Sổ tay

Tôn trọng khách hàng

- Thứ Hai, 06/05/2019, 08:17 - Chia sẻ
Vấn đề rất nóng mà dư luận quan tâm nhiều ngày qua là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá điện lên 8,36%, nhưng có một số khách hàng phải thanh toán tiền điện gấp rưỡi, gấp đôi so với tháng trước.

Có gì đằng sau sự vụ này? Cần hiểu đi vào cơ chế thị trường thì giá cả các mặt hàng phải do thị trường điều tiết, có giảm có tăng. Như giá xăng dầu tăng, giảm cũng là lẽ thường tình. Nhưng nhìn xem giá điện từ trước tới nay chỉ có tăng, chưa bao giờ giảm.

Ai cũng hiểu: Làm ra điện phải đầu tư rất lớn vốn liếng, thời gian công sức, nên giá điện tăng là không thể khác. Nhưng vì sao dư luận thiếu tin tưởng về sự minh bạch của EVN. Chi phí đầu vào quản lý đã chặt chẽ, hợp lý chưa? Những món đầu tư ra ngoài ngành thua lỗ lớn cũng đổ hết vào giá thành của điện để rồi khách hàng phải è vai gánh - có không? Đã nói minh bạch giá thành cần phải công khai cả ra.

Nói gì khi giá điện công bố tăng 8,36% mà rất nhiều khách hàng khiếu nại vì hóa đơn nộp cho ngành điện tăng 1,5 - 2 lần? Cách giải thích của ngành điện do thời gian tính tiền điện của tháng dài hơn, do khách hàng dùng nhiều... xem ra không đủ sức thuyết phục. Chính vì thế, dư luận “nổi sóng” và Chính phủ chỉ đạo EVN phải rà soát lại. Nhiều chuyên gia hiểu biết ngành điện chỉ thẳng do cách tính giá điện theo quá nhiều bậc thang trước đây không còn hợp lý nữa. Do đủ thứ chi phí không tên và có tên của ngành điện đều “ấp” cả vào cho chi phí đầu vào nên thành cơ sự. Rồi cả bộ máy cồng kềnh của chính ngành điện từ hội sở Tập đoàn đến các đơn vị thành viên cũng là căn nguyên đổ hết lên từng kWh điện mà người dùng phải gánh?

Dư luận càng băn khoăn với cách giải thích của vị Phó Tổng giám đốc EVN: Nếu giải tán EVN giá điện còn cao nữa. Cần hiểu rằng người dân không bao giờ muốn giải tán EVN vì tập đoàn kinh tế nhà nước gánh trên vai vị trí “trụ cột đầu tàu”, với vai trò “quả đấm thép” của kinh tế quốc gia không thể không có. Nhưng người dân và các doanh nghiệp - những khách hàng của EVN cần được tôn trọng trong ứng xử. Mà cách tôn trọng tốt nhất là EVN minh bạch công khai trong chi phí, trong giá điện khi khách hàng phải “móc hầu bao” trả tiền điện hàng tháng.

Nhưng buồn nỗi, dư luận càng băn khoăn thì EVN lại muốn đóng dấu “mật” thông tin giá điện. Vậy thì sao nói đến công khai minh bạch trong tập đoàn kinh tế lớn nhà nước? Cần mổ xẻ xem chi phí đầu vào, đầu ra của ngành điện có nằm trong danh mục bí mật nhà nước mà pháp luật quy định không?

Dũng cảm nhìn lại cách làm, thẳng thắn xem lại chiến lược dài xa trong quy hoạch phát triển ngành điện, cung ứng điện, trong chi phí của ngành điện, EVN mới xứng đáng với vai trò “quả đấm thép” của kinh tế đất nước!

Anh Minh