Tọa đàm vai trò sở hữu trí tuệ với phát triển kinh tế - xã hội

- Thứ Sáu, 10/05/2019, 22:33 - Chia sẻ

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại tọa đàm 

Phát biểu tại Tọa đàm “Vai trò của sở hữu trí tuệ với phát triển kinh tế - xã hội” do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho rằng: Mặc dù nền tảng pháp luật về SHTT của Việt Nam cơ bản phù hợp chuẩn mực quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội thời gian qua, nhưng đóng góp của SHTT vào sự phát triển của đất nước còn hạn chế. Hệ thống SHTT chưa tiếp cận được với cách thức mới là một cấu phần quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy, nội dung SHTT là bộ phận không thể thiếu trong chính sách phát triển công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa đến y tế, giáo dục, môi trường…

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đề nghị các chuyên gia chia sẻ và làm sâu sắc hơn một số vấn đề:  Làm thế nào để Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia là một phần cấu thành quan trọng của hệ thống Đổi mới sáng tạo quốc gia? Giải pháp để đẩy mạnh sở hữu trí tuệ trong xác lập và bảo hộ thực thi quyền tạo được sự khuyến khích và thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động Đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ? Giải pháp tạo thuận lợi và thúc đẩy việc ứng dụng và thương mại hóa tài sản trí tuệ?  Để chiến lược sở hữu trí tuệ gắn chặt trong chiến lược và chính sách KT-XH của các ngành, lĩnh vực thì những vấn đề gì cần đặt ra? Những vấn đề đặt ra trong xu hướng phát triển hiện nay để thúc đẩy hiệu quả hệ thống sở hữu trí tuệ?

Tại Tọa đàm, các chuyên gia và Bộ, ngành đã cùng chia sẻ các nội dung liên quan đến gắn kết sở hữu trí tuệ vào các chính sách phát triển KT-XH trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và khuyến nghị cho dự thảo Chiến lược Sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Khẳng định vai trò của SHTT với phát triển kinh tế - xã hội cần có sự tham gia, chung tay của các chủ thể trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Bên cạnh đó, phải cải thiện vấn đề thể chế, nhân lực, cơ sở hạ tầng đồng bộ; phải đảm bảo hệ thống luật pháp ổn định, thường xuyên rà soát cập nhật; cần lồng ghép SHTT vào các chính sách phát triển KT-XH, chính sách KH-CN và chính sách của các ngành, lĩnh vực để sở hữu trí tuệ phát huy tốt nhất vai trò của mình và đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia phải tạo ra mối liên hệ chặt chẽ giữa các mục tiêu phát triển KT-XH quốc gia, các ưu tiên phát triển, các nguồn lực với hệ thống SHTT quốc gia…

Tin và ảnh: NHẬT ANH