Tổ chức bầu cử: Giới thiệu ứng cử viên

- Thứ Sáu, 29/04/2011, 07:45 - Chia sẻ
Việc giới thiệu ứng cử viên là một công việc hết sức quan trọng trong mỗi cuộc bầu cử. Mặc dù pháp luật của rất ít quốc gia quy định các đảng phái được đặc quyền giới thiệu ứng cử viên, nhưng trên thực tế, các đảng phái chính trị đóng vai trò rất lớn trong việc giới thiệu ứng cử viên. Việc giới thiệu này đã trở thành một trong những chức năng chính trị lớn nhất của các đảng phái chính trị ở nhiều nước.

Về nguyên tắc, đảng phái nào giành được một số lượng ghế nhất định trong cuộc bầu cử trước sẽ có quyền giới thiệu ứng cử viên trong cuộc bầu cử tiếp theo. Hoặc đảng nào chỉ cần nhận được một số lượng phiếu nhất định trong cuộc bầu cử lần trước sẽ có quyền giới thiệu ứng cử viên. Ví dụ, ở Cộng hoà liên bang Đức, những đảng có từ 5 ghế trở lên trong Nghị viện mới có quyền giới thiệu ứng cử viên Nghị sỹ khoá tiếp theo. Những đảng mới được thành lập, muốn được giới thiệu phải đệ trình cơ quan phụ trách bầu cử cấp liên bang những chứng từ có liên quan đến hoạt động của đảng mình như điều lệ, cương lĩnh, số lượng đảng viên và các cơ quan cấu thành.

Các đảng phái chính trị tiến hành giới thiệu ứng cử viên vào Nghị viện theo các thể thức khác nhau, tuỳ theo quy định hoặc theo thông lệ của từng đảng phái và của từng nước. Cách thứ nhất là phương thức giới thiệu cổ điển, thông qua một Uỷ ban lựa chọn. Uỷ ban này thông thường gồm từ 2 đến 3 đảng viên cao cấp hoặc chính khách có danh tiếng của các đảng phái tham dự vào công việc lựa chọn ứng cử viên. Họ làm việc bí mật. Phương pháp này đã gặp rất nhiều chỉ trích, hiện chỉ còn áp dụng ở một số ít quốc gia.

Cách thứ hai, tất cả các đảng viên của Đảng ít nhiều đều được tham gia vào việc giới thiệu ứng cử viên. Đảng được tổ chức thành các chi bộ, qua các chi bộ, đảng viên cử ra đại diện của mình. Các đại diện này họp thành hội nghị đảng địa phương để lựa chọn ứng cử viên. Các ứng cử viên được đưa về trung ương phê chuẩn. Cách lựa chọn này là lựa chọn bán trực tiếp. Nước Anh thực hiện cách lựa chọn này.

Cách thứ ba, các đảng phái tổ chức các hội nghị của đảng để lựa chọn ứng cử viên, gọi là bầu cử sơ bộ. Mỗi đảng cho in lá phiếu riêng của mình. Trên mỗi lá phiếu có ghi tên ứng cử viên đại diện ra tranh cử. Cử tri nhận lá phiếu sẽ vạch một chữ thập trước ứng cử viên mà mình ủng hộ. Ứng cử viên nào nhận nhiều chữ thập nhất sẽ được đảng đưa ra tranh cử cho đảng trong cuộc tổng tuyển cử chính thức. Chẳng hạn, ở Mỹ, các đảng Cộng hoà và đảng Dân chủ tiến hành các cuộc bầu cử sơ bộ trong nội bộ đảng của mình và đưa các ứng cử viên nhiều triển vọng nhất ra tranh cử.

Tất cả các ứng cử viên được các đảng phái giới thiệu muốn được vào danh sách chính thức để các cử tri bỏ phiếu thì phải được cơ quan phụ trách bầu cử lập danh sách ứng cử viên. Các cơ quan phụ trách bầu cử không có quyền giới thiệu ứng cử viên vào nghị viện, nhưng có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật, có trách nhiệm phải lập danh sách ứng cử viên được giới thiệu đúng luật, có quyền gạt tên những ứng cử viên được giới thiệu không đúng pháp luật.

Ngoài việc giới thiệu ứng cử viên do các đảng phái tiến hành, các ứng cử viên tự do cũng có quyền tự ứng cử. Mặc dù đây là một quyền cơ bản của công dân, thực tế cho thấy khả năng thắng cử của các ứng cử viên tự do là không nhiều. Chỉ có các nhân vật nổi tiếng mới hy vọng thắng cử.

Nguyên Lâm