Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn

- Thứ Tư, 24/10/2012, 08:41 - Chia sẻ
Tờ trình của UBTVQH do PHÓ CHỦ TỊCH QH UÔNG CHU LƯU ký, TRƯỞNG BAN CÔNG TÁC ĐẠI BIỂU CỦA UBTVQH NGUYỄN THỊ NƯƠNG trình bày tại Phiên họp Quốc hội sáng 23.10.2012

Kính gửi: Các vị đại biểu Quốc hội,

Thực hiện Nghị quyết số 27/2012/QH13 của Quốc hội về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Dự thảo Nghị quyết đã được gửi lấy ý kiến của các cơ quan hữu quan ở Trung ương và địa phương, đồng thời được đưa ra lấy ý kiến tại Hội nghị lãnh đạo tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp, dự thảo Nghị quyết đã được chỉnh lý, hoàn thiện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin kính trình Quốc hội các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết này như sau:

I. VỀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG NGHỊ QUYẾT

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết Trung ương 4) đã đặt ra yêu cầu cần “hướng dẫn để sớm thực hiện quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn”. Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định Quốc hội “bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn”.(1) Trên thực tế, việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn chưa được thực hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trong số các nguyên nhân này là do pháp luật chưa quy định rõ các căn cứ, cơ sở để các chủ thể có quyền có thể đề xuất việc bỏ phiếu tín nhiệm, chưa làm rõ mối liên hệ giữa việc đánh giá tín nhiệm cán bộ với việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; chưa tạo nên sự gắn kết giữa quy trình lấy phiếu tín nhiệm với bỏ phiếu tín nhiệm và phân biệt rõ tầm quan trọng của hai quy trình này. Trong đó, lấy phiếu tín nhiệm được hiểu là việc làm định kỳ hằng năm, nhằm đánh giá sự tín nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn làm cơ sở cho việc thực hiện công tác cán bộ; còn bỏ phiếu tín nhiệm là việc đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân thể hiện thái độ tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do mình bầu ra hoặc phê chuẩn trong những trường hợp do luật quy định (hình thức này gần với bỏ phiếu bất tín nhiệm ở một số quốc gia khác).

Để triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết của Quốc hội về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, thì việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn là cần thiết. Đây cũng là một bước cụ thể hóa các quy định hiện hành của Hiến pháp và luật, khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm hiện nay; góp phần đưa các quy định của Hiến pháp và luật về bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đi vào cuộc sống.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU XÂY DỰNG NGHỊ QUYẾT VỀ VIỆC LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM, BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM ĐỐI VỚI NGƯỜI GIỮ CHỨC VỤ DO QUỐC HỘI, HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN BẦU HOẶC PHÊ CHUẨN

1. Mục đích

Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn nhằm đạt được các mục đích sau đây:

- Thứ nhất, tăng cường hiệu quả giám sát, bảo đảm để Quốc hội, Hội đồng nhân dân thực hiện tốt hơn trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan đại biểu của nhân dân thay mặt nhân dân giám sát người giữ các chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; qua đó, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của những người này trước Quốc hội, Hội đồng nhân dân cũng như trước cử tri cả nước và từng địa phương.
Qua việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn nhận biết rõ sự đánh giá của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân về mức độ tín nhiệm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình; trên cơ sở đó, có biện pháp phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của bản thân.

- Thứ hai, đáp ứng yêu cầu của công tác cán bộ; bổ sung căn cứ để thực hiện công tác quy hoạch, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ một cách hiệu quả, đúng người, đúng việc; khuyến khích những người tín nhiệm thấp tự nguyện từ chức; kịp thời đưa ra khỏi vị trí lãnh đạo, quản lý những người không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao mà không phải chờ đến hết nhiệm kỳ.

- Thứ ba, cụ thể hóa quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đã được Hiến pháp và pháp luật quy định theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4; gắn kết quy trình lấy phiếu tín nhiệm với quy trình bỏ phiếu tín nhiệm. Theo đó, kết quả của lấy phiếu tín nhiệm sẽ là một căn cứ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

2. Yêu cầu

- Việc xây dựng quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn phải được tiến hành trên cơ sở các quan điểm của Đảng về công tác cán bộ và yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4, quy định của Hiến pháp và pháp luật về bỏ phiếu tín nhiệm.

- Quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải được thực hiện một cách dân chủ, công bằng, công khai, khách quan, có cơ sở pháp lý; quy trình lấy phiếu tín nhiệm cần đơn giản, rõ ràng; quy trình bỏ phiếu tín nhiệm cần chặt chẽ, thận trọng; bảo đảm hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước ở Trung ương và địa phương, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.

- Đề cao vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; ngăn ngừa việc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để gây khó khăn cho việc thực hiện công tác cán bộ của Đảng.

III. VỀ QUY TRÌNH LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM, BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM

Để đáp ứng mục đích, yêu cầu nêu trên, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin trình Quốc hội quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; cụ thể như sau:

1. Về thẩm quyền và phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm

Căn cứ vào yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4, các quy định của Hiến pháp và luật về những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, đồng thời để bảo đảm tính khả thi của việc lấy phiếu tín nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định về thẩm quyền và phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm cụ thể như sau:

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng kiểm toán nhà nước (tổng số là 49 người).

Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với các Phó chủ tịch, Phó chủ nhiệm và các uỷ viên của Hội đồng, Ủy ban (tổng số là 380 người, trong đó mỗi Ủy ban có từ 30-50 thành viên).(2)

Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy viên thường trực Hội đồng nhân dân (02 - 03 người), Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân (02 - 04 người); Chủ tịch, Phó chủ tịch và các ủy viên của Ủy ban nhân dân (03-13 người).

Các Ban của Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên của ban mình, trừ Trưởng ban (gồm từ 02 đến 04 ban, mỗi ban có từ 05-15 người).(3)

Sau khi lấy phiếu tín nhiệm, Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm gửi kết quả lấy phiếu tín nhiệm đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Quốc hội; các Ban của Hội đồng nhân dân có trách nhiệm gửi kết quả lấy phiếu tín nhiệm đến Thường trực Hội đồng nhân dân để tổng hợp, báo cáo Hội đồng nhân dân cấp mình. Quốc hội, Hội đồng nhân dân ra nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm.

2. Căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm

Trên cơ sở các quy định về tiêu chuẩn để đánh giá cán bộ trong Luật Cán bộ, công chức, Quy chế đánh giá cán bộ, công chức của Bộ Chính trị, yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất các nội dung cơ bản làm căn cứ cho việc đánh giá tín nhiệm như sau:

- Một là, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật đối với từng chức danh cụ thể.

- Hai là, tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống.

3. Thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm

Về thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, đề nghị quy định việc lấy phiếu tín nhiệm cần được tiến hành định kỳ hằng năm theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4.

Để bảo đảm thời gian cần thiết cho việc thể hiện năng lực lãnh đạo, quản lý của người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, hội đủ điều kiện để đánh giá một cách toàn diện kết quả công tác trong năm trước đó, đồng thời phù hợp với thời điểm bắt đầu và kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đề nghị quy định rõ thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm là vào kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân đầu năm, kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ. Việc lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Hội đồng nhân dân cần được tổ chức trước khi Quốc hội, Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm để Quốc hội, Hội đồng nhân dân có thể ra nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm.

4. Về quy trình lấy phiếu tín nhiệm

Quy trình lấy phiếu tín nhiệm sẽ bao gồm quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân, quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại phiên họp toàn thể của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ban của Hội đồng nhân dân. Cụ thể như sau:

Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội:

a) Người được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm có báo cáo công tác bằng văn bản về các nội dung thuộc căn cứ đánh giá trong năm trước đó. Báo cáo được gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội chậm nhất là 30 ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi thông báo về việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp và báo cáo công tác của người được lấy tín nhiệm đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 20 ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.

b) Quốc hội quyết định ngày lấy phiếu tín nhiệm trong chương trình kỳ họp.

c) Chậm nhất là 10 ngày, trước ngày Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Quốc hội có thể gửi yêu cầu bằng văn bản đến người được lấy phiếu tín nhiệm đề nghị làm rõ những nội dung thuộc căn cứ đánh giá đối với chức danh liên quan. Người được lấy phiếu tín nhiệm trả lời đại biểu bằng văn bản đối với các yêu cầu mà đại biểu đã nêu.

d) Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín tại phiên họp toàn thể. Trên phiếu thể hiện tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm và các mức độ đánh giá tín nhiệm: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm thấp”, “chưa có ý kiến”.

đ) Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu để xác định và công bố số phiếu tín nhiệm của từng người.

e) Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với tất cả những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (bao gồm cả kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội); trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm.

Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại phiên họp toàn thể của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội:

a) Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thông báo về thời gian tiến hành phiên họp lấy phiếu tín nhiệm đến thành viên của Hội đồng, Ủy ban mình chậm nhất là 45 ngày, trước ngày khai mạc phiên họp.

b) Các Phó chủ tịch, Phó chủ nhiệm, ủy viên của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có báo cáo công tác bằng văn bản về việc thực hiện các nội dung thuộc căn cứ đánh giá trong năm trước đó. Báo cáo được gửi đến Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội chậm nhất là 30 ngày, trước ngày khai mạc phiên họp của cơ quan này.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội gửi báo cáo công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm đến thành viên của cơ quan mình chậm nhất là 25 ngày, trước ngày tiến hành phiên họp lấy phiếu tín nhiệm.

c) Chậm nhất là 05 ngày, trước khi bắt đầu phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, thành viên của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có thể gửi yêu cầu bằng văn bản đến người được lấy phiếu tín nhiệm đề nghị làm rõ những nội dung thuộc căn cứ đánh giá đối với chức danh liên quan. Người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm trả lời đại biểu bằng văn bản đối với các yêu cầu mà đại biểu đã nêu.

d) Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trên phiếu thể hiện tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm và các mức độ đánh giá tín nhiệm: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm thấp”, “chưa có ý kiến”.

đ) Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu để xác định và công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm. 

e) Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội gửi kết quả lấy phiếu tín nhiệm đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Quốc hội ra nghị quyết chung về việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp gần nhất.

Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Hội đồng nhân dân và tại phiên họp của các ban của Hội đồng nhân dân về cơ bản cũng gồm các bước tương tự như quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đã được thể hiện cụ thể trong dự thảo Nghị quyết. Thường trực Hội đồng nhân dân có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm với Hội đồng nhân dân; trình Hội đồng nhân dân thông qua nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm.

5. Việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm

Theo Nghị quyết Trung ương 4 thì “những người 02 năm liền tín nhiệm thấp, không hoàn thành nhiệm vụ cần được xem xét, cho thôi giữ chức vụ”. Luật Cán bộ, công chức quy định: “Cán bộ 02 năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 02 năm liên tiếp, trong đó 01 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bố trí công tác khác. Cán bộ 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ.” Căn cứ vào các quy định này, việc xử lý và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện như sau:

Sau khi kết thúc việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với từng chức vụ cụ thể để xem xét, xử lý theo quy trình công tác cán bộ.

Người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức nếu xét thấy bản thân không đủ tín nhiệm hoặc không đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ đó; cơ quan hoặc người đã giới thiệu để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm có thể trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm người đó để điều động sang vị trí công tác khác phù hợp hơn, đồng thời chủ động đề nghị cơ quan có thẩm quyền lựa chọn người để giới thiệu thay thế; trường hợp đã hết nhiệm kỳ thì không tiếp tục giới thiệu tái cử chức vụ đó nhiệm kỳ tiếp theo.

Người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân mà có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm mà không cần chờ kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai; đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị nhân sự thay thế.

Người có 02 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm.

Những người được lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ban của Hội đồng nhân dân mà có số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” chiếm tỷ lệ cao thì xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền để Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó chủ tịch, Ủy viên Hội đồng Dân tộc, Phó chủ nhiệm, Ủy viên Ủy ban của Quốc hội hoặc Phó trưởng ban, Ủy viên các Ban của Hội đồng nhân dân.

6. Về việc sửa đổi, bổ sung quy trình bỏ phiếu tín nhiệm

Với việc bổ sung quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm như đã trình bày ở phần trên, đối tượng, quy trình bỏ phiếu tín nhiệm hiện nay cũng cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn, cụ thể là:

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn(4) khi có một trong các trường hợp sau đây:

a) Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm;

b) Khi có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội;

c) Khi có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội;

d) Người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”;

đ) Người được lấy phiếu tín nhiệm 02 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”.

Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy viên thường trực, Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy viên của Ủy ban nhân dân khi có một trong các trường hợp sau đây:

a) Khi có yêu cầu của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân;

b) Khi có kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;

c) Người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp”;

d) Người được lấy phiếu tín nhiệm 02 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp”.

Quy trình thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội, kỳ họp Hội đồng nhân dân cơ bản giữ như quy định tại Điều 88 của Luật Tổ chức Quốc hội, Điều 13 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Điều 34 của Nội quy kỳ họp Quốc hội, Điều 56 của Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Đối với người có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân không tín nhiệm thì cơ quan hoặc người đã giới thiệu để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm đối với người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm.

*
*        *

Trên đây là Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin kính trình Quốc hội xem xét, quyết định.

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

  KT. CHỦ TỊCH

 PHÓ CHỦ TỊCH

UÔNG CHU LƯU

__________________________________________

1. Khoản 7 Điều 84 của Hiến pháp năm 1992 (được bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10).

2. Thành viên Đoàn thư ký kỳ họp và thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh là các chức danh do Quốc hội bầu nhưng đều là những người kiêm nhiệm các chức danh đã nêu ở trên nên sẽ được lấy phiếu tín nhiệm cùng chức danh chính mà họ đảm nhiệm.

3. Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện, tuy cũng là một chức danh do Hội đồng nhân dân bầu, nhưng tính chất công việc không thường xuyên và chỉ chịu sự quản lý của Tòa án nhân dân, không có trách nhiệm báo cáo công tác với Hội đồng nhân dân; hơn nữa, số lượng hội thẩm nhân dân được bầu ở mỗi cấp là khá lớn, nhất là ở Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Vì vậy, đề nghị không đưa hội thẩm nhân dân vào phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng nhân dân để bảo đảm tính khả thi của quy định này.

4. Chỉ giới hạn trong số những người quy định tại khoản 7 Điều 84 của Hiến pháp năm 1992.