Mỹ

Toàn diện và chặt chẽ

- Chủ Nhật, 27/05/2018, 09:26 - Chia sẻ
Có thể nói, Mỹ là một trong những quốc gia có hệ thống pháp luật khá toàn diện về chống hối lộ công chức nước ngoài. Điều đó được thể hiện qua số lượng các vụ việc tham nhũng bị điều tra và kết án ở nước này đang ngày càng tăng.

Xác định rõ chủ thể đưa hối lộ

Luật chống các hành vi tham nhũng có yếu tố nước ngoài (FCPA) của Mỹ thể hiện sự vượt trội so với nhiều nước khác trên thế giới ở khía cạnh xác định rõ yếu tố cấu thành tội phạm, trong đó đặc biệt là chủ thể đưa hối lộ. Theo đó, bất kỳ người nào, bao gồm cả các tổ chức thương mại đều có thể là chủ thể đưa hối lộ cho công chức nước ngoài. Chính vì vậy, Mỹ rất chú trọng đến việc định nghĩa khái niệm “công chức nước ngoài”. Đây là “những viên chức, nhân viên chính phủ nước ngoài hoặc bất kỳ bộ, cơ quan hay tổ chức nào của chính phủ đó; hoặc của một tổ chức công, hoặc bất kỳ người nào có chức năng chính thức hoặc đại diện cho bất kỳ chính phủ hoặc bộ, cơ quan hay tổ chức nào của chính phủ đó; hoặc đại diện cho bất kỳ tổ chức quốc tế công nào”. Hiện, các tổ chức quốc tế công có thể kể đến như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Tổ chức Thương mại Thế giới…

Luật còn nghiêm cấm các khoản hối lộ cho “bất kỳ ứng cử viên nào cho các tổ chức chính trị nước ngoài” và “bất kỳ đảng phái, quan chức chính trị nước ngoài nào” có ảnh hưởng đến việc ra quyết định của đảng hoặc cá nhân đó; thúc đẩy đảng phái/cá nhân đó có bất kỳ hành động nào hoặc sử dụng ảnh hưởng của họ trong mối liên quan với việc đạt được lợi thế kinh doanh. Mặc dù thuật ngữ “quốc gia nước ngoài “ không được quy định trong FCPA, các văn bản pháp luật khác của Mỹ cũng có quy định hỗ trợ cho việc áp dụng nó như Luật Đăng ký các tổ chức nước ngoài. Ngoài ra, các khoản đưa hối lộ cho các công chức nước ngoài là nhân viên của “bộ máy công cụ” của các chính phủ nước ngoài cũng bị cấm. Họ có thể là cán bộ, giám đốc và nhân viên của các doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, các án lệ của Mỹ cũng cho thấy việc cho phép áp dụng luật về hối lộ công chức nước ngoài đối với cá nhân mà địa vị công chức không được thể hiện rõ ràng.

Coi trọng phát hiện vi phạm và thực thi pháp luật

Tính đến cuối năm 2017, Mỹ là quốc gia đã điều tra, truy tố và kết án nhiều nhất các vụ hối lộ công chức nước ngoài trong số các nước thành viên của Công ước chống hối lộ công chức nước ngoài trong giao dịch thương mại quốc tế của OECD.  Thành quả đó một phần là nhờ việc đề cao các cơ quan chuyên trách trong việc phát hiện và điều tra hối lộ công chức nước ngoài ở Mỹ. Vụ Hình sự thuộc Bộ Tư Pháp và Vụ Thực thi thuộc Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch của Mỹ chịu trách nhiệm chủ yếu trong việc ngăn ngừa, phát hiện và điều tra các hành vi hối lộ có yếu tố nước ngoài. Họ chia sẻ thẩm quyền thực thi luật FCPA, cam kết chống lại hối lộ công chức nước ngoài thông qua việc thực thi mạnh mẽ. Bên cạnh các đơn vị trên, các cơ quan có liên quan khác cũng hỗ trợ việc phát hiện và điều tra các trường hợp hối lộ công chức nước ngoài. Chẳng hạn, bộ phận chống gian lận của Vụ Hình sự thường phối hợp với Phòng Chưởng lý Mỹ và Cục Điều tra Liên bang (FBI) .

Ngoài ra, một số kênh hữu hiệu khác cho phát hiện tội hối lộ công chức nước ngoài ở Mỹ là thông qua các đăng ký phát hành chứng khoán, người tố giác, người bị hại và nhân chứng, thông tin được chuyển từ các cơ quan khác của chính phủ hoặc các cơ quan thực thi pháp luật khác, phân tích tình báo, báo chí điều tra, khiếu nại cá nhân, báo cáo hoặc ủy thác vụ việc từ cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài thông qua hoạt động tương trợ tư pháp… Thực tế cho thấy, hơn 40% các phán quyết về các vụ hối lộ ở Mỹ có liên quan đến hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài. 

Luật FCPA của Mỹ được đánh giá cao do đã khích lệ các công ty của nước này khi tham gia vào các hoạt động thương mại quốc tế phát triển những chương trình tuân thủ doanh nghiệp toàn diện. Trong đó, các công ty thiết lập các quy trình thủ tục để ngăn ngừa việc hối lộ, thực hiện các hoạt động điều tra nội bộ khi công tác quản lý phát hiện thấy những dấu hiệu của hối lộ. Đồng thời, các công ty cũng tự nguyện thông báo bất kỳ hành vi hối lộ nào đã bị phát hiện theo kết quả điều tra của họ cho Chính phủ.

Ngọc Minh