, lãnh thổ, biển đảo mà nước nào cũng phải xử lý. Nhấn mạnh phải đặt vấn đề trong tổng thể các mối quan hệ để có cái nhìn biện chứng, khách quan, toàn diện, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước một lần nữa nhấn mạnh quan điểm, “phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời phải giữ cho được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Nêu rõ xử lý mối quan hệ này không đơn giản, đây là lợi ích của quốc gia, của dân tộc, nhưng Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước cũng chỉ rõ: “Nói như vậy không có nghĩa là nhân nhượng bất kỳ điều gì một cách vô nguyên tắc, luôn phải giữ nguyên tắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và giữ ổn định để phát triển”. Chính vì thế, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước lưu ý, phải cảnh giác với những phần tử, luận điệu xuyên tạc. “Ta phải xử lý các mối quan hệ hài hòa, biện chứng, toàn diện với con mắt chiến lược; đừng nghĩ một mặt và đặc biệt đừng để bị kích động, chia rẽ giữa lãnh đạo với nhân dân”, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nói.

Tin: Thanh Tâm
Ảnh: Trí Dũng/TTXVN