Tọa đàm “Bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm - Giải pháp hiệu quả phát triển toàn diện, bền vững”

- Thứ Năm, 09/01/2020, 19:22 - Chia sẻ
Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là 1 trong 6 mục tiêu quan trọng của Chiến lược Quốc gia dinh dưỡng 2011-2020. Hiện nay, tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng ở nước ta có sự khác biệt lớn giữa các vùng, miền. Do đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 09/2016/NĐ-CP về bắt buộc tăng cường vi chất vào thực phẩm nhằm giải quyết tình trạng thiếu các vi chất phổ biến nhất ở người Việt Nam.

Với mục tiêu không ngừng cải thiện tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng của người dân đặc biệt là phụ nữ và trẻ em nhằm nâng cao năng lực lao động, phát triển trí tuệ, tầm vóc, chất lượng cuộc sống và sức khỏe người dân, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm “Bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm - Giải pháp hiệu quả phát triển toàn diện, bền vững”. 


Ảnh: Duy Thông

Khách mời tham gia Tọa đàm có:

- Bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội;

- GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia;

- TS. BS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương;

- PGS.TS. Bùi Thị An, Phó chủ tịch Hội liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và phát triển cộng đồng.

Tọa đàm mong muốn nhận được các ý kiến chia sẻ của các ĐBQH, các chuyên gia, nhà quản lý những giải pháp phòng ngừa thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, thay đổi nhận thức và hành vi cho người tiêu dùng, từ đó đảm bảo các mục tiêu phát triển nhân lực quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.


Ảnh: Duy Thông

Tầm quan trọng của vi chất đối với sự phát triển và sức khỏe con người

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thiếu vi chất dinh dưỡng tạo ra gánh nặng quốc gia về sức khỏe và kinh tế: 136.000 phụ nữ và trẻ em tử vong hằng năm do thiếu máu, thiếu sắt; 45% trẻ em tử vong do thiếu dinh dưỡng; tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 11% ở các nước Châu Á và Châu Phi. Đối tượng bị tác động mạnh nhất bởi thiếu vi chất dinh dưỡng chính là phụ nữ và trẻ em.

Người Việt thường thiếu hụt vitamin A, vitamin D, kẽm, sắt, thiếu đa vi chất, khẩu phần canxi thấp. Việc thiếu vi chất dinh dưỡng còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em và khả năng sinh sản, cũng như năng suất lao động của người lớn. Trong khi đó, việc thực hiện chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chế độ dinh dưỡng học đường, dinh dưỡng cho người lao động, mới chỉ đạt kết quả bước đầu.

Thưa TS. BS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, thực tế hiện nay nhiều người dân không hiểu rõ tầm quan trọng của việc bổ sung vi chất dinh dưỡng. Hàng triệu trẻ em bị chậm lớn, chậm phát triển trí não, hệ miễn dịch bị suy yếu. Vậy tầm quan trọng của vi chất dinh như thế nào? Theo ông, làm thế nào để giúp người dân hiểu đúng và đủ về vi chất dinh dưỡng?

TS. BS Phan Hướng Dương: Mặc dù vi chất dinh dưỡng rất nhỏ nhưng quyết định sự phát triển và sinh lý, trí thông minh, phát triển của con người, vì vậy vi chấ rất quan trọng. Chiều cao hay sức mạnh của chúng ta chỉ là bề nổi, còn tác động rất sâu, tác động rất rộng lớn là sự suy giảm trí tuệ mà chúng ta không thể đơn giản nhận ra được. Những tổn thương về não bộ, ví dụ như i-ốt, i-ốt là một chất rất quan trọng cho tổng hợp hooc-môn của tuyến giáp, hooc-môn của tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa, đặc biệt là hình thành, phát triển hệ thần kinh trung ương. Thiếu i-ốt thì người mẹ khi mang thai hay em bé khi sinh ra sẽ bị ảnh hưởng tới não bộ, suy giảm trí thông minh của hệ thần kinh trung ương. Tuy nhiên, điều mà chúng ta hay nhìn thấy chỉ là bướu cổ, trong khi bướu cổ chỉ là hậu quả rất nhỏ trong tổng thể sự phát triển của con người. Ngoài ra, các vi chất khác như vitamin A, kẽm, sắt cũng hết sức quan trọng

Hiện nay không chỉ trẻ em và người lớn, thậm chí những người lớn tuổi chỉ bổ sung canxi mà quên mất vitamin D. Vitamin D rất quan trọng để chuyển hóa canxi thành xương. 

Khi chúng tôi thực hành lâm sàng, các em gái ở tuổi dậy thì thiếu sắt vô cùng nghiệm trọng, mà chúng ta quên không quan tâm bổ sung.


TS. BS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương - Ảnh: Duy Thông

Các yếu tố vi chất rất quan trọng đối với sự phát triển của con người, đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ mang thai, đối với trẻ em, đó là những đối tượng chúng ta phải quan tâm bổ sung, để cải thiện không chỉ chiều cao, sức mạnh mà còn về trí tuệ để không ảnh hướng tới cả thế hệ tương lai của đất nước.

Làm thế nào để phòng, chống được việc thiếu vi chất dinh dưỡng? Đây là việc mà chúng ta đã thực hiện rất nhiều, chính là bổ sung trực tiếp vào nguồn thực phẩm mà chúng ta lựa chọn, để làm sao phổ biến nhất, dễ sử dụng nhất. Ví du: iot hiện chúng ta lựa chọn nguồn muối vì ai cũng phải sử dụng muối, không ai dùng quá nhiều được và muối hiện nay cũng là rẻ nhất. Tương tự các vi chất khác bổ sung vào bánh mỳ hay các loại thực phẩm khác… đây là biện pháp rất quan trọng đã được nêu trong Nghị định 09, nghị định không chỉ đưa ra định hướng để chúng ta phòng chống được việc thiếu vi chất mà còn đảm bảo một cách bền vững.

Ngoài ra, để người dân quan tâm đến việc bổ sung vi chất dinh dưỡng thì quan trọng nhất chính là truyền thông. Truyền thông giúp cho người dân hiểu rõ tác hại của thiếu vi chất, để người dân biết các biện pháp phòng tránh, như cách sử dụng muối i-ốt, các loại gia vị mặn có i-ốt…Ngoài tác hại, cách sử dụng an toàn những sản phẩm đó liệu có tác dụng phụ gì không, ảnh hưởng gì tới sức khỏe, cũng phải được truyền tải tới cho người dân.

Công tác truyền thông để người dân biết được tác dụng cũng như tác hại của phòng chống thiếu các vi chất là rất quan trọng đối với đời sống kinh tế - xã hội hiện nay. Đa dạng hóa các sản phẩm để giúp người dân hiểu rõ hơn, dễ sử dụng hơn. Cùng với đó, các cơ quan chính quyền cũng phải giám sát chất lượng của những sản phẩm đó.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa PGS.TS. Bùi Thị An, Phó chủ tịch Hội liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, rõ ràng sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ em khó có thể đạt được như mong muốn nếu vi chất dinh dưỡng không được quan tâm đúng mức, vậy, theo bà, để nâng cao nhận thức về vai trò vi chất dinh dưỡng, cơ quan quản lý và người dân, cần quan tâm vấn đề gì?

PGS. TS Bùi Thị An: Tôi có thể khẳng định rằng, bổ sung vi chất vào thực phẩm là vấn đề nghe vi mô, nhưng thực chất đây lại là vấn đề vĩ mô và có tầm ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện đến sự phát triển của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mặt khác, đây còn là “giải pháp gốc” quyết định đến việc phát triển con người - yếu tố quyết định phát triển kinh tế, xã hội bền vững của Việt Nam.

Trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu, chúng ta phải cạnh tranh bằng trí tuệ chứ không phải bằng lợi thế lao động giá rẻ. Tuy nhiên, muốn có trí tuệ thì trước tiên phải khỏe về thể chất.

Thực tế, sau 60 năm bóng đá Việt Nam mới có Giải vàng Sea Game. Có được điều đó, ngoài tài năng của huấn luyện viên Park Hang Seo còn do thể hình, thể chất, trí lực của tuyển Việt Nam được nâng cao.


PGS.TS. Bùi Thị An, Phó chủ tịch Hội liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và phát triển cộng đồng - Ảnh: Duy Thông

Vậy làm thế nào để thực hiện tốt vấn đề này? Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là vấn đề chính sách. Chính sách đưa ra phải có tính hiệu quả, tuyên truyền dễ và khả thi khi thực hiện. Khi người dân nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, thì nghị định sẽ dễ dàng đi vào cuộc sống và người tiêu dùng sẽ có lựa chọn đúng.

Ngoài ra chúng ta cũng cần tuyên truyền để mỗi người dân hiểu rằng, sinh ra những người con khỏe mạnh là trách nhiệm. Thêm vào đó, chúng ta cũng nên có chế tài khuyến khích các địa phương, cơ quan đoàn thể thực hiện tốt vấn đề này.

Tôi tin rằng, với sự tận tâm, quyết liệt của Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan chức năng và cả cộng đồng cùng vào cuộc thì vấn đề bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm sẽ được thực hiện thành công. Thực chất, đây là vấn đề vận động để cho người dân có thói quen tốt. Muốn có thói quen tốt trước hết phải tuyên truyền cho họ những hành vi tốt. Đặc biệt, với các cơ sở sản xuất thực phẩm có bổ sung vi chất thì Nhà nước nên có chính sách khuyến khích thực hiện tốt vấn đề này.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm quy định bắt buộc tăng cường I-ốt vào muối, sắt, kẽm vào bột mỳ và vitamin A vào dầu ăn. Theo bà, đây liệu đã là hành lang pháp lý cần và đủ để doanh nghiệp cùng chung tay có ý thức bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm nhằm tăng cường sức vóc, trí tuệ Việt?

Bà Ngô Thị Minh: Thực tế, Chính phủ rất quan tâm để phê duyệt đề án về chính sách phát triển trẻ thơ giai đoạn từ 0 – 8 tuổi, đặc biệt là ban hành Nghị định 09/2016/NĐ-CP đã quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm quy định bắt buộc tăng cường i-ốt vào muối, sắt, kẽm vào bột mỳ và vitamin A vào dầu ăn. Theo tôi, để tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, việc quy định bắt buộc trong nghị định là rất cần thiết, đây là hành lang pháp lý quan trọng giúp doanh nghiệp thêm niềm tin khi chúng ta cùng chung tay để bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, để tăng cường sức vóc, trí tuệ cho người Việt.


Bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - Ảnh: Duy Thông

Đối với trẻ em để phát triển toàn diện, trong 1.000 ngày đầu đời và trong độ tuổi trước 8 tuổi thì việc cần làm là làm thế nào để nghị định thực sự đi vào cuộc sống, để các doanh nghiệp cùng bắt tay thực hiện. Tôi còn nhớ khi tháp tùng Đoàn công tác của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội và tổ chức Unicef đến tỉnh Gia Lai, Kon Tum đã xuống tận thôn, xóm để đối thoại, lắng nghe người dân có con thiếu vi chất thì mới thấy được sự cần thiết phải có nghị định này. Bởi nếu như chúng ta cứ vận động thuyết phục người dân nhưng không có thực phẩm đã được bổ sung những vi chất này, chúng ta tuyên truyền cũng không có thiết bị xác định một cách minh bạch về việc thiếu các vi chất này đối với trẻ em thì việc tuyên truyền chưa đem lại hiệu quả. Việc ban hành nghị định là cần thiết, tuy nhiên khi có nghị định rồi thì phải triển khai đồng bộ mới mang lại kết quả tốt, đặc biệt là thay đổi nhận thức của những người làm cha làm mẹ, thay đổi nhận thức của chính quyền địa phương. 

Tôi cho rằng, nghị định này là cơ sở pháp lý quan trọng để giúp các doanh nghiệp cùng vào cuộc để bổ sung chất dinh dưỡng vào thực phẩm, giúp cải thiện giống nòi, cải thiện trí tuệ người Việt Nam phát triển xứng tầm với khu vực và thế giới. 

Với trẻ em Việt Nam – nguồn nhân lực cho tương lai, chúng ta phải đầu tư nhiều hơn. Tôi xin khẳng định lại đây là nghị định quan trọng, là cơ sở pháp lý giúp các doanh nghiệp có cơ sở và có đủ điều kiện để bắt tay vào cuộc bổ sung vi chất vào thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng, trong đó có trẻ em.

Thực trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở người Việt Nam hiện nay và hệ quả

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa GS.TS Lê Danh Tuyên, là chuyên gia về dinh dưỡng, ông đánh giá thực trạng thiếu vi chất dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng tại nước ta như thế nào?Vì sao đến nay chúng ta mới triển khai các chương trình phòng chống thiếu vitamin A, sắt và iốt, còn các vi chất dinh dưỡng khác chưa đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia?

GS.TS Lê Danh Tuyên: Việt Nam là một trong 19 nước thiếu iot. Mặc dù chúng ta đã tiến bộ rất nhiều, nhưng mới chỉ có chương trình quốc gia về vitamin A, sắt, chứ chưa tập trung vào các vi chất khác. 

Nếu thiếu vitamin A thì mỗi năm sẽ có khoảng 5.000 trẻ em mù lòa. Và thiếu máu do thiếu sắt sẽ có nguy cơ gây tình trạng đẻ non, gây tình trạng trẻ phát triển không tốt.… những vấn đề nhìn thấy được thì chúng ta tập trung ưu tiên trước. Tôi cũng đính chính, chiều cao trung bình của người Việt Nam là 1,64m đối với nam (theo điều tra năm 2010)- cách đây 10 năm, hy vọng sau 10 năm, tăng lên thêm 2,2cm, đến nay chiều cao của người Việt Nam sẽ khoảng 1,66 m. Đấy là mức tăng tương đối, ngay cả đối với người Nhật Bản cũng chỉ tăng được 2,2cm/ thập kỷ, không thể trái quy luật sinh học mà có thể tăng nhanh được.

Một điểm nhấn nữa tôi muốn nhấn mạnh đó là tầm quan trọng của 1.000 ngày đầu đời của đứa trẻ. Vì vậy, giai đoạn 1.000 ngày đầu đời quyết định sự phát triển chiều cao và sự trưởng thành sau này của đứa trẻ. Vì vậy, chúng ta phải tập trung bổ sung dinh dưỡng trong quãng thời gian này đối với cả bà mẹ và trẻ em. Hiện nay các bà mẹ cũng nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, họ có cấp phát các vi chất cho các bà mẹ uống để khi sinh con để bảo đảm khi sinh trẻ được an toàn, không thiếu vi chất dinh dưỡng.


GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia - Ảnh: Duy Thông

Còn theo mục tiêu mà Thủ tướng đặt ra là tăng cường tầm vóc người Việt Nam thì phải bổ sung các vi chất khác. Ở đây chúng tôi muốn nói đến việc bổ sung vi chất vào trong thực phẩm. Điều này phải cái gì đó quá lớn lao, chỉ ở mức độ dự phòng. Vì nếu như 50 năm trước đây, nếu xét nghiệm 1 quả táo chúng ta sẽ thấy vi chất trong quả táo sẽ rất nhiều, tuy nhiên đến nay, vi chất dinh dưỡng sau 50 năm và cho đến nay thì xét nghiệm quả táo sẽ thấy các vi chất dinh dưỡng đã giảm đi rất nhiều vì chất đất bạc màu, chúng ta sản xuất đại trà, không thể bảo đảm thời vụ, vì vậy ảnh hưởng đến chất lượng của thực phẩm. 

Do đó, chúng ta phải tính tới đề nghị có quy định bắt buộc về việc bổ sung dinh dưỡng. Bởi ngay nước Mỹ, năm 1921 họ mới bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, nhưng đến năm 1945 thì người Mỹ đã có tính toán và loại yếu tố nhiễu ra, quyết định bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng. Và sau 20 năm, đến năm 1965 thì tỷ lệ tử vong đã giảm rõ rệt do thiếu vi chất dinh dưỡng. Chính vì vậy, bài học của nước Mỹ chính là bài học của thế giới. Và việc đưa vi chất vào với liều lượng nhỏ với mục đích đưa thực phẩm an toàn, có giá trị, chứ không phải là cung cấp đưa calo rỗng, đây là điều chúng ta phải công nhận, và tổ chức Y tế thế giới cũng kêu gọi các quốc gia thực hiện. Thực tế trong năm 2018, khi Tổ chức y tế thế giới tổng kết, việc đủ vi chất mang lại hiệu quả rõ rệt, đặc biệt những nước làm tốt vấn đề này thì tăng trưởng tầm vóc về con người cũng như các chỉ số khác đều tăng lên.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa bà Bùi Thị An, như chúng ta đã thấy thì nhu cầu về vi chất dinh dưỡng rất nhỏ, nhưng khi thiếu lại gây nên những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới phát triển trí tuệ và thể lực của con người, ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực quốc gia. Theo bà, cơ hội nào cho chúng ta khi muốn nâng cao toàn diện tầm vóc, thể chất và trí tuệ người Việt? 

PGS. TS Bùi Thị An: Với sự chỉ đạo quyết liệt Chính phủ và các bộ ngành trong những năm vừa qua, đến nay thể trạng người Việt đã tăng lên ngang bằng một số quốc gia phát triển trong khu vực. Thực tế, những cuộc “giao tranh” tại các giải thể thao quốc tế đã chứng minh điều này.


Ảnh: Duy Thông

Mặc dù vậy, để thực hiện tốt việc phát triển nguồn nhân lực quốc gia, chúng ta vẫn phải quan tâm đến tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em ở vùng sâu, vùng xa. Việc bổ sung vi chất vào muối và các thực phẩm chế biến sẵn là giải pháp quan trọng nhằm tạo ra nguồn nhân lực tốt.

Chính phủ, cơ quan chức năng và các địa phương cần tập trung vốn, những nguồn lực xã hội khác để thực hiện tốt vấn đề bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Đặc biệt là công tác tuyên truyền cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cán bộ ngành y tế cần tập huấn cho bà con về hệ luỵ của việc nuôi con thiếu vi chất. Cùng với đó, cần tuyên truyền, giáo dục để mỗi người dân biết cách chăm sóc, ăn uống… cho trẻ trong 1.000 ngày đầu đời. Chính phủ quan tâm đến vấn đề tăng cường kiểm tra, kiểm soát dinh dưỡng trong thức ăn cho trẻ ở 1.000 ngày đầu đời tại các cơ sở, nhà máy sản xuất thức ăn cho bé.

Ngoài ra, Chính phủ cũng nên tăng cường đầu tư thêm cho những vùng chưa có điều kiện về y tế. Song song với đó, cần giao trách nhiệm cho những người đứng đầu địa phương về phát triển nguồn lực, vì điều này liên quan trưc tiếp đến vấn đề an sinh xã hội. Cuối cùng, không nên thực hiện kiểu “đầu voi đuôi chuột” ở vấn đề này. Làm được việc đó, thì chúng ta sẽ thực hiện thành công mục bổ sung vi chất dinh dưỡng này.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa TS. BS Phan Hướng Dương, rõ ràng việc thiếu I ốt tưởng là nhỏ mà không nhỏ, thực trạng này tại Việt Nam so với các nước đang phát triển như thế nào? Biện pháp khả thi nào có thể giải quyết triệt để tình trạng này, thưa ông?

TS. BS Phan Hướng Dương: Nói về iốt, tôi rất đồng tình quan điểm của giáo sư Lê Danh Tuyên. Khi những em bé sinh ra bị suy dinh dưỡng, còi cọc thì nguy cơ sau này bị béo phì, đái tháo đường lại tăng cao. Tôi muốn nhấn mạnh, ngoài việc quan tâm tới vấn đề chiều cao, trí tuệ thì việc không thể bỏ qua chính là những căn bệnh không lây nhiễm. Đây là điều lý giải tại sao Việt Nam có tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm lại gia tăng rất nhanh và cao, chiếm đến 70% tỷ lệ tử vong hiện nay ở Việt Nam.


Ảnh: Duy Thông

Năm 1993, điều tra đầu tiên tại Việt Nam về tình trạng thiếu iot cho thấy, có tới 94% dân số nước ta nằm trong vùng thiếu i-ốt, tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em từ 8 - 12 tuổi là 22,4%. 

Điều này xuất phát từ hai vấn đề: Một là, Việt Nam nằm ở trong những nước bị thiếu I-ốt. Hai là, trước đây chúng ta nhầm tưởng rằng chỉ ở vùng núi, vùng sâu vùng xa mới thiếu iot, nhưng thực tế ở vùng đồng bằng hay ven biển cũng xảy ra tình trạng này. 

Vì thế, từ năm 1994, Chương trình quốc gia phòng, chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt đã được triển khai thực hiện. Đến năm 2005, nước ta đã trở thành một trong những nước đi đầu trong công cuộc loại trừ tình trạng rối loạn do thiếu hụt i-ốt với ba chỉ số: Thứ nhất, tỉ lệ hộ gia đình sử dụng muối I-ốt phải hơn 90%, và chúng ta đạt 93%. Thứ hai, tỷ lệ mắc mới bướu cổ ở trẻ em 8-10 tuổi của Tổ chức Y tế Thế giới là 5% thì chúng ta đạt 3,6%. Thứ ba, mức i-ốt niệu trung vị phải trên 100mg/lít, thì chúng ta đạt 122mg/lít.

Tuy nhiên, sau 2005 những kết quả này đã không được duy trì do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng trong đó một nguyên nhân chủ quan rất quan trọng đó là chúng ta cho rằng chúng ta đã thành công rồi nên dẫn tới hâu quả tình trạng thiếu hụt i-ốt quay trở lại Việt Nam.

Những điều tra của Bệnh viện nội tiết Trung Ương và Tổ chức Y tế Thế giới Unicef cho thấy giai đoạn sau đó, mức trung vị iot niệu đã giảm xuống chỉ còn 84 mg/lít. Điều tra mới nhất của Bệnh viện nội tiết Trung ương, năm 2013 - 2014, thì tỷ lệ trẻ em bị bướu cổ ở 8 - 10 tuổi đã tăng lên 9,8% và mức trung vị iot niệu đã giảm xuống còn 84 mg/lít. Chính vì vậy, Bệnh viện nội tiết Trung Ương và Tổ chức Y tế Thế giới Unicef đã báo cáo Chính phủ đưa lại hoạt động phòng chống các rối loạn sử dụng I-ốt Chương trình mục tiêu, y tế dân số giai đoạn 2016-2020 và đặc biệt quy định trong Nghị định 09. Nhờ Nghị định 09, thì năm 2018, mức trung vị iot niệu đã tăng lên tới 97mg/lít, đây là thành công rất lớn.

Trước 2005 để đạt được thành công đó, hàng năm Chính phủ phải bỏ ra lượng tiền rất lớn 60-70 tỷ đồng cho công tác truyền thông, đánh giá, giám sát các sản phẩm về muối và kể cả bao cấp. Chính vì chương trình thành công nên nguồn kinh phí chuyển sang hoạt động thường xuyên nên kinh phí giảm nhất rất nhiều, dẫn tới sự quan tâm bị sút giảm. Nhờ Nghị định 09, chúng ta đã tăng được mức trung vị i-ốt niệu lên, Nghị định này rất quan trọng, giúp chúng ta đạt được và duy trì bền vững.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ người dùng ở hộ gia đình chưa cao chỉ 76% nhưng tất cả nhà hàng, hàng quán phải sử dụng muối iot và chúng ta đa dạng hóa các sản phẩm chứa iot. Nghị định 09 là hành lang pháp lý rất quan trọng khiến cho các chủ thể liên quan thực hiện đúng pháp luật.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa bà Ngô Thị Minh, thực tế vấn đề khuyến khích hay bắt buộc chế biến thực phẩm bổ sung thêm vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm cũng đang gây ra nhiều tranh cãi. Dưới góc độ cơ quan giám sát thực hiện quyết định của pháp luật bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Bà Ngô Thị Minh: Tôi thấy rằng nghị định 09 rất quan trọng, nhưng tổ chức triển khai thực hiện trong thực tiễn cũng không hề đơn giản. Qua ý kiến của các chuyên gia, chúng ta cũng thấy được thực trạng của việc thiếu các vi chất dinh dưỡng, đối với trẻ em vấn đề này càng quan trong hơn rất nhiều. 


Ảnh: Duy Thông

Tôi không  muốn dùng từ khuyến khích, tuy nhiên, nhận thức phải là quá trình. Về vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm của người dân khi chúng ta thấy hết được thực trạng, khi chúng ta nhìn nhận từ nước mình so với các nước trong khu vực và trên thế giới để chúng ta thấy tầm quan trọng của việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm để cải thiện giống nòi, nâng cao trí tuệ, tầm vóc. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện khi đang có tranh cãi giữa khuyến khích và bắt buộc.

Theo góc nhìn của ĐBQH thì tuỳ từng vấn đề mà bắt buộc. Trong trường hợp thiếu vi chất dinh dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng như thế này thì Nghị định 09 về bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm có ý nghĩa rất quan trọng. Để thấy được trách nhiệm của nhà nước, của doanh nghiệp, của người dân thì chúng ta không thể không dùng cụm từ bắt buộc mà phải làm tốt công tác tuyên truyền vì nhận thức là cả quán trình. 

Chúng ta đều có mục tiêu và mong muốn có con vừa đẹp, vừa khoẻ vừa thông minh, muốn vậy, công tác tuyên truyền rất quan trọng. Phải cung cấp cho người dân những kiến thức, nhận thức đúng, đủ và nên sử dụng những thực phẩm có những vi chất cần thiết, trong đó có i ốt, vitaminA, sắt, kẽm... 

Để pháp luật, để nghị định 09 đi vào cuộc sống và việc triển khai bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm đến với người dân là việc khó. Do đó, cần phải làm đồng bộ và phải hiểu từng đối tượng để tuyên truyền. Cùng với đó, phải đa dạng hoá các sản phẩm bổ sung vi chất. Đặc biệt là cần phát huy trách nhiệm của cha mẹ, của chính quyền, của cơ quan quản lý, của ngành y tế, ngành thông tin truyền thông. Tôi cho rằng Báo ĐBND đã làm được việc rất ý nghĩa trong công tác truyên truyền về vấn đề này. 

Tăng cường thực thi Nghị định 09 về bổ sung vi chất để nâng cao tầm vóc người Việt

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm đã được Trung tâm Copenhagen Consensus 2012 xếp loại là một trong những can thiệp có hiệu quả nhất trong phát triển toàn cầu và là giải pháp đã được các tổ chức như WHO, WFP, UNICEF, FAO và WB khuyến nghị để thanh toán thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là giải pháp trung hạn, hiệu quả cao, chi phí thấp để tăng lượng dưỡng chất vào cơ thể mà không cần phải thay đối thói quen ăn uống hoặc cần tới nguồn ngân sách lớn của quốc gia. Hiện đang có 167 quốc gia quy định bổ sung i ốt vào muối, trong đó 98 quốc gia quy định bắt buộc dùng muối i ốt cho thực phẩm chế biến, 92 quốc gia quy định bổ sung sắt, kẽm vào bột mì và 36 quốc gia quy định bổ sung vitamin vào dầu ăn.

Tháng 1.2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 09/2016/ND-CP bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm để giải quyết kịp thời vấn đề thiếu hụt Vitamin A, sắt kẽm và I ốt ở người Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc bắt buộc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm gây tốn kém, tăng thêm chi phí sản xuất kinh doanh, và làm thay đổi tính chất sản phẩm. Họ cũng cho rằng lượng vi chất quá nhỏ không còn tồn tại sau khi thực phẩm được chế biến, và cũng không thể xuất khẩu các sản phẩm tăng cường vi chất đến các nước không yêu cầu.

Thưa Bà Bùi Thị An, từ thực tế của việc áp dụng Nghị định số 09/2016/NĐ-CP còn có chỗ lỏng lẻo, tùy biến, có vấn đề chi phí sản xuất được đặt lên trên tầm quan trọng và vai trò của vi chất dinh dưỡng. Vậy Nghị định liệu đã là hành lang pháp lý cần và đủ để doanh nghiệp cùng chung tay có ý thức bổ sung vi chất và thực phẩm nhằm xây dựng tầm vóc Việt?


Ảnh: Duy Thông

PGS. TS Bùi Thị An: Để thực hiện tốt Nghị định 09, chúng ta nên hỗ trợ, phát miễn phí cho những người tiêu dùng thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa… Mặt khác, cũng cần kiểm tra, giám sát công bằng, công khai đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thức ăn sẵn trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ. Thêm vào đó, cần có sự hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng chính sách thuế hoặc ưu đãi về mặt bằng sản xuất… cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng này.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa TS. BS Phan Hướng Dương, nhiều chuyên gia khẳng định việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm chế biến và các loại gia vị mặn, dầu ăn và bột mì, đã được toàn cầu ghi nhận và là một chiến lược hiệu quả với chi phí thấp để tăng lượng dưỡng chất vào cơ thể mà không cần phải thay đối thói quen ăn uống hoặc cần tới nguồn ngân sách lớn của quốc gia. Vậy bằng cách nào Việt Nam có thể làm tắt việc này?

TS. BS Phan Hướng Dương: Về vấn đề bổ sung vi chất vào thực phẩm, hiện nay chúng ta đã và đang thực hiện theo khuyến cáo và hỗ trợ của tổ chức Y tế thế giới. Việc lựa chọn các sản phẩm như: muối hay dầu ăn, thì đây chính là những sản phẩm chúng ta sử dụng hàng ngày, bất kỳ người dân nào đều sử dụng đến và không ai dùng nhiều quá mức. Đây là chiến lược toàn cầu và Việt Nam đã đi đúng xu hướng của thế giới để đảm bảo sức khỏe của người dân. Sản phẩm tốt, chi phí thấp, dễ sử dụng và ở đâu cũng phải có thì người dân mới có thể tiếp cận một cách dễ dàng, theo đúng định hướng của thế giới, chi phí thấp – hiệu quả cao.  


Ảnh: Duy Thông

Trên thế giới đã ước tính, nhờ chương trình muối và Iot thì từ năm 1990 với hơn 120 quốc gia đến nay chỉ còn hơn 20 quốc gia thiếu Iot.

Để thực hiện được điều này thì công tác truyền thông làm sao phải đi được vào đời sống của người dân, phù hợp với người dân, phù hợp với phong tục tập quán từng địa phương, ngôn ngữ cũng phải phù hợp, dễ hiểu. Truyền thông cũng phải đa phương tiện, vì với những vùng sâu, vùng xa việc tiếp cận báo giấy hay internet là rất khó khăn. Như PGS.TS Bùi Thị An đã nêu, vai trò của các hộ rất quan trọng, trong một gia đình, người phụ nữ, người nội trợ chính là nhóm đối tượng chính để tuyên truyền vì họ là người trực tiếp sử dụng các sản phẩm như muối, dầu ăn để thực hiện các bữa ăn cho gia đình.

Có rất nhiều biện pháp chúng ta có thể thực hiện nhưng phải phối hợp sao cho đồng bộ. Nhà nước phải đảm bảo sự công bằng cho các doanh nghiệp, không thể để các doanh nghiệp có bổ sung vi chất dinh dưỡng lại tương đương với các doanh nghiệp không làm, đây là một sân chơi rất công bằng hướng tới mục tiêu cao nhất là đảm bảo cho thế hệ tương lai của đất nước. Sự phát triển của các đội bóng hiện nay, ngoài vấn đề tài năng, huấn luyện viên cũng rất quan tâm tới vấn đề dinh dưỡng mới có thể có sức khỏe, sức bền, thể lực để duy trì.

Trong Nghị định 09 quy định rất rõ trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông Nghiệp… các bộ phải phối hợp với nhau để làm sao có đủ sản phẩm cho người dân tiêu dùng, đủ chất lượng, và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Chúng ta phải giám sát để đảm bảo công bằng cho người dân sử dụng cũng như các doanh nghiệp sản xuất. Do đó, công tác quản lý nhà nước là hết sức quan trọng.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Nghị định 09 này còn điều gì phải tháo gỡ để một số doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm chế biến có bổ sung thành phần vi chất yên tâm sản xuất, thưa bà Trần Khánh Vân, Phó Trưởng khoa vi chất dinh dưỡng, Viện dinh dưỡng quốc gia?

Bà Trần Khánh Vân: Để bảo đảm công bằng đối với doanh nghiệp, công bằng đối với người sử dụng các sản phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng chúng ta phải quan tâm tới 3 yếu tố: 

Thứ nhất, quy định, chính sách của nhà nước. Thứ hai, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất cũng như là phân phối các sản phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng. Thứ ba, người tiêu dùng phải là người tự nguyện có ý thức với sức khỏe của mình để lựa chọn sử dụng các sản phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng.

Thứ hai, với các doanh nghiệp, chúng tôi đã khảo sát vào năm 2018  cho thấy, doanh nghiệp trong lĩnh vực này đều không ngại về thiếu công nghệ hay quy trình sản xuất sản phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, nhưng họ sợ một vấn đề là không công bằng. Không công bằng khi một doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội của mình, nhưng các doanh nghiệp khác không thể hiện, họ tốn nhiều chi phí hơn nhưng người tiêu dùng lại không nhận thức đúng, lại không mua những sản phẩm có tăng cường vi chất mà lại mua các sản phẩm không thêm vi chất dinh dưỡng. 


TS.BS Trần Khánh Vân, Phó Trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Thứ ba, với các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc Nghị định 09 thì họ bị mất khách hàng, đây chính là vấn đề các doanh nghiệp quan tâm đầu tiên. Nghị định 09 không ảnh hưởng tới doanh nghiệp xuất khẩu mà chỉ ảnh hướng tới các doanh nghiệp trong nước, và tỷ lệ các doanh nghiệp xuất khẩu rất là nhỏ so với tỷ lệ thị trường trong nước. Công nghệ sử dụng để tăng cường vi chất dinh dưỡng hiện nay mà chúng ta sử dụng là công nghệ phối trộn vào khâu cuối cùng trước khi thành phẩm đóng bao bì, thì các doanh nghiệp chỉ cần bỏ qua công đoạn này là có thể mang sản phẩm đi xuất khẩu. Số các nước chấp nhận sản phẩm tăng cường vi chất hiện nay cũng rất khác nhau, một số nước thì chấp nhận tăng cường sắt, kẽm lại không chấp nhận tăng cường Iot, hoặc các nước ở châu  u lại chấp nhận muối Iốt, nên sản lượng xuất khẩu các sản phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng chỉ chiếm thị phần rất nhỏ so với các sản phẩm không tăng cường vi chất. 

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa bà Ngô Thị Minh, từ góc độ của cơ quan lập pháp giám sát, với các thực trạng, thách thức và nguyên nhân và nêu trên, theo Bà cần phải làm gì để đảm bảo đạt được mục tiêu của NĐ 09 là phòng ngừa thiếu hụt vi chất dinh dưỡng góp phần nâng cao sức khỏe của người dân và tầm vóc của người Việt?

Bà Ngô Thị Minh: Để đạt được mục tiêu nghị định 09 đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Theo đó, phải đa dạng hóa truyền thông, tạo một trang web chính thống tuyên truyền về vấn đề này. Cần đưa thông tin tuyên truyền về vấn đề này vào giờ vàng. Phải tập trung tuyên truyền những nội dung của Nghị định 09 để người dân hiểu rõ về tầm quan trọng của vấn đề này, tránh chung chung gây lãng phí. Cùng với đó là có chế tài phù hợp, cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ.


Ảnh: Duy Thông

Chính phủ phân trách nhiệm rõ cho các bộ, ngành, phải có vai trò đầu mối. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong tất cả các “mắt xích”, để khi xảy ra thì phải có người chịu trách nhiệm. 

Đối với vùng sâu, vùng xa phải có sự quan tâm riêng. Chúng ta có đề án cho 1.000 ngày đầu đời, nhưng 1.000 ngày là tính từ lúc trong bào thai. Do đó, việc thực hiện phải hiệu quả, đúng đối tượng, tránh tình trạng, lạm dụng chính sách của nhà nước. sao không được lạm dụng chính sách của nhà nước.

ĐBND