Tọa đàm chuyên gia về hoàn thiện chính sách, pháp luật giáo dục nghề nghiệp

- Thứ Sáu, 09/08/2019, 18:53 - Chia sẻ
Chiều 9.8, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đã tổ chức Tọa đàm chuyên gia về hoàn thiện chính sách, pháp luật giáo dục nghề nghiệp dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình.

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình cho biết, đây là một trong những chương trình hoạt động xuyên suốt của Ủy ban trong năm 2019. Tọa đàm sẽ là căn cứ khoa học và thực tiễn để hướng tới điều chỉnh và hoàn thiện chính sách, pháp luật giáo dục nghề nghiệp. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ nêu rõ, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 được triển khai thực hiện trong thực tế đã bộc lộ nhiều vấn đề đến lúc cần nhìn nhận lại. Theo đó, đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá về hệ thống pháp luật giáo dục nghề nghiệp xem thử vướng mắc ở đâu; thực trạng của giáo dục nghề nghiệp là thế nào?…


Toạ đàm chuyên gia về hoàn thiện chính sách, pháp luật giáo dục nghề nghiệp

Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, cùng với quá trình phát triển và hội nhập với nền kinh tế thế giới, giáo dục nghề nghiệp luôn được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong đó, Luật Giáo dục nghề nghiệp đã tạo hành lang pháp lý thúc đẩy lĩnh vực này phát triển. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dù chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp nhiều nhưng không đồng bộ, ứng dụng vào thực tế không được bao nhiêu, thậm chí nhiều chính sách không triển khai được. Hệ thống đào tạo yếu ở một số trường trung cấp và cao đẳng nghề, chỉ một số trường mạnh nhưng tập trung ở các trường được nhà nước đầu tư. Vì vậy, thực tế hiện nay mặc dù gọi là đào tạo nghề nghiệp nhưng tỷ trọng tham gia vào thị trường lao động không bao nhiêu. Nhiều ý kiến đề nghị cần có chính sách để phát huy vai trò của doanh nghiệp, địa phương trong giáo dục nghề nghiệp; đưa giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu thị trường lao động.

Đối với chính sách phân luồng, các đại biểu nhận định đây là “cứu cánh” cho các trường cao đẳng, đại học hiện nay để cân bằng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, đây cũng là yêu tố để các phụ huynh biết đến trường nghề sau khi con em học xong bậc học trung học cơ sở. Do đó, đề nghị cần có chính sách cụ thể về phân luồng và có quy chế rõ ràng trong thời gian tới…

Tin và ảnh: Trung Thành