Tổ chức bầu cử: Đơn vị bầu cử

- Thứ Sáu, 29/04/2011, 07:45 - Chia sẻ
Các cuộc bầu cử phải được tiến hành theo các đơn vị bầu cử. Đơn vị bầu cử là đơn vị được thành lập từ một vùng lãnh thổ tương ứng với một lượng cư dân nhất định, bầu ra một số lượng đại biểu nhất định theo quy định của pháp luật hoặc theo quyết định của cơ quan lãnh đạo bầu cử trung ương. Pháp luật bầu cử quy định hai cách thức thành lập đơn vị bầu cử. Một, lấy các đơn vị hành chính làm đơn vị bầu cử- cách thức này là phổ biến. Hai, thành lập đơn vị bầu cử riêng không phụ thuộc vào đơn vị hành chính trực thuộc.

Sự bình đẳng trong các cuộc bầu cử trước hết được thể hiện trong công đoạn phân chia đơn vị bầu cử. Để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng này, một số nước không phân chia lãnh thổ phải tiến hành bầu cử ra thành các đơn vị bầu cử, mà cả nước chỉ có một đơn vị bầu cử. Cả nước cùng tiến hành bầu ra một danh sách các Nghị sỹ rất đông, bằng số lượng đại biểu cần thiết. Ví dụ, 120 đại biểu Quốc hội Israel được nhân dân bầu trực tiếp tại một đơn vị bầu cử chung cho cả nước.

Việc tổ chức đơn vị bầu cử ở các quốc gia còn có thể chia theo số đại biểu được bầu: đơn vị bầu cử bầu một đại biểu và đơn vị bầu cử bầu nhiều đại biểu. Bầu cử Nghị viện ở Anh chia toàn quốc thành 650 đơn vị bầu cử, mỗi đơn vị bầu một đại biểu. Ở các nước khác, mỗi đơn vị bầu cử được bầu nhiều đại biểu, thì pháp luật ấn định một tỷ lệ cứ bao nhiêu ngàn dân thì được bầu một Nghị sỹ. Trong bầu cử Nghị viện ở Phần Lan, mỗi đơn vị bầu cử được bầu trực tiếp từ 7 đến 30 đại biểu, tuỳ theo dân số từng khu vực. Hoặc như ở Mỹ, lúc đầu Hiến pháp quy định tỷ lệ cụ thể cứ bao nhiêu ngàn dân được bầu một Nghị sỹ. Sau đó, vì số dân ngày càng tăng, buộc Hiến pháp phải chỉnh lý, ấn định số lượng ghế của Hạ viện là 438 được chia đều cho các bang. Việc phân chia đơn vị bầu cử có ý nghĩa chính trị quan trọng, bởi vì nó có thể tác động trực tiếp đến kết quả bầu cử.

Khi mỗi đơn vị bầu cử bầu ra nhiều đại biểu, những người ra ứng cử thường liên danh với nhau. Liên danh nào được nhiều phiếu sẽ chiếm được toàn bộ số ghế của đơn vị bầu cử. Đây chính là loại hình đơn vị bầu cử liên danh.

Việc xác định đơn vị bầu cử và lên danh sách các ứng cử viên được bầu cho mỗi đơn vị bầu cử có ý nghĩa lớn. Phương pháp phân ghế đại biểu (phương pháp đại diện tỷ lệ hoặc phương pháp đa số) chỉ là một yếu tố để xác định tỷ lệ số ghế được phân bổ, yếu tố thứ hai và thường quan trọng hơn là việc xác định các khu vực và đơn vị bầu cử. Nếu các khu vực bầu cử được chia nhỏ và mỗi khu vực chỉ bầu ít đại biểu, thì kết quả bầu cử dường như không phản ánh đúng tỷ lệ số ghế được phân bổ, cho dù có áp dụng phương pháp phân ghế nào đi chăng nữa. Ví dụ, trong cuộc tuyển cử năm 1986 ở Pháp, mỗi đơn vị được bầu 6 đại biểu, kết quả là số phiếu thu được tập trung về các đảng lớn. Các nhà phê bình gọi đó là bầu cử đại diện không tỷ lệ (disproportional representation).

Để khắc phục nhược điểm này, người ta tổ chức các đơn vị bầu cử lớn. Trong mỗi đơn vị bầu cử được ấn định nhiều ghế đại biểu, thường là khoảng 12 ghế trở lên, như ở Phần Lan, Bồ Đào Nha và Lúc-xăm-bua. Tuy nhiên, một số quan điểm cho rằng việc hình thành các đơn vị bầu cử quá lớn thường làm cho vai trò đại diện của đại biểu mờ nhạt và cử tri cảm thấy xa lạ với các đại biểu của họ.

Hoài Thu