Tổ chức bầu cử : Kinh phí tranh cử

- Thứ Sáu, 06/05/2011, 07:21 - Chia sẻ
Kinh phí vận động tranh cử là vấn đề quan trọng, đóng vai trò quyết định đối với sự thành bại của các ứng cử viên và các đảng phái tham gia tranh cử ở các nước. Bởi vậy, pháp luật bầu cử của các nước đều quy định giới hạn tối đa số tiền mà mỗi ứng cử viên được phép chi cho vận động tranh cử, như ở Ấn độ, Nga, Pháp, Malaysia, hoặc số tiền mà mỗi đảng chính trị được phép chi cho vận động tranh cử, như ở Đức, Mỹ, Italya.

Ngoài ra, pháp luật cũng có các quy định về nguồn kinh phí vận động tranh cử, các phương thức sử dụng và số tiền tối đa được phép chi cho mỗi hoạt động tranh cử.

Về nguồn kinh phí của vận động tranh cử, pháp luật bầu cử của các nước quy định một phần chi phí cho vận động bầu cử do Nhà nước cấp, còn lại phần lớn chi phí do các tổ chức kinh tế, xã hội và cá nhân quyên góp. Chẳng hạn, ở Pháp quy định kinh phí tranh cử có được nhờ các khoản tiền sau: do ứng cử viên và/hoặc đảng bỏ ra, do quyên góp, do nhà nước tài trợ. Pháp luật của một số nước như Pháp, Italy nghiêm cấm nhận tiền ủng hộ của các câu lạc bộ và sòng bạc, các công ty. Ngoài ra, việc nhận tiền quyên góp của các công dân nước ngoài và các nhà nước khác dưới bất kỳ hình thức nào đều bị cấm.

Ở Pháp, Nhà nước tài trợ cho các ứng viên bằng hai cách: trực tiếp và gián tiếp. Tài trợ trực tiếp có nghĩa là các ứng viên được nhận lại từ nhà nước một khoản tiền tính bằng tỷ lệ so với mức trần chi tiêu tranh cử, với điều kiện phải đáp ứng một số yêu cầu theo luật định. Nhà nước tài trợ gián tiếp cho ứng viên qua hình thức sử dụng lượng thời gian nhất định trên truyền hình, phát thanh công cộng trong thời gian vận động tranh cử.

Đồng thời pháp luật bầu cử cũng hạn chế việc đóng góp cho ứng cử viên thông qua việc quy định mức độ quyên góp tối đa của các tổ chức và cá nhân cho ứng cử viên hay do đảng phái. Ví dụ, ở Pháp, mỗi cá nhân được đóng góp 7.500 euro/năm cho một đảng và 4.600 euro/năm cho một ứng viên, chỉ những khoản đóng góp từ 150 euro trở xuống mới được bằng tiền mặt, còn trên 150 euro phải góp bằng séc hoặc qua mạng.

Pháp luật nhiều nước quy định việc cấm mua phiếu dưới bất kỳ hình thức nào, dù đó là hối lộ, cho cử tri tiền, quà tặng và các vật phẩm khác, bán đồ hạ giá, phát hành miễn phí hàng hoá (ngoài tài liệu in ấn và các huy hiệu dành riêng cho vận động bầu cử), chào mời cử tri các dịch vụ miễn phí và giảm giá.

Để đảm bảo sự minh bạch trong chi tiêu tranh cử, ở nhiều nước, mỗi ứng viên phải chỉ định một đại diện tài chính có nhiệm vụ giải quyết mọi vấn đề tài chính tranh cử. Nhân vật này phải mở tài khoản tranh cử, tiếp nhận các khoản đóng góp và chi cho tranh cử qua tài khoản đó; lưu giữ mọi chứng từ thu chi. Tài khoản của mỗi ứng viên phải được một kế toán viên chứng nhận.

Ở nhiều nước thành lập cơ quan để kiểm soát việc chi tiêu tranh cử. Ví dụ, Pháp có Ủy ban quốc gia về các tài khoản tranh cử và tài chính đảng. Ủy ban gồm 9 thành viên được bổ nhiệm bởi pháp luật trong 5 năm gồm: 3 thành viên của Hội đồng Nhà nước, 3 thành viên của Tòa Thượng thẩm, 3 thành viên của Tòa Kiểm toán quốc gia. Ủy ban có một Ban thư ký hỗ trợ với khoảng 30-40 nhân viên của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính. Ủy ban sẽ kiểm tra việc chi tiêu tranh cử của các ứng viên và các đảng trong vòng 6 tháng sau khi kết thúc bầu cử nếu không có khiếu kiện, và trong vòng 2 tháng nếu có khiếu kiện. Nếu phát hiện thấy vi phạm, các đảng và ứng viên sẽ phải chịu một trong các chế tài sau: không được ứng cử trong một năm; cắt nguồn đóng góp; nộp phạt tiền; bị phạt tù.

Nguyên Lâm