Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật - Định hướng và lộ trình thực hiện”

- Thứ Năm, 18/10/2018, 15:52 - Chia sẻ
Trải qua gần 60 năm hình thành phát triển, không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của hệ thống ngành bảo vệ thực vật (BVTV) góp phần đưa đất nước trở thành quốc gia hàng đầu về xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp với tổng giá trị 36,2 tỷ USD năm 2017. Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện tình trạng lạm dụng thuốc BVTV đem đến nhiều hệ lụy tác hại cho sản xuất, môi trường, sức khỏe cộng đồng, đe dọa sự phát triển bền vững của nông nghiệp.

Với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng thuốc BVTV - Định hướng và lộ trình thực hiện”, Tọa đàm trực tuyến do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức nhằm trao đổi, thu nhận ý kiến ĐBQH, chuyên gia, nhà quản lý, cử tri trong triển khai chính sách pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV; khẳng định vai trò của công tác BVTV trong việc phát triển nền nông nghiệp sạch, hữu cơ, bền vững gắn với phát triển kinh tế của đất nước. Đồng thời làm rõ vai trò giám sát của cơ quan dân cử, của nhân dân nhằm thực thi pháp luật về BVTV, góp phần phát triển nền nông nghiệp nước nhà.

Lãnh đạo Báo Đại biểu Nhân dân chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự Tọa đàm
Ảnh: Lâm Hiển

Các khách mời tham gia Tọa đàm gồm:

Ông Nguyễn Vinh Hà, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội;

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam;

Bà Lê Thị Khánh Hòa, Giám đốc Quản trị bền vững Công ty Syngenta Việt Nam; Trưởng nhóm Truyền thông CropLife Việt Nam;

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời.

Trân trọng kính mời độc giả theo dõi nội dung tọa đàm tại đây:

PGS. TS Đỗ Chí Nghĩa, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân phát biểu khai mạc Tọa đàm: Làm sao thuốc BVTV là phương tiện để có nền sản xuất nông nghiệp an toàn chứ không phải là nỗi ám ảnh trong mỗi bữa cơm gia đình!

Báo Đại biểu Nhân dân vui mừng chào đón các vị khách mời, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp, nhà sản xuất liên quan đến lĩnh vực thuốc BVTV đến tham dự tọa đàm “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng thuốc BVTV - Định hướng và lộ trình thực hiện”. Đây là đề tài được nhân dân và cử tri quan tâm. Đặc biệt, Tọa đàm được thực hiện ngay trước Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XIV, góp phần vào bức tranh tổng thể báo cáo của Chính phủ về phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, trong đó có lĩnh vực phát triển nông nghiệp. Bên cạnh thành quả đạt được của nền nông nghiệp nước nhà, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng về chất lượng đời sống, trong đó có vấn đề liên quan đến việc quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV.

PGS. TS Đỗ Chí Nghĩa, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân phát biểu khai mạc Tọa đàm
Ảnh: Lâm Hiển

Là một đất nước khí hậu nhiệt đới, có nền nông nghiệp phát triển, việc sử dụng thuốc BVTV là cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, phải làm sao để việc sử dụng thuốc BVTV vừa bảo đảm giá trị sản xuất của nông nghiệp, bảo đảm sức khỏe của người tiêu dùng, vừa hướng tới xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại bền vững, khả năng cạnh tranh cao, đưa nông sản Việt Nam vươn tầm thế giới còn là cả thách thức lớn.

Sự e ngại thuốc BVTV cũng chính là rào cản khiến nông sản Việt Nam khó tiếp cận với thị trường các nước. Chính vì vậy, Báo Đại biểu Nhân dân mong muốn tọa đàm này với sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thuốc BVTV... sẽ bước đầu đánh giá rõ thực trạng, đưa ra giải pháp làm sao thuốc BVTV là phương tiện để có nền sản xuất nông nghiệp an toàn, phát triển chứ không phải là nỗi ám ảnh trong mỗi bữa cơm gia đình và là điểm hao hụt, điểm yếu của nông nghiệp nước ta. 

Chúng tôi biết rằng, có doanh nghiệp quản lý tốt thuốc BVTV, đạt mục tiêu cần nhiều yếu tố nhưng quan trọng là truyền thông để nâng cao nhận thức. Bởi vì nông dân canh tác có đặc điểm riêng, nếu canh tác tập trung, tích tụ ruộng đất tốt thì việc ứng dụng khoa học công nghệ, việc quản lý thuốc BVTV chắc chắn hiệu quả. Tuy nhiên, khi đi thực tế, chúng tôi biết rằng nhiều tỉnh làm tốt nhưng vướng cơ chế chính sách, vướng Luật Đất đai, để sửa đổi là quá trình dài. Nông nghiệp như đoàn tàu đang chạy, vẫn phải sản xuất hàng ngày, không dễ để đạt hiệu quả cao như vậy. Trên tinh thần chia sẻ thách thức, mong các nhà quản lý, diễn giả, khách mời chỉ rõ nguyên nhân, bất cập do đâu, thậm chí có lợi ích nhóm hay không, có rào cản hay không?... để cùng nhau tháo gỡ những vấn đề lâu nay làm ảnh hưởng đến lợi ích của nông dân, của nền nông nghiệp. 

Mong đồng nghiệp, cơ quan báo chí chia sẻ, lan tỏa thông tin khách quan bằng tâm huyết, trách nhiệm của truyền thông với nhân dân, với nền nông nghiệp của đất nước.

Quản lý sử dụng thuốc BVTV - khó khăn và thách thức

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Cho đến nay, thuốc BVTV vẫn là một loại vật tư quan trọng không thể thiếu trong phòng trừ dịch hại cây trồng, bảo vệ sản xuất trong nông nghiệp. Gần như 100% các quốc gia trên thế giới đều sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ dịch hại. Vấn đề đặt ra là việc quản lý thuốc BVTV như sử dụng loại nào, liều lượng sử dụng ra sao để đáp ứng với nhu cầu sản xuất, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. 

Một trong những vấn đề còn tồn tại, bất cập đó chính là danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam hiện còn có quá nhiều tên thương phẩm không còn phù hợp với sản xuất; vấn đề vi phạm trong sản xuất và kinh doanh, và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp; xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và đặc biệt là vấn đề dư lượng thuốc trong nông sản là một trong các nguy cơ làm mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người, vật nuôi và môi trường, ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Câu hỏi đầu tiên, xin được hỏi ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý về lĩnh vực thuốc BVTV, theo ông những thách thức nào đang đặt ra trong công tác quản lý và sử dụng thuốc BVTV? Hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã đáp ứng việc kiểm soát hiệu quả công tác đăng ký thuốc BVTV hay chưa?

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Ảnh: Lâm Hiển

Ông Hoàng Trung: Cục BVTV là đơn vị giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN – PTNT) trong lĩnh vực quản lý nhà nước với thuốc BVTV. Trong mấy chục năm vừa qua, trong quá trình hình thành và phát triển, từ xây dựng hành lang pháp lý, cũng như nghiên cứu quản lý và sử dụng thuốc BVTV xuống tới địa phương, ngoài kết quả đã đạt được, trong tình hình mới hiện nay cũng như hướng tới tương lai, lĩnh vực thuốc BVTV phải đối mặt với những thách thức.

Mục tiêu của chúng ta là sử dụng hay quản lý thuốc BVTV làm sao hiệu quả, với tiêu chí rõ ràng trong cả chiến lược phát triển chung cũng như đề án của Bộ NN - PTNT, một là phải hướng tới nền nông nghiệp phát triển sạch và bền vững; thứ hai việc sử dụng thuốc BVTV phải làm sao bảo đảm sức khỏe của người dân và cộng đồng; thứ ba là bảo vệ môi trường sống của người dân cũng như môi trường trong sản xuất nông nghiệp; thứ tư, các sản phẩm trồng trọt có sử dụng thuốc BVTV làm ra phải đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như đáp ứng mong mỏi của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.

Thời gian dài vừa qua, chúng tôi liên tục cùng các cơ quan lập pháp, các doanh nghiệp làm sao hướng tới những mục đích này. Trong quá trình thực hiện, có những thách thức:

Đầu tiên, là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, dù đã cố gắng xây dựng hành lang pháp lý trong việc quản lý và sử dụng thuốc BVTV làm sao cho hiệu quả, cho đến nay, trong quá trình rà soát, áp dụng luật pháp vào thực tế có một số thách thức mà trong thời gian tới chúng ta tiếp tục phải xử lý: một là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho phép đối tượng đăng ký thuốc BVTV vẫn trong phạm vi quá rộng. 

Thứ hai, về nguyên tắc, các nước cho đăng ký thuốc BVTV và sản phẩm vào, nguyên tắc là phải có vào, có ra và có thời hạn nhất định. Những điều này đã được quy định trong Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, có hiệu lực từ ngày 1.1.2015, tuy nhiên, việc gia hạn trong một số văn bản đăng ký chưa thực sự rõ ràng.

Thứ ba, chúng ta muốn hướng tới mục tiêu nền nông nghiệp sạch, đưa ra các sản phẩm an toàn thực phẩm và hướng tới xuất khẩu, thì việc có quy định, chính sách khuyến khích phát triển thuốc BVTV sinh học là điều hết sức quan trọng. Mặc dù chúng ta cũng đã có, nhưng chính sách hiện nay trong luật và các quy định chưa đủ mạnh.

Một trong những vấn đề đang thiếu trong hành lang pháp lý của chúng ta là trước biến đổi khí hậu mạnh mẽ phát sinh, phát triển một số loại dịch bệnh mới trước đây và hiện nay chúng ta chưa có loại thuốc nào để phòng trừ. Nếu phải theo quy trình quản lý chặt chẽ hiện nay thì chưa có một cơ chế mang tính chất áp dụng biện pháp khẩn cấp để có thuốc phù hợp, xử lý ngay những phát sinh đó.

Bên cạnh đó, ngành trồng trọt là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nhất của biến đổi khí hậu trong thời gian vừa qua, với bão, lũ, hạn hán triền miên. Với hình thức biển đổi khác nhau kèm theo phát sinh ra các loại dịch hại mới, toàn dịch hại rất nghiêm trọng. Ví dụ, trong 5 năm gần đây, các loại dịch hại trên lúa rất nhiều. Bên cạnh đó có các loại sinh vật gây hại trước đây là sinh vật gây hại thứ cấp, thường gây hại trên diện nhỏ, rải rác thì nay là sinh vật gây hại nguy hiểm... Ứng phó với biến đổi khí hậu đang là thách thức trong quá trình đó, chính vì vậy, đặt ra quản lý và việc sử dụng thuốc BVTV cho hiệu quả.

Với đơn vị quản lý thuốc BVTV, trải qua 60 năm xây dựng, hệ thống tổ chức BVTV từ TƯ đến địa phương được chia thành 3 cấp rõ ràng. Cục BVTV có 63 chi cục, hơn 750 trạm BVTV để triển khai các quy định pháp luật về BVTV, quản lý và sử dụng thuốc BVTV sao cho hiệu quả. Chúng tôi đang gặp khó khăn là thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, 19-NQ/TW, là Nghị quyết đúng đắn, nhưng đang tác động rất mạnh đến hệ thống này. Ở nhiều tỉnh thành đang áp dụng mỗi nơi một kiểu, dẫn tới để bảo đảm sự thống nhất trong chỉ đạo đang gặp khó khăn. Chúng tôi mong muốn Chính phủ và các Bộ, ban ngành có liên quan phối hợp với Bộ NN - PTNT có hướng dẫn cụ thể, tiếp tục củng cố, xây dựng mô hình thống nhất trong cả nước thì mới có khả năng thực thi và quản lý tốt việc sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả.

Song hành với vấn đề này, một trong những công việc chúng ta phải làm thường xuyên là thanh tra, kiểm tra, xem việc chấp pháp của doanh nghiệp, việc sử dụng thuốc BVTV, ngăn chặn vi phạm pháp luật. Hiện nay hệ thống thanh tra kèm theo cũng đang có những thay đổi lớn, dẫn tới thanh tra, kiểm tra kiểm soát được thuốc không đúng nguyên tắc đề ra, thuốc giả, kém chất lượng, thuốc nhập lậu... là một trong những thách thức. Chúng tôi đã báo cáo Bộ và các ngành liên quan cố gắng củng cố đội ngũ này để thực hiện thanh tra, kiểm tra tốt hơn trong thời gian tới, phục vụ công tác quản lý nhà nước về sử dụng thuốc BVTV thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong BVTV, có một số vấn đề cần bổ sung trong thời gian tới, dù theo đánh giá chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực BVTV đến nay là đầy đủ nhất trong hệ thống văn bản của Bộ NN - PTNT: có Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, nghị định, thông tư cụ thể, hơn 800 tiêu chuẩn cơ sở và hơn 100 tiêu chuẩn Việt Nam. Ngày 5.10 vừa rồi, Bộ NN- PTNT đã hoàn tất và ký ban hành thông tư 12: Quy chuẩn Kỹ thuật về kiểm tra chất lượng thuốc BVTV. Thông tư này phù hợp với yêu cầu của Chính phủ là với các loại vật tư nhóm 2, nhóm có nguy cơ cao về mất an toàn, phải có quy chuẩn kỹ thuật để kiểm tra và bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng được Bộ NN – PTNT giao tham gia các công ước quốc tế về BVTV, đó cũng là một trong những hành lang pháp lý hỗ trợ quản lý thuốc BVTV một cách tốt hơn, hiệu quả hơn.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam, từ đòi hỏi thực tế buộc hệ thống tổ chức của ngành BVTV có những thay đổi để đáp ứng, ông có kiến nghị đóng góp gì cho việc xây dựng định hướng công tác BVTV của Chính phủ, Bộ NN- PTNT ngày một chặt chẽ hơn? 

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam
Ảnh: Lâm Hiển

Ông Nguyễn Văn Sơn: Thứ nhất, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về việc sắp xếp lại hệ thống tổ chức của ngành Nông nghiệp nói chung và ngành BVTV nói riêng, nhiều tỉnh như Sơn La, Hà Giang, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Tháp đã sát nhập Trạm BVTV với các cơ sở như thú y, chăn nuôi, khuyến nông,.. để trở thành Trung tâm Dịch vụ kỹ thật Nông nghiệp hoặc Trung tâm Nông nghiệp với chức năng và nhiệm vụ khác nhau nên công tác BVTV và quản lý thuốc BVTV ở cấp huyện cũng có nhiều hạn chế. Nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm và vật tư nông nghiệp được giao cho Phòng Nông nghiệp hoặc Phòng kinh tế. Như vậy, hệ thống quản lý thuốc BVTV cũng có những thay đổi. Nếu so với Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật rõ ràng đã có những cái khác. Thứ hai là vấn đề an toàn thực phẩm đang là thách thức và càng ngày càng siết chặt. Vấn đề rào cản thương mại về dư lượng thuốc BVTV cũng đặt ra. Nhiều hàng nông sản cũng được yêu cầu dư lượng rất thấp. Từ những thách thức đó, việc sửa đổi, bổ sung để hoàn chỉnh các hệ thống văn bản, quy luật BVTV như Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT về việc quản lý, sản xuất và kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV thì đến nay cần có sự sửa đổi, bổ sung. Chính vì những lý do đó thì Hội chúng tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ NN - PTNT và các cơ quan quản lý cần sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật.

Thứ hai, chủ trương của Bộ NN - PTNT về việc loại bỏ một số loại thuốc BVTV độc hại ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, Hội chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị khi xét loại bỏ thuốc BVTV cần dựa vào cơ sở khoa học và bằng chứng cụ thể thuyết phục. Những loại thuốc BVTV đang được kinh doanh với khối lượng lớn dễ ảnh hưởng đến sản xuất và các doanh nghiệp thì Bộ NN - PTNT, Cục BVTV cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng về nhiều mặt. Bộ NN - PTNT cần tham khảo ý kiến rộng rãi của các doanh nghiệp, các nhà khoa học, các tổ chức kinh tế - xã hội, các tổ chức nước ngoài để xem xét và có giải pháp phù hợp oại bỏ được các thuốc BVTV độc hại vừa giúp bảo vệ được sức khỏe con người, môi trường, đảm bảo có nông sản xuất khẩu vừa không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và ít ảnh hưởng đến sự kinh doanh của các doanh nghiệp thuốc BVTV. Bộ NN - PTNT, Cục BVTV nên có lộ trình, trong đó cho phép sản xuất, nhập khẩu tối đa 1 năm, được buôn bán, sử dụng tối đa 2 năm để doanh nghiệp có thời gian thực hiện hợp đồng đã ký và tiêu thụ hết sản phẩm đã sản xuất hoặc nhập. Hiện nay, Cục BVTV cũng đã có thông báo sớm để các doanh nghiệp biết nhằm mục đích dừng ngay việc đăng ký mới các thuốc BVTV sẽ bị loại bỏ, giúp doanh nghiệp có kế hoạch đăng ký bổ sung cũng như tìm các sản phẩm thay thế. Các doanh nghiệp thuốc BVTV Việt Nam cũng nên cam kết nghiên cứu và phát triển các thuốc BVTV sinh học và hóa học thế hệ mới để thay thế những thuốc hóa học độc hại đã bị loại bỏ. Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam sẽ phối hợp với tổ chức Croplife và các Hiệp hội khác đề xuất các giải pháp phù hợp theo tiêu chuẩn Quốc tế nhằm giảm được 30% số lượng tên thương phẩm thuốc BVTV vào năm 2021.

Thứ ba, cho đến nay Bộ NN - PTNT đã có rất nhiều cố gắng trong việc biên soạn các quy chuẩn cho các loại thuốc BVTV tuy nhiên vì khối lượng rất lớn cho nên vẫn chưa có đủ các quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia cho tất cả các loại thuốc BVTV. Vì thế, Hiệp hội chúng tôi đề nghị Bộ NN - PTNT, Cục BVTV xây dựng và tiếp tục công bố qui chuẩn chất lượng cho tất cả các thuốc BVTV có trong danh mục; tăng cường quản lý chất lượng thuốc BVTV nhập khẩu và thuốc gia công, đóng gói trong nước.

Thứ tư, thuốc BVTV nhái và giả thường được sản xuất ở trình độ cao, tinh vi, rất giống hàng thật nên rất khó phân biệt, cách phân phối của các nơi làm giả rất linh hoạt. Vì vậy các cơ quan quản lý cần cập nhật và phổ biến kiến thức thường xuyên về cách phát hiện thuốc BVTV giả và nhái. Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam đề nghị Bộ NN - PTNT, Cục BVTV cùng các cơ quan có liên quan đến việc quản lý thuốc BVTV cần xây dựng cơ chế phối hợp quản lý, kiểm tra có hiệu quả giữa các cơ quan quản lý tại Trung ương, tại địa phương, giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau và với các Hiệp hội để phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực thuốc BVTV có hiệu quả. 

Thứ năm, Nhà nước cần xây dựng và ban hành các quy định xử phạt mạnh và chi tiết hơn đối với các doanh nghiệp và đại lý kinh doanh thuốc BVTV vi phạm, đặc biệt xử phạt nặng những trường hợp cố tình hướng dẫn sai liều lượng, đối tượng phòng trừ, phương pháp sử dụng sai, hỗn hợp nhiều loại thuốc không đúng quy định với nhau. 

Thứ sáu, hiện nay vẫn còn tình trạng người bán thuốc BVTV thiếu chuyên nghiệp. Việc sử dụng thuốc BVTV của bà con nông dân còn tùy tiện, kém hiểu biết và phụ thuộc hoàn toàn vào hướng dẫn của đại lý bán hàng. Trình độ chuyên môn của các đại lý thuốc BVTV còn yếu kém, thường chạy theo lợi nhuận, bất chấp hiệu quả xấu có thể gây ra. Trong khi đó, một số nơi các cấp chính quyền còn phó mặc cho phía ngành BVTV. Đó là khó khăn thách thức chung. Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam kính đề nghị Bộ NN - PTNT, Cục BVTV cần có những quy định cụ thể để xác định rõ hơn về quyền hạn và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người sử dụng thuốc BVTV, quyền hạn của chính quyền địa phương như: phường, xã trong công tác quản lý và sử dụng thuốc BVTV; tránh hiện tượng chồng chéo hoặc bỏ trống không có cơ quan nào chịu trách nhiệm.

Thứ bảy, cần công bố công khai các tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện gia công, đóng gói thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam trên Website của Cục BVTV để người dân, cơ quan quản lý địa phương tra cứu và tham khảo.

Thứ tám, Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam đề nghị Bộ NN - PTNT cần có chính sách khuyến khích trong việc đăng ký và sử dụng thuốc BVTV sinh học và thuốc hóa học thế hệ mới. Mọi ưu tiên phải được thể hiện bằng các quy định trong các văn bản pháp luật chứ không nói chung chung, đồng thời cần xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch gắn với việc sử dụng thuốc BVTV sinh học và thuốc BVTV hóa học ít độc hại.

Thứ chín, Chính phủ, Bộ NN - PTNT cùng các địa phương cần xem xét cho chủ trương quy hoạch, xây dựng các khu công nghiệp sản xuất thuốc BVTV sinh học và hóa học thế hệ mới nhằm giảm lượng thuốc nhập khẩu. Đây cũng là một khó khăn. Để thực hiện được chủ trương này cần xây dựng các đề án cụ thể trình Nhà nước, Chính phủ, Bộ NN - PTNT phê duyệt từ quỹ đất đai không trồng trọt được, xa dân cư, đảm bảo xử lý tốt môi trường, không gây hậu quả lâu dài.

Thứ mười, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về sản xuất kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV có hiệu quả, an toàn cho người và môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đề nghị Cục BVTV tiếp tục chủ trì và phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam, Croplife, các cơ quan truyền thông và các tổ chức khác có liên quan tổ chức các chương trình truyền thông, tập huấn chuyên môn về sử dụng, khảo nghiệm thuốc BVTV, xây dựng các mô hình hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn và có hiệu quả, tiếp tục phát triển mô hình thu gom bao bì thuốc BVTV.

Mười một, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, tôi đề nghị các đại biểu Quốc hội có thể giúp tuyên truyên việc sử dụng thuốc BVTV hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm với cộng đồng.

Cuối cùng, chúng tôi đề nghị Chính phủ, Bộ NN - PTNT nên đưa việc sử dụng thuốc BVTV hiệu quả, an toàn, có trách nhiệm với cộng đồng là một trong các tiêu chuẩn để xét duyệt địa phương đạt chuẩn nông thôn mới.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Nguyễn Vinh Hà, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, dưới góc độ lập pháp, ông nhìn nhận như thế nào về vai trò hệ thống pháp luật về BVTV và những khó khăn, thách thức đặt ra đối với công tác quản lý, sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV?

Ông Nguyễn Vinh Hà, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
Ảnh: Lâm Hiển

Ông Nguyễn Vinh Hà: Hệ thống văn bản pháp luật về BVTV ở nước ta hiện nay đã thể chế hóa được tất cả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BVTV, kiểm dịch thực vật và quản lý thuốc BVTV. Các hệ thống văn bản này được xây dựng trên cơ sở hướng dẫn của tổ chức Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như như Công ước Rotterdam, Công ước Stockholm, Công ước Basel và Nghị định thư Montreal… phù hợp, hài hòa các nguyên tắc quản lý thuốc BVTV của các nước ASEAN. 

Tôi đánh giá, về cơ bản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã đầy đủ, hoàn chỉnh, bao gồm Luật Hóa chất 2006, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật 2013, các Nghị định của Chính phủ liên quan đến nông nghiệp và phát triển nông thôn. Các quy định về BVTV đã đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế- xã hội bền vững, góp phần phát triển một nền nông nghiệp an toàn, đáp ứng nhu cầu về các mặt hàng nông lâm sản, đẩy mạnh việc xã hội hóa trong các hoạt động BVTV.

Chúng ta coi thuốc BVTV là hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất kinh doanh, sử dụng phải được kiểm soát chặt chẽ. Chỉ có những loại thuốc BVTV được nằm trong danh mục thuốc BVTV Việt Nam mới được phép kinh doanh, sản xuất và sử dụng. Vì những quy định như vậy, thời gian qua việc quản lý, sản xuất thuốc BVTV có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Căn cứ trên các đánh giá đã được nghiên cứu, những thành quả trên đã thể hiện quyết tâm lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ với công tác quản lý, sản xuất thuốc BVTV.

Tuy nhiên, có 4 thách thức đặt ra trong tình hình quản lý thuốc BVTV hiện nay: 

Thứ nhất, một số quy định về quản lý, kinh doanh và sản xuất thuốc BVTV đã bắt đầu lỗi thời, chưa phù hợp yêu cầu thực tiễn. Việc kiểm soát tốt toàn bộ quá trình tồn dư thuốc BVTV trên nông sản chưa làm tròn hoàn toàn được. Vấn đề này đặt ra trong quá trình tới cần rà soát văn bản điều hành, nhằm điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng thời phù hợp phương pháp của quốc tế. 

Thứ hai, danh mục thuốc BVTV hiện nay cũng hơi mất cân đối, chủ yếu là thuốc BVTV gắn với cây lương thực, trong đó cây lúa là chủ yếu còn các cây khác chưa được chú ý. 

Thứ ba, vấn đề chính sách ưu tiên chưa rõ ràng, chưa hiệu quả đối với các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh sản xuất hay sử dụng thuốc BVTV có nồng độ sinh học thế hệ mới. 

Cuối cùng, hiện nay chúng ta cũng chưa có quy trình sử dụng thuốc BVTV sinh học với sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa bà Lê Thị Khánh Hòa, Giám đốc Quản trị bền vững Công ty Syngenta Việt Nam; Trưởng nhóm Truyền thông CropLife Việt Nam, được biết CropLife có phạm vi hoạt động trên toàn cầu với mục tiêu hỗ trợ ứng dụng các thành tựu khoa học thực vật và các giải pháp khoa học công nghệ trong nông nghiệp, bà đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của các quy định về quản lý thuốc BVTV dựa trên cơ sở khoa học và hài hòa hóa theo chuẩn quốc tế?

Bà Lê Thị Khánh Hòa, Giám đốc Quản trị bền vững Công ty Syngenta Việt Nam; Trưởng nhóm Truyền thông CropLife Việt Nam
Ảnh: Lâm Hiển

Bà Lê Thị Khánh Hòa: CropLife là một Hiệp hội của các tập đoàn hàng đầu thế giới về nghiên cứu và phát triển công nghệ và giải pháp khoa học về BVTV và giống cây trồng bao gồm Arysta, BASF, Bayer, Corteva, FMC, Sumitomo Chemical, Sumit Agro và Syngenta… Hiệp hội chúng tôi hoạt động trên phạm vi toàn cầu với mục tiêu hỗ trợ ứng dụng các thành tựu khoa học thực vật và các giải pháp khoa học công nghệ trong nông nghiệp.

Để một sản phẩm thuốc BVTV hoàn toàn mới, được giới thiệu ra thị trường, thông thường các công ty phát triển phải mất 11 năm nghiên cứu và 283 triệu đô la Mỹ để thực hiện nghiên cứu và đáp ứng các quy trình về thử nghiệm, đánh giá an toàn theo chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất. Với mức độ đầu tư rất lớn về thời gian và tài chính cho một sản phẩm công nghệ cao, tiên tiến, các công ty nghiên cứu thuốc BVTV cần một hệ thống pháp quy phù hợp, có thể dự đoán được và dựa trên cơ sở khoa học và nguyên tắc đánh giá rủi ro. 

Một hệ thống pháp lý hiệu quả cần phù hợp với mỗi quốc gia, đáp ứng các nhu cầu của xã hội và khuyến khích kết nối các cơ hội để đưa công nghệ đến với người sử dụng một cách có kiểm soát, một mặt vừa đảm bảo quản lý hiệu quả các rủi ro có thể có với sức khoẻ con người và môi trường, với tính an toàn của sản phẩm, mặt khác vẫn tạo bản lề để thúc đẩy đầu tư, khuyến khích đổi mới sản phẩm. Ngoài ra chúng tôi cũng cho rằng, áp dụng các nguyên tắc đánh giá quản lý thuốc BVTV phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế cũng là một trong các điều kiện giúp hàng hóa nông sản của Việt Nam vượt qua được các rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Do đó, tại mỗi quốc gia, CropLife luôn khuyến khích và hỗ trợ xây dựng khung hành lang pháp lý liên quan tới quản lý và sử dụng BVTV dựa trên khoa học và hài hoà hoá các quy chuẩn quốc tế, vì việc thực thi một hệ thống như vậy sẽ là công cụ tốt nhất để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và mang lại lợi ích cho tất cả các bên có liên quan.

Thứ nhất, đối với người tiêu dùng, các quy chuẩn đánh giá và quản lý dựa trên cơ sở khoa học là nền tảng tốt nhất để họ tin tưởng và yên tâm rằng các sản phẩm được sử dụng đúng cách sẽ không tạo ra các rủi ro nào về sức khoẻ và môi trường, đặc biệt việc sử dụng các giải pháp thuốc BVTV tiên tiến đang giúp hạn chế sâu bệnh, tạo ra nguồn lương thực ngày càng dồi dào, an toàn và tươi ngon hơn cho người tiêu dùng. 

Thứ hai, đối với nông dân, một quy trình pháp lý như vậy sẽ giúp họ tiếp cận nhanh nhất với các thành tựu khoa học tiên tiến, có thêm nhiều công cụ hơn để quản lý mùa màng hiệu quả và tạo ra nhiều hơn các sản phẩm an toàn cho thị trường. Đồng thời, áp dụng và hài hoà hoá các quy định quốc gia và quy chuẩn quốc tế cũng là một cách tốt nhất giúp nông dân tuân thủ việc sử dụng thuốc BVTV một cách có trách nhiệm theo các qui định về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu.  

Thứ ba, đối với các các đơn vị phát triển sản phẩm, đây là điều kiện tiên quyết giúp các công ty tuân thủ theo đúng các quy định về đăng ký lưu hành, sản xuất và thương mại các sản phẩm thuốc BVTV của các quốc gia phù hợp với các quy chuẩn quốc tế. Đây cũng là cơ sở để các công ty nghiên cứu phát triển tiếp tục đầu tư vào quá trình nghiên cứu và phát triển khoa học tạo ra các sản phẩm tiên tiến hơn và giúp nông dân Việt Nam được tiếp cận với các sản phẩm cũng như giải pháp mới một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất và an toàn nhất.

Quan trọng nhất, đối với các cơ quan quản lý nhà nước, một quy trình xem xét đánh giá, khảo nghiệm và quản lý thuốc dựa vào nền tảng khoa học và hài hòa quốc tế sẽ là điều kiện tiên quyết để đảm bảo tính an toàn, hiệu quả và phù hợp của sản phẩm trước khi thương mại và được đưa ra thị trường đồng thời cũng tận dụng được các lợi thế về khoa học và ứng dụng tiên tiến của các nước phát triển để rút ngắn thời gian đánh giá thử nghiệm và đưa nhanh công nghệ vào thực tiễn sản xuất tại Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhìn từ việc loại bỏ các hoạt chất thuốc BVTV độc hại

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Theo Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, các loại thuốc sẽ bị loại khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam trong trường hợp có bằng chứng khoa học về thuốc BVTV gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường. Theo Luật, thuốc thành phẩm hoặc hoạt chất trong thuốc thành phẩm có độc cấp tính loại I, II theo Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS), trừ thuốc BVTV sinh học, thuốc BVTV dùng để xông hơi khử trùng, thuốc trừ chuột; thuốc trừ mối gây hại công trình xây dựng, đê điều; thuốc bảo quản lâm sản mà lâm sản đó không dùng làm thực phẩm và dược liệu sẽ không được đăng ký vào danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.

Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân- Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng
Ảnh: Lâm Hiển

Với mục tiêu quản lý chặt chẽ, chỉ để lại trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam những loại thuốc thực sự hiệu quả, phục vụ nhu cầu sản xuất an toàn, bền vững, ngày 28.8 vừa qua, Bộ NN - PTNT đã có quyết định tiếp tục loại bỏ 4 hoạt chất (36 tên thương phẩm) ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, các hoạt chất gồm Acephate, Diazinon, Malathion, Zinc phosphide. Trước đó, năm 2017, Bộ NN – PTNT cũng đã tiến hành loại bỏ 7 hoạt chất khỏi danh mục. Như vậy, sẽ có 1.060 tên thương phẩm bị loại ra khỏi danh mục.

Việc loại bỏ này dựa trên các căn cứ, cơ sở khoa học và tiêu chuẩn quốc tế đang được công nhận theo thứ tự như: Độ độc nhóm cao; Có cảnh báo, kết quả nghiên cứu và nguy cơ cao ảnh hưởng tới sức khỏe con người; Có các kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu lực của thuốc thấp. Điều này không chỉ tạo ra cơ chế quản lý có hiệu quả mà còn đảm bảo nông dân vẫn có được các công cụ an toàn và hiệu quả để sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là nền tảng để tiếp tục khuyến khích đầu tư nước ngoài, giới thiệu các sản phẩm thuốc tiên tiến nhất tới thị trường và nông dân tại Việt Nam.

Việc loại bỏ thuốc BVTV độc hại, có hiệu lực sinh học thấp, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường thời gian qua được xem là thành công lớn của Cục BVTV, là nỗ lực đưa thuốc BVTV thân thiện hơn với môi trường. Thưa ông Hoàng Trung, để thực hiện có hiệu quả, đúng quy định và đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp, công tác quản lý thuốc BVTV ở tất cả các khâu, từ đăng ký, khảo nghiệm, cấp phép nhập khẩu, sản xuất, buôn bán, sử dụng sẽ được siết chặt thế nào, lộ trình cụ thể ra sao?

Ông Hoàng Trung: Liên quan tới việc loại bỏ các loại thuốc BVTV theo đúng quy định pháp luật, có thể nói, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo rất sát sao của Bộ, chúng tôi cũng đã thực hiện theo đúng quy định của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, tức là phải rà soát, loại bỏ các loại thuốc BVTV nhóm 1, nhóm 2, Luật quy định rất rõ không được đưa vào danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Thứ hai, các loại thuốc thuộc nhóm 3, nhóm 4 đối với rau và chè theo phân loại cấp độ độc của GHS cũng rà soát, loại bỏ. Theo quy định của pháp luật đến 2020, chúng tôi cũng tiếp tục loại bỏ một hàm lượng hoạt chất theo đúng quy định. Một trong những quy định vừa rồi Cục đã thực hiện là xem xét loại bỏ các loại thuốc BVTV ảnh hưởng tới sức khỏe con người, ảnh hưởng tới môi trường, có hiệu lực sinh học thấp, các hoạt chất nằm trong Phụ lục III của Công ước Rotterdam...

Ảnh: Lâm Hiển

Về lộ trình, chúng tôi có cả hội đồng rà soát các hoạt chất. Sau khi xác định rõ hoạt chất thì đưa ra lộ trình cụ thể: củng cố thông tin khoa học, đưa ra chứng cứ từ tổ chức quốc tế, cách thức các nước đang làm để hoàn thiện báo cáo khoa học gửi cho các tổ chức và doanh nghiệp tham khảo; sau đó tổ chức hội đồng tư vấn để xác định rõ các loại thuốc này có đầy đủ bằng chứng khoa học là ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường hay không, trên cơ sở đó trình Bộ ra quyết định loại bỏ và có lộ trình cụ thể để giảm tác động có hại cho các doanh nghiệp. Thời gian qua chúng tôi đã thực hiện và thời gian tới tiếp tục đưa ra các kế hoạch. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi cũng đánh giá cao các hiệp hội vận động doanh nghiệp rút sản phẩm không thương mại và xu hướng trong thời gian tới cũng sẽ bị loại bỏ. Và các doanh nghiệp cũng đã tự nguyện rút 184 loại sản phẩm.

Để có danh mục thuốc BVTV thực sự an toàn, có hiệu quả, chúng tôi giám sát chặt chẽ trong các khâu từ cấp giấy phép khảo nghiệm, trên cơ sở quy định của luật pháp làm bài bản với một hội đồng với các nhà khoa học có tâm và trách nhiệm với ngành. Vừa rồi, trong 100 bộ hồ sơ, chỉ 20 – 30% đáp ứng quy định pháp luật hiện nay được cấp giấy phép. Bên cạnh đó, việc đánh giá kết quả khảo nghiệm cũng được thiết lập lại, để làm sao chất lượng, số liệu thể hiện đúng bản chất, để khi hội đồng trình Bộ về một loại thuốc BVTV phải bảo đảm sản phẩm chất lượng tốt, người dân sử dụng hiệu quả, đem lại lợi nhuận nhưng vẫn an toàn.

Bên cạnh xiết chặt quản lý đầu vào, chúng tôi cũng đưa ra kế hoạch lộ trình cho các hiệp hội, doanh nghiệp, tiến tới 8 hoạt chất khác đang trên đường củng cố báo cáo về mặt kỹ thuật để loại bỏ ra khỏi danh mục thuốc được phép sử dụng tại Việt Nam. Đó là nỗ lực của cơ quan nhà nước, sự chung tay phối hợp của các hiệp hội trong thời gian qua và trong thời gian tới, để vừa xiết chặt đầu vào, vừa rà soát loại bỏ các loại thuốc theo quy định của pháp luật.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Theo đề án quản lý thuốc BVTV, từ nay đến năm 2020 cố gắng sử dụng khoảng 30% sản phẩm thuốc BVTV sinh học, thưa ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, doanh nghiệp của ông có dự định sẽ ưu tiên hỗ trợ nghiên cứu, phát triển sản phẩm thay thế có nguồn gốc sinh học hay không?

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời
Ảnh: Lâm Hiển

Ông Huỳnh Văn Thòn: Tôi rất vui mừng khi tham dự Tọa đàm này, bởi đây là những vấn đề đang cần được tháo gỡ, chia sẻ với công luận và định hướng cho chúng tôi đi tiếp chặng đường mới tốt hơn. Chặng đường vừa qua, chúng tôi cũng đã đạt những kết quả nhất định nhưng phía trước vẫn còn nhiều khó khăn bởi giữa lợi ích của cộng đồng và lợi ích của doanh nghiệp, giữa đòi hỏi của xã hội và khả năng của mình. Nói rằng 30% sản phẩm hữu cơ trong thời gian tới là một con số cực kỳ thách thức. Thách thức không riêng ai cả mà cả cộng đồng xã hội, người sản xuất, người nghiên cứu khoa học đã thực hiện nhưng đưa vào thì người nông dân có chấp nhận hay không, luật pháp có tạo điều kiện hay không thì cần sự cộng đồng trách nhiệm của cả xã hội. Nhà nước đã quyết tâm, thì các doanh nghiệp cũng sẽ quyết tâm thực hiện bởi đó không phải là mệnh lệnh hành chính mà là mệnh lệnh của lương tâm. Thấu hiểu điều đó không chỉ có xã hội mà hơn ai hết những người làm trong ngành BVTV hiểu được sự nguy hại của việc sử dụng thuốc BVTV và tác hại lâu dài đến cuộc sống con người và môi trường. Đã từ lâu không chỉ Lộc trời mà nhiều doanh nghiệp đã đi theo hướng này. Quyết tâm của Cục BVTV cũng đồng bộ với thế giới. Thực tế chúng tôi đã làm từ nhiều năm nay theo con đường là an toàn. Gần đây, chúng tôi tham gia Chuỗi nuôi dưỡng và bảo vệ cây trồng bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Chiến lược đi của chúng tôi mạnh mẽ, liên tục và bài bản.

Còn về đầu tư nghiên cứu thì không có xung đột lợi ích giữa sản phẩm sinh học hữu cơ với vi sinh này. Mặc dù đầu tư vào sản phẩm này khó, cần thời gian dài nhưng với triết lý kinh doanh của chúng tôi là phân phối và phân phối lại lợi nhuận sao cho hợp lý thì chúng tôi đã đầu tư nhiều vào các chương trình này. Thậm chí, ngoài con đường chúng tôi đã đi, chúng tôi còn chọn con đường hẹp, khó đi, bắt tay với đối tác mang quan điểm cực đoan nhưng họ lại có phòng thí nghiệm nhỏ nhưng hiện đại và đó là nguồn lực ít nhưng rất sắc bén. Họ đưa ra những phương pháp, giải pháp cụ thể để thực hiện và có sản phẩm sinh học rất tốt.

Trong nước, chúng tôi quan tâm đến tiếp cận thành quả này để ứng dụng trong đầu tư nghiên cứu, tổ chức phong trào vận động thông qua chuỗi sản xuất lúa gạo để khuyến khích việc này. Chúng tôi có lực lượng để có thể vận động, hướng dẫn nông dân để chuyển giao công nghệ. Bởi, sinh học hữu cơ là khó người nông dân khó để áp dụng. Doanh nghiệp không chưa đủ mà cần có chính sách của Nhà nước khuyến khích mạnh mẽ hơn. Chính sách đó là bằng luật định và tài chính. Bên cạnh đó, cần kiểm soát dư lượng thực vật không an toàn và cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Cuối cùng, vấn đề quan trọng nhất là người tiêu dùng, nếu người tiêu cùng thấy nghi ngại, và cảm thấy cùng nhau hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ để bảo đảm an toàn cho mình thì ủng hộ sản phẩm đầu ra. Sản phẩm nông dân làm ra theo hướng này, người tiêu dùng chấp nhận nó, ủng hộ thì chương trình hữu cơ vi sinh việc giảm dư lượng thực vật sắp tới mới hiệu quả. Điều đó cho thấy, con số 30% là thách thức nhưng không có nghĩa là không làm được, vấn đề là cả xã hội phải vào cuộc.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa bà Lê Thị Khánh Hòa, từ góc độ nghiên cứu, theo bà việc loại bỏ các hoạt chất thuốc BVTV độc hại góp phần như thế nào trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng thuốc BVTV?

Bà Lê Thị Khánh Hòa: CropLife chia sẻ và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ và Bộ NN - PTNT Việt Nam trong việc tiếp tục xây dựng và cải thiện quy trình đăng ký và quản lý thuốc BVTV đáp ứng các yêu cầu về tính khoa học và tiêu chuẩn quốc tế như đã đề cập ở trên. Chúng tôi hiểu và đồng hành cùng Bộ NN - PTNT cũng như các cơ quan chức năng, chủ động đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm loại bỏ và hạn chế việc sử dụng một số loại thuốc đã lỗi thời, hiệu lực kém và chuẩn an toàn thấp và coi đây là một trong các giải pháp phù hợp trong tình hình hiện tại nhằm tinh giảm lại danh mục các loại thuốc BVTV đang lưu hành hiện nay và hỗ trợ công tác quản lý nhà nước.

Ảnh: Lâm Hiển

Đồng hành và ủng hộ chủ trương này, trong 2 năm qua các công ty thành viên của Croplife đã chủ động rút đăng ký của trên 100 các sản phẩm thuốc BVTV ra khỏi danh mục thuốc BVTV tại Việt Nam. Bên cạnh đó các công ty thành viên của chúng tôi là những công ty hàng đầu về nghiên cứu và phát triển các giải pháp BVTV cũng đã đang và sẽ là những nhà tiên phong trong việc nghiên cứu và đưa ra các giải pháp BVTV tiên tiên thế hệ mới trong đó sẽ có những giải pháp BVTV sinh học trong kiểm soát tuyến trùng, xử lý hạt giống…

Như trên đã đề cập, chúng tôi ủng hộ và mong muốn mọi quyết định pháp lý liên quan tới đăng ký hoặc loại bỏ thuốc BVTV cần được thực hiện với một lộ trình rõ ràng, được tham vấn rộng rãi và công khai với các bên liên quan, và quan trọng nhất là cần dựa trên các bằng chứng khoa học, theo tiêu chuẩn quốc tế được công nhận. Kinh nghiệm tại một số nước cho thấy, việc  hạn chế hoặc cấm sử dụng thuốc BVTV không dựa trên cơ sở khoa học khiến nông dân mất đi công cụ quan trọng để bảo vệ cây trồng, giảm năng suất và thu nhập nông hộ. Đứng trên quan điểm của các đơn vị phát triển sản phẩm, việc cắt giảm không phù hợp sẽ hạn chế hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới cũng như giảm bớt các cơ hội đầu tư và giới thiệu giải pháp tiên tiến từ các tập đoàn phát triển công nghệ trên thế giới tới nông dân. 

Ngoài ra, chúng tôi cho tiếp tục đào tạo, tập huấn nông dân sử dụng có trách nhiệm thuốc BVTV là vấn đề chính cần giải quyết để đảm bảo an toàn thực phẩm và thúc đẩy xuất khẩu. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu và bền vững nhất để giải quyết tình trạng lạm dụng thuốc BVTV tại Việt Nam hiện nay.

Người dân phun thuốc BVTV cho cây chè đúng quy trình và đảm bảo cách ly đủ thời gian trước khi thu hoạch chè
Nguồn: baophutho.vn

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Loại bỏ thuốc BVTV độc hại để có nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn liền với bảo vệ môi trường đang là xu hướng trên thế giới. Từ góc độ cơ quan giám sát, thưa ông Nguyễn Vinh Hà, ông có góp ý gì để cơ quan quản lý thuốc BVTV thực sự quản lý hiệu quả?

Ông Nguyễn Vinh Hà: Phải khẳng định, việc xây dựng nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường và loại bỏ các loại thuốc BVTV độc hại là chủ trương, mục tiêu lớn của Đảng, Nhà nước mà chúng ta đang cụ thể hóa. Khi Luật trồng trọt đưa ra, có một chương về Canh tác hữu cơ, một chương về Phân bón có điều khoản quy định ưu tiên phát triển phân bón hữu cơ. 

Ông Hoàng Trung đã phát biểu về vấn đề này, nói nhiều đến việc loại bỏ thuốc BVTV độc hại sẽ thực hiện thời gian tới. Tôi đồng ý với ý kiến này và thấy có 5 vấn đề mà cơ quan quản lý Nhà nước về thuốc BVTV trong thời gian tới cần phải làm:

Thứ nhất, cần tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế phù hợp với điều kiện hiện nay. 

Thứ hai, xây dựng danh mục thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, thân thiện môi trường. Để làm được việc này, nhiệm vụ trước mắt là cần kiểm soát chặt chẽ đầu vào, việc thử nghiệm để loại bỏ thuốc BVTV kém chất lượng, độc hại với con người cũng như bảo vệ môi trường. 

Thứ ba, xây dựng lộ trình lọai bỏ thuốc BVTV một cách cụ thể, trước hết là rà soát loại bỏ thuốc BVTV có nồng độ độc hại cao, trước hết là các nhóm thuốc trừ cỏ, thuốc trừ bệnh, trừ sâu nhưng cũng phải ưu tiên phát triển thuốc sinh học, thuốc thế hệ mới, ít độc hại cho con người, cho môi trường. 

Thứ tư, đẩy mạnh công tác quản lý vật tư nông nghiệp từ nhập khẩu, sản xuất, buôn bán, sử dụng. 

Thứ năm, cơ quan quản lý Nhà nước cần chủ trì, phối hợp với các đơn vị triển khai chuỗi sản xuất nhiều quy mô khác nhau, trên các đối tượng cây trồng khác nhau, cụ thể theo hướng khép kín, bảo đảm cung ứng tốt mục tiêu đầu vào, hoàn thiện sản phẩm, qua đó ban hành chính sách khuyến khích phát triển các chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp.

Sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm vì nền nông nghiệp phát triển bền vững

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa, hiện đại. Chính hướng đi này đòi hỏi thay đổi sâu rộng trong phát triển nông nghiệp nước ta, trong đó có quản lý, sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV. Tuy nhiên, với hơn 10 triệu nông hộ với quy mô nhỏ, lẻ ở nước ta thì việc tiếp cận đến toàn bộ người nông dân để hướng dẫn các kiến thức về nông học và sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách) là một thách thức, không những đối với cơ quan nhà nước mà cả các công ty trong lĩnh vực thuốc BVTV.

Sử dụng thuốc BVTV và xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng không đúng cách đang là vấn đề nóng tại Việt Nam. Trong đó, phổ biến nhất là tình trạng sử dụng lãng phí, không cần thiết, hoặc sử dụng không đúng cách thuốc BVTV, pha trộn nhiều loại thuốc, tăng nồng độ gấp nhiều lần… để chắc chắn đạt hiệu quả sau khi phun. Thậm chí khi tiến hành phun thuốc, người nông dân còn thờ ơ trong việc bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình: không đeo khẩu trang, ủng, găng tay, quần áo bảo hộ…

Xin được hỏi ông Nguyễn Văn Sơn, từ góc độ Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc BVTV, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội của ông đã có những hoạt động gì để phát triển nông nghiệp sạch và bảo vệ sức khỏe cho chính người dân? 

Ông Nguyễn Văn Sơn: Để hướng tới một nền nông nghiệp sạch và bảo vệ sức khỏe cho chính người dân, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất và Kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam đã có những hoạt động sau:

Thứ nhất, Hội chúng tôi tăng cường đoàn kết hợp tác giữa các hội viên, thực hiện các chương trình phục vụ sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam. Đẩy mạnh việc phản biện, thẩm định xã hội về thuốc BVTV, góp ý, kiến nghị cho các văn bản pháp quy, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý như Cục BVTV và các Chi cục BVTV, các cơ quan quản lý... trong công tác đăng ký, sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV. 

Thứ hai, Hiệp hội thường xuyên tuyên truyền để doanh nghiệp hội viên hiểu rõ và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong ngành thuốc BVTV. Đảm bảo chất lượng thuốc BVTV đúng theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn Quốc gia về chất lượng hàng hóa. Ngoài ra, Hội cũng đang vận động các doanh nghiệp hội viên thực hiện việc hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV một cách hiệu quả, an toàn và tham gia các chuỗi liên kết sản xuất nông sản.

Thứ ba, Hội chúng tôi cũng đã vận động các doanh nghiệp, hội viên chủ động rà soát và tự rút các tên thuốc BVTV độc hại đối với người, sinh vật có ích và môi trường. Những loại thuốc BVTV không kinh doanh, kinh doanh không hiệu quả, hiệu lực phòng trừ dịch hại đến nay đã bị thấp do kháng hoặc do các lý do khác ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Cho đến nay, tất cả các doanh nghiệp thuốc BVTV tại Việt Nam đã tự rà soát và rút gần 400 tên, trong đó năm 2017 là 206 tên. Hiện nay, Hội chúng tôi vẫn tiếp tục tự rà soát và sẽ loại bỏ tiếp một số loại thuốc độc hại.

Cán bộ Trạm BVTV huyện Tân Sơn, Phú Thọ tuyên truyền, vận động người dân sử dụng bể thu gom thuốc BVTV
Nguồn: baophutho.com.vn

Thứ tư, nhằm chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và với mong muốn được góp phần cải tạo môi trường ngày càng xanh, sạch đẹp; bảo vệ sức khỏe nông dân, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị nông sản, từ tháng 09.2017, Hiệp hội chúng tôi đã cùng với 18 doanh nghiệp kể cả trong Hiệp hội và ngoài Hiệp hội cùng với Cục BVTV có chương trình Cùng nông dân bảo vệ môi trường ở 22 tỉnh phía Nam. Chương trình cũng đã gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận, tạo được chuyển biến trong nhận thức của đa số bà con nông dân trong việc sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả; thu gom xử lý bao bì rác thải thuốc BVTV để bảo vệ sức khỏe và môi trường, sản xuất nông sản an toàn; thu hút được đông đảo bà con nông dân đồng tình hưởng ứng. Từ đó, nâng cao được uy tín về giá trị, chất lượng của nông sản trong vùng thực hiện mô hình.

Thứ năm, bên cạnh việc loại bỏ các thuốc hóa học độc hại, Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất và Kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam cũng đã phối hợp với Cục BVTV và các Hiệp hội thuốc BVTV khác trên thế giới nhằm giúp các doanh nghiệp thuốc BVTV Việt Nam tìm kiếm được những thuốc sinh học và thuốc BVTV hóa học thế hệ mới. 

Thứ sáu, các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội đã phối hợp với cơ sở địa phương triển khai hàng loạt chương trình tập huấn sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng để phòng trừ sinh vật gây hại có hiệu quả, an toàn cho người và môi trường trên nhiều loại cây trồng khác nhau.

Thứ bảy, Hiệp hội cũng đã phối hợp với ban chỉ đạo 389, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục BVTV và các cơ quan có liên quan tổ chức 2 hội nghị về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lĩnh vực phân bón, thuốc BVTV tại TP Đà Nẵng và tỉnh An Giang.

Thứ tám, Hiệp hội đã phối hợp với Cục BVTV và các cơ quan có liên quan xây dựng quy chuẩn chất lượng thuốc BVTV, Tiêu chuẩn Quốc gia về đánh giá rủi ro thuốc BVTV và Tiêu chuẩn Quốc gia về Khảo nghiệm hiệu lực sinh học thuốc BVTV.

Và trong vài năm gần đây, Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất và Kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam cũng đã phối hợp Cục BVTV tổ chức gặp mặt các báo, đài để giải đáp những vấn đề liên quan đến sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV, những khó khăn, thách thức và những kiến nghị của các doanh nghiệp thuốc BVTV.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa bà Lê Thị Khánh Hòa, thời gian qua, CropLife Việt Nam đã triển khai các chương trình hợp tác trong lĩnh vực thực hành nông nghiệp tiên tiến. Giải pháp lâu dài mà CropLife Việt Nam hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững là gì? Sản xuất, kinh doanh, truyền thông nâng cao nhận thức, chuẩn bị tư thế cho một nền nông nghiệp sạch đang thai nghén?

Bà Lê Thị Khánh Hòa: Hiện nay trên thế giới xu hướng chính trong ngành BVTV là khuyến khích quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và thực hành nông nghiệp tốt (GAP), trong đó phải bao gồm việc sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm và an toàn. Để làm được việc này, tất cả các bộ phận liên quan phải được tập huấn, được cung cấp các giải pháp BVTV chất lượng cao, được điều chỉnh bởi một hành lang pháp lý và chính sách thích hợp nhằm khuyến khích áp dụng mô hình IPM, đảm bảo các thuốc BVTV mới được đăng kí, lưu hành. Để làm việc này, nhiều diễn đàn hợp tác quốc tế, hợp tác công tư tại nước ta đã được mở ra để tạo ra những kênh đối thoại chính sách và thảo luận,  xây dựng bộ quy tắc thực hành canh tác tốt trên một số cây trồng có giá trị xuất khẩu lớn như chè, cà phê, tiêu và triển khai tập huấn đào tạo giáo viên, tập huấn nông dân và phát triển các mô hình canh tác mẫu.

Chúng tôi đã phối hợp Cục BVTV, Bộ NN - PTNT và các chi Cục BVTV tại các địa phương tham gia vào chương trình cùng nông dân bảo vệ môi trường, tham gia hàng loạt chương trình tập huấn sử dụng các sản phẩm thuốc  BVTV an toàn hiệu quả trên nhiều đối tượng cây trồng khác nhau trong nhiều năm qua. Trong đó bao gồm các chương trình đào tạo nông dân về sử dụng, bảo quản, vận chuyển và tiêu huỷ bao bì các sản phẩm thuốc BVTV theo đúng hướng dẫn được ghi trên bao bì, cách thức nhận biết sản phẩm chính hãng trước khi mua cũng như phương thức, tầm quan trọng của việc sử dụng các phương tiện bảo hộ cá nhân.

Một dự án đáng kể trong việc khuyến khích nông dân thực hiện IPM trong canh tác lúa gạo “Sáng kiến lúa gạo Châu Á cải tiến hơn” - Better Rice Initiative Asia (BRIA) được triển khai trong giai đoạn 2015 - 2017 đã đào tạo cho nông dân và đại lý tại 3 tỉnh (Hậu Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang) về việc sử dụng các sản phẩm thuốc BVTV hoá học và sinh học có trách nhiệm cũng như phương thức IPM để giải quyết nạn bùng phát rầy trên lúa. Đồng chủ trì dự án này bao gồm Cục BVTV, CropLife, Trung tâm BVTV khu vực phía Nam và tổ chức GIZ... cùng sự tham gia nhiều đối tác khác. Sau khi triển khai, dự án này đã tiếp cận và đào tạo được khoảng 17.000 nông dân và 1.000 đại lý. Thêm vào đó, thông qua thực hành mô hình IPM, dự án này cũng giúp kiểm soát và hạn chế đáng kể sự bùng phát dịch rầy trên lúa đồng thời nâng cao thu nhập cho nông dân lên khoảng 14% - 18%.

Song song với các chương trình đào tạo, tập huấn nông dân nêu trên, CropLife tiếp tục đầu tư và phát triển các giải pháp một cách thống nhất và áp dụng công nghệ mới trong ngành nông nghiệp nhằm tối ưu hóa hiệu quả của việc sử dụng thuốc BVTV; hỗ trợ nâng cao năng lực của các bên liên quan trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp an toàn và bền vững ở Việt Nam bằng các chương trình hợp tác song phương, huấn luyện và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý thuốc BVTV tại các nước phát triển và trong khu vực. Tháo gỡ rào cản trong xuất khẩu nông sản từ Việt Nam thông qua xúc tiến việc thiết lập mức dư lượng tối đa cho phép đối với các loại thuốc BVTV trên các đối tượng cây trồng (đặc biệt là các cây trồng nhiệt đới) chưa có giá trị, mức dư lượng tối đa cho phép tại các nước nhập khẩu.

Một cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở Phú Yên
Nguồn: mangphuyen.com

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Hoàng Trung, bên cạnh những giải pháp trước mắt, thì định hướng nào cho quản lý, sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV từ tổ chức lại bộ máy, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống pháp luật, thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm đối với việc sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc BVTV? Việc sáp nhập các Trạm trồng trọt và BVTV cấp huyện thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp có ảnh hưởng gì đến công tác quản lý không thưa ông? 

Ông Hoàng Trung: Việc sử dụng thuốc BVTV phải làm sao hướng tới nâng cao sử dụng thuốc BVTV sinh học, để sản phẩm đáp ứng yêu cầu về an toàn, hiệu quả và hướng tới xuất khẩu. Đầu tiên, là phải có yêu cầu về hành lang pháp lý tốt, muốn có thuốc BVTV sinh học, đáp ứng yêu cầu hiện nay, phải có những sửa đổi, có quy định khuyến khích đủ hấp dẫn để doanh nghiệp đăng ký và đưa ra kinh doanh sớm các sản phẩm sinh học. Liên quan một số bất cập về đến hành lang pháp lý, thời gian tới chúng tôi tiếp tục rà soát, cập nhật để kiến nghị các cấp sửa đổi, sao cho phù hợp và bảo đảm đáp ứng công tác BVTV, quản lý thuốc BVTV trong tình hình mới.

Thứ hai, liên tục, thường xuyên rà soát, quản lý chặt chẽ đầu vào của thuốc BVTV. Chỉ cho phép các loại thuốc BVTV thuộc thế hệ mới, và thuốc BVTV sinh học, ưu tiên tối đa cho vấn đề đó. Tiếp tục đưa ra lộ trình cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội để tiếp tục loại bỏ các loại thuốc không phù hợp với quy định pháp luật.

Thứ ba, nông dân vẫn là đối tượng chính mà cơ quan nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp hướng tới, vấn đề đào tạo, tập huấn, tuyên truyền cho người nông dân hết sức quan trọng. Về phía quản lý nhà nước, chúng tôi chỉ đạo cho toàn bộ hệ thống về trồng trọt và BVTV đưa ra lộ trình tập huấn cụ thể cho người nông dân làm sao sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả nhất. Hiện nay chúng ta hướng tới nông nghiệp sạch, bền vững, tiến tới nông nghiệp hữu cơ, phải tuyên truyền cho nông dân hiểu để sản xuất nông nghiệp sạch thì phải sử dụng thuốc BVTV như thế nào, tác dụng khi sử dụng thuốc BVTV sinh học... Khi người dân hiểu biết, thấy được lợi ích từ sử dụng thuốc BVTV sinh học để có sản phẩm tốt để xuất khẩu được, cung cấp cho người tiêu dùng tốt thì mới có thị trường tốt. Có thị trường tốt thì doanh nghiệp mới đầu tư nhiều vào đăng ký và sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV sinh học.

Thứ tư, theo theo chủ trương chung của Nghị quyết 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Đảng, tiếp tục kiện toàn tổ chức từ Trung ương xuống địa phương, muốn tổ chức theo hình thức nào, thì theo góc độ BVTV, chúng tôi đã đề nghị các cấp có thẩm quyền là phải có một cơ quan chuyên trách, phân công trách nhiệm rõ ràng thì mới đáp ứng việc bảo vệ vụ sản xuất an toàn, hy vọng quản lý tốt việc sử dụng thuốc BVTV.

Thứ năm, về xã hội hóa, muốn có thêm nguồn lực để thực hiện tốt mục tiêu của Chính phủ, của Bộ đề ra, và quản lý tốt sử dụng thuốc BVTV, chúng tôi đã đẩy mạnh xã hội hóa, từ công tác khảo nghiệm, không chỉ một hai đơn vị khảo nghiệm trước đây của Cục, mà đã xã hội hóa ra và có hơn chục tổ chức đủ điều kiện khảo nghiệm. Các phòng kiểm nghiệm cũng được xã hội hóa gần như 100%, doanh nghiệp có thể đến kiểm tra kiểm chứng làm hợp quy ở bất cứ phòng kiểm nghiệm nào. Về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi đang báo cáo Bộ làm đề án Xây dựng các phòng kiểm chứng, cơ quan nhà nước chỉ là trọng tài, còn xã hội hóa trong vấn đề khảo nghiệm, kiểm nghiệm...

Thứ sáu, lộ trình sắp tới là chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, doanh nghiệp tranh thủ sự phản biện của hiệp hội, doanh nghiệp với vấn đề xây dựng chính sách, quy chuẩn, góp ý đạt độ thống nhất cao trong việc loại bỏ các loại thuốc BVTV. Cùng với hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các chương trình hiệu quả, tác động lan tỏa lớn tới các địa phương, như: Cùng nông dân ra đồng, thu gom bao thuốc BVTV sau sử dụng... được đánh giá cao.

Cuối cùng, công tác thanh tra, kiểm tra, chúng tôi đang kiến nghị với các cơ quan để hình thành hệ thống, tổ chức thanh tra kiểm tra. Bên cạnh đó, phối hợp với các tổ chức khác như Quản lý thị trường, cơ quan công an C49, A86 để đẩy mạnh ngăn chặn vi phạm, xem chấp pháp của doanh nghiệp, chống các loại thuốc BVTV nhái, kém chất lượng, nhập lậu, làm thường xuyên liên tục để bảo đảm duy trì và bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm lành mạnh thị trường thuốc BVTV, gián tiếp để người dân có được các loại thuốc BVTV an toàn, chất lượng.

Về việc sáp nhập các Trạm trồng trọt và BVTV cấp huyện thành Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, Nghị quyết 19-NQ/TW quy định rõ với ngành nông nghiệp, các Trạm trồng trọt và BVTV, chăn nuôi, thú y và khuyến nông sẽ được tổ chức thành Trung tâm dịch vụ kỹ thuật cấp huyện, cơ quan của cấp tỉnh cũng sẽ làm. Chúng tôi cũng đã theo dõi sát sao việc này. Thời gian qua, trong 63 tỉnh, thành, có 28 tỉnh thành đã thực hiện việc này, đi đầu là tỉnh Bình Phước đã nhập toàn bộ trạm tuyến huyện thành trung tâm dịch vụ, cấp tỉnh thì xóa bỏ Chi cục trồng trọt và BVTV, đưa các phần liên quan tới quản lý nhà nước về Sở. Sở chỉ có 2 bộ phận, Thanh tra sở, Văn phòng sở, các vấn đề quản lý nhà nước đưa vào Văn phòng sở. Cho đến nay đang trên bước đường xác định rõ vai trò, cơ quan nào, trách nhiệm đến đâu, để xây dựng. Khi đang gián đoạn như vậy, gây khó khăn cho công tác BVTV, các số liệu, công tác dự tính, dự báo không được cập nhật, chuyên môn, điều tra phát hiện sâu bệnh hàng tuần... là việc làm trực tiếp đã ảnh hưởng lớn. Khi chúng tôi làm việc tại Đồng Tháp, đã thành lập Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, nhưng hoạt động đến giờ không hiệu quả cho lắm. Có thể thấy, đang thiếu cơ chế phối hợp thống nhất từ Trung ương đến cấp huyện, bị gián đoạn nhiều. Chúng tôi mong mỏi là làm sao đúng chủ trương của Đảng, nhưng vẫn bảo đảm có bộ phận chuyên môn, là bộ phận trực tiếp và rất quan trọng. Công tác BVTV chiếm 50% tổng sản lượng của ngành trồng trọt. Nếu không có công tác này, có thể ngành trồng trọt thiệt hại lớn do sâu bệnh. Trong tình hình mới lại đòi hỏi rất cao, bảo đảm sản phẩm sạch, môi trường sống và môi trường sản xuất bảo đảm, giữ gìn sức khỏe cho người dân, và hướng tới xuất khẩu, và biến đổi khí hậu ảnh hưởng mạnh mẽ, trong khi hệ thống đang trong quá trình chuyển đổi, có sự ảnh hưởng. Nếu không có hướng dẫn cụ thể và thống nhất trong cả nước, ảnh hưởng tới công tác sản xuất là chắc chắn, dịch giã xảy ra, ứng phó như thế nào, chúng tôi rất quan ngại. Chúng ta phải có phân công trách nhiệm, phối kết hợp rõ ràng.

Ở đây có Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà, vừa là đại diện cơ quan lập pháp, vừa là cơ quan giám sát, chúng tôi mong muốn ĐBQH có tiếng nói cho thấy rõ sự bất cập, khó khăn của ngành BVTV để các địa phương nhận ra, thành lập được cơ quan chuyên trách để vừa phục vụ sản xuất, vừa quản lý tốt thuốc BVTV.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Huỳnh Văn Thòn, được biết Tập đoàn Lộc Trời đã đồng hành cùng cơ quan quản lý và nông dân suốt 7 năm qua trong chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”. Theo ông, làm thế nào để đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nông dân về nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc BVTV, từ đó góp phần giảm ô nhiễm môi trường sinh thái, hướng đến một nền nông nghiệp bền phát triển bền vững, đủ sức vươn ra thị trường thế giới? 

Ông Huỳnh Văn Thòn: Khi sử dụng thuốc BVTV đến ngưỡng mà chúng ta không thể không dùng thì chúng ta phải cân nhắc để sử dụng sao cho bảo đảm an toàn, hiệu quả. Để sử dụng an toàn, hiệu quả cho môi trường, cho cuộc sống, cho sức khỏe cộng đồng thì cần thực hiện 4 đúng: đúng lúc, đúng thuốc, đúng liều lượng và đúng cách. Đây là vấn đề bảo đảm nông sản an toàn, môi trường bền vững, sức khỏe người sử dụng dư lượng thuốc BVTV.  

Vấn đề là làm sao cho “4 đúng” đi vào cuộc sống? Phải tuyên truyền vận động người tiêu dùng để bà con sử dụng, tránh việc lạm dụng sử dụng thuốc BVTV. Có người cho rằng, có hiện tượng “nghiện thuốc”, “nghiện phân bón”, đó là bệnh là quái ác cần điều trị. Khi thấy hình ảnh đó người ta thấy trách nhiệm của công ty bán thuốc là nhiều nhưng thực ra đối với người bán thuốc chân chính rất sợ điều này. Bởi khuyến khích sử dụng thuốc nhiều, lạm dụng thì gây nên kháng thuốc, dẫn đến không có thuốc thay thế…

Tỉnh An Giang thực hiện cánh đồng 400 ha trồng lúa không sử dụng thuốc trừ sâu, rầy…
Nguồn: nongnghiep.vn

Tuyên truyền cho nông dân là cần thiết, bức thiết vừa thực tế, khả thi, mang lại lợi ích trước mắt, cơ bản. Chúng tôi có chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững, đây là mô hình vừa trực diện, trải nghiệm, vừa thí nghiệm phương pháp làm. Chúng tôi có đội quân “3 cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân để tuyên truyền cho nông dân. Trên thực tế, điều này gắn với sản phẩm đầu ra, người tiêu dùng tin sản phẩm này giống như đặt hàng. Có đặt hàng, có thị trường thì sản phẩm sẽ hướng theo thị trường đó. Tuyên truyền phải theo quy trình khoa học thì người nông dân, các doanh nghiệp, đối tác đều theo quy trình chuẩn đó như một cam kết để có lợi ích về phần mình. Tuyên truyền của các cơ quan truyền thông rất quan trọng, nhân rộng mô hình, các thành quả để nhân rộng.  Với doanh nghiệp thì chúng tôi coi đây là vấn đề thực tế, cần làm sao để người nông dân sử dụng thuốc có an toàn theo đúng nguyên tắc “4 đúng”, nguyên tắc này là quan trọng nhất.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thách thức rất lớn đang đặt ra cho sự phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Nhiều ý kiến cho tằng chính sách pháp luật và việc thức thi chính sách pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV hiện nay chưa kịp đón đầu tương lai của nền nông nghiệp. Từ góc độ lập pháp và giám sát, hệ thống chính sách và thực thi trong quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV cần được đặt ra và hoàn thiện như thế nào thưa ông Nguyễn Vinh Hà?

Ông Nguyễn Vinh Hà: Phải nói rằng để xây dựng nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là cả một vấn đề lớn, ý chí lớn của Đảng, Nhà nước. Có nhiều thách thức nhưng không phải là không có giải pháp, không thể thực hiện. Có hai vấn đề phía cơ quan hành pháp và Quốc hội.

Với cơ quanhành pháp có 5 vấn đề đặt ra trước mắt: thứ nhất, là xây dựng văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành thông tư mà Chính phủ vừa ban hành, nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất, có hiệu quả cho toàn quốc, trong đó phải xây dựng quy trình thuốc BVTV sinh học đối với sản xuất thuốc BVTV hữu cơ; đưa ra quy trình kiểm tra giám sát các khâu sản xuất, đặc biệt là khâu sử dụng thuốc BVTV sinh học, bảo đảm người dân thực hiện đúng quy trình sản xuất, tuân thủ quy định về phòng trừ sâu bệnh... Thứ hai, tăng cường chỉ đạo các địa phương ứng dụng thành tựu khoa học trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, trồng trọt. Rất nhiều chương trình về phòng trừ dịch hại tổng hợp có hiệu quả, người dân hưởng ứng lớn. Đặc biệt, cần tăng cường công tác nghiên cứu và ứng dụng, triển khai các giống cây trồng có khả năng kháng bệnh như những giống lúa có khả năng chống vàng lá, chống rầy nâu, kháng đạo ôn... để hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV cũng như các loại thuốc khác. Thứ ba, tăng cường công tác quản lý sử dụng thuốc BVTV và giao trách nhiệm cho các địa phương, nâng cao vai trò của chính quyền các địa phương, đặc biệt là chính quyền cơ sở cấp xã, cấp phường, phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể, cộng đồng trong công tác kiểm tra, giám sát, sử dụng thuốc BVTV... Thứ tư, tăng cường thanh tra kiểm tra từ kinh doanh sản xuất đến sử dụng thuốc BVTV, tiếp tục cuộc đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả thuốc BVTV từ nước ngoài đưa vào. Thuốc BVTV giả trong nước cũng có nhưng không nguy hiểm bằng thuốc từ nước ngoài đưa vào và làm lành mạnh hóa thị trường thuốc BVTV hiện nay. Thứ năm, là công tác lập pháp, tăng cường tập huấn, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân đối với nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Đối với cơ quan lập pháp, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là cơ quan đang giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi thông qua Luật trồng trọt, những phần rất quan trọng là những điều khuyến khích để sản xuất phân bón hữu cơ, khuyến khích canh tác hữu cơ nằm ở Chương Canh tác, Chương Phân bón chúng tôi cố gắng giúp hoàn thiện.

Về công tác tuyên truyền, đối với mỗi đại biểu chúng tôi, trên cương vị của mình cũng như khi tiếp xúc cử tri sẽ chịu trách nhiệm dựa trên hiểu biết để góp phần tuyên truyền cho người dân biết vấn đề liên quan đến phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt, tôi rất cám ơn báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm này, đây là chủ đề rất hay, các ý kiến thảo luận, đóng góp, kiến nghị của các đại biểu đã mở ra rất nhiều vấn đề. Có lẽ, Báo nên mở một chuyên san, chuyên đề để thảo luận sâu về vấn đề này, đưa ra để người dân, cử tri cả nước quan tâm hơn, tạo được tiếng vang lớn hơn.

Quang cảnh Tọa đàm Ảnh: Lâm Hiển

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa quý vị và các bạn!

Có thể thấy, giải quyết hài hòa giữa việc sử dụng thuốc BVTV để bảo vệ nền sản xuất nông nghiệp với việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường, phát triển kinh tế và xuất khẩu là một thách thức lớn không chỉ đối với riêng cơ quan quản lý nhà nước và các ngành nghề liên quan, người sản xuất, tiêu dùng và đối với tất cả mọi người chúng ta. Những thông điệp về phân tích chính sách dưới góc nhìn của các nhà quản lý, nhà lập pháp và các chuyên gia góp phần đưa ra giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVTV, nâng cao năng lực quản lý và những định hướng đặt ra cho  cơ quan quản lý vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Một lần nữa, trân trọng cảm ơn các vị khách quý đã tham gia Tọa đàm ngày hôm nay và mong được gặp lại trong lần đối thoại lần sau.

Xin trân trọng cảm ơn!

-------------------------------

Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân dân. Mọi hình thức sao chép đều phải dẫn nguồn

ĐBND