Thể chế chính trị Australia

Tòa nhà Nghị viện - công trình văn hóa

- Chủ Nhật, 16/02/2020, 08:17 - Chia sẻ
Một trong những hấp dẫn của nước Australia là nhà Nghị viện. Nhà Nghị viện được xây dựng ở trung tâm Thủ đô Canberra, rộng tới 25ha giữa rừng cây xanh bao la, phía trước là hồ nước nhân tạo Burley Griffin.

Nhà Nghị viện được khởi công vào năm 1981, có 50.000 công nhân tham gia xây dựng trong 8 năm và được Nữ hoàng Elizabeth II khánh thành vào năm 1988. Công trình có tổng chi phí hơn 1,1 tỷ USD. Vào thời điểm xây dựng, đây là tòa nhà đắt nhất ở Nam bán cầu.

Từ trên cao nhìn xuống, thiết kế của tòa nhà có hình hai chiếc boomerang (vũ khí của thổ dân Australia) khép lại thành một vòng tròn. Nhiều phần của tòa nhà được thiết kế ngầm bên dưới Đồi Capital, nhưng các phòng họp và phòng sinh hoạt cho nghị sĩ đều được bố trí nổi bên trong hai cánh hình boomerang.

Từ xa nhìn vào, tòa nhà là một vương miện khổng lồ, với chóp là cột cờ cao 81m. Cắm trên đỉnh cột cờ là lá cờ khổng lồ nặng gần 15kg với diện tích 82m2 (12,8m x 6,4m), kích thước khoảng bằng một nửa sân tennis. Riêng cột cờ nặng 220 tấn và được làm bằng thép không gỉ ở Newcastle, New South Wales. Kiến trúc tháp cột cờ được thiết kế làm chóp của Tòa nhà Nghị viện và trở thành biểu tượng dễ nhận thấy của Nghị viện nước này.

Tiền sảnh được trang trí bằng đá cẩm thạch với 48 cột màu xanh và hồng tượng trưng cho màu cây xanh và màu đất đai của Australia. Có 25.000 phiến đá granite ốp những bức tường bao quanh với tổng chiều dài 46km. Để xây dựng tòa nhà này, người ta cần tới 300.000m3 bêtông, đủ để xây dựng 25 Nhà hát Opera Sydney và có tuổi thọ thiết kế ít nhất 200 năm. Tòa nhà Nghị viện có 4.700 phòng và 2.700 đồng hồ được sử dụng để triệu tập các thành viên hay thượng nghị sĩ tới họp hay bỏ phiếu. Vào những ngày Nghị viện không họp, có khoảng 2.000 - 3.000 người làm việc ở đó.

Trong Nhà Nghị viện một sảnh đường treo chân dung các đời Thủ tướng của Australia từ trước đến nay; một thư viện khổng lồ; một bảo tàng mỹ thuật gồm 6.500 hiện vật với đủ các tác phẩm nghệ thuật của người bản địa đến các nghệ sĩ đương đại.

Mặt trước tòa nhà là bức tranh khảm trên đá granit rộng 196m2 của nghệ sĩ thổ dân Mchael Tjakamarra Nel-Walpiri mô tả nền văn minh cổ xưa của Australia. Ở Đại sảnh là bức thảm dài 20m, rộng 9m mô tả rừng cây bạch đàn của Australia, đây là bức thảm thêu lớn nhất thế giới của nghệ sĩ người Australia Arthur Boyd.

Sơ đồ Tòa nhà Nghị viện Australia cho thấy quy mô của nó và mối liên kết giữa nghị viện, chính phủ và các khu vực văn phòng khác. Tòa nhà này dài 300m, rộng 300m, trải trên diện tích sàn 250.000m2. Những bức tường bao khổng lồ dùng để phân tách giữa các khu vực. Trong đó, Hạ viện tọa lạc ở phía Đông, Thượng viện và các văn phòng nằm ở phía Tây. Khu văn phòng chính phủ nằm phía Nam, đằng sau là Đài Tưởng niệm Chiến tranh.

Không chỉ là tòa kiến trúc to đẹp, hiện đại nhất nhì thế giới mà công năng của nó cũng không đâu có. Bên cạnh chức năng là nơi làm việc của các nghị sĩ, đây còn công trình văn hóa với khu hội chợ, công viên văn hóa, nơi tổ chức triển lãm hội họa, điêu khắc, biểu diễn nghệ thuật, điện ảnh và sân khấu, đón tiếp khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm (không thu vé vào cửa); có bể bơi được làm bằng đá granit sáng bóng với giàn âm thanh đặc biệt; có nhà hàng cà phê và ẩm thực dân tộc phục vụ khách đến thăm.

PGS. TS Lê Đình Cúc